Đầu năm, tôi cùng một người bạn thổ dân sống ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy lang thang quanh khu vực “chợ gái” đứng đường ở khu vực cầu Dịch Vọng (đầu đường Nguyễn Khánh Toàn).


Mới 20 - 21h những ngày đầu năm mà đã có khoảng gần chục cô gái son phấn lòe loẹt dựa lan can hàng rào sắt bên sông Tô Lịch để đợi khách.

Ê chề "gái qua đường" đầu năm

Thấy chúng tôi đang tiến lại, một cô chừng 25-27 tuổi chạy tới, mắt liếc đưa tình, miệng nhanh nhảu: “Các anh chơi không?!”. Tôi hỏi: “Giá cả thế nào?!”, cô đáp: “Đi nhanh 250.000 đồng, anh trả tiền nhà nghỉ…”. Tôi chê đắt, cô hạ giọng nài nỉ: “Thế các anh định đi được bao nhiêu?. Dịp này khó khăn, với lại mở hàng đầu năm bọn em còn giảm giá, chứ ngày trước làm gì có cái giá đó, toàn đi nhanh 300-400.000 đồng…”.

Thoái thác, chúng tôi nhận một câu chửi thề cùng vẻ mặt khó chịu. Tiến tới một “cô” ngoài 35 tuổi, đang tạo dáng trên vỉa hè, chưa kịp hỏi, “cô” đã nói: “Có chơi thì đi luôn đi, ở đây giá chung rồi! 250k là quá rẻ rồi, cò kè làm gì nữa…”.

Cậu bạn đi cùng cho biết, "giá" đó hạ thật. Cùng thời điểm, năm ngoái, năm kia, "giá đi nhanh" là 400.000 đồng, thậm chí 500.000 đồng, chưa kể tiền trả nhà nghỉ.

Đó là gái đứng đường, còn với những "chân dài" trẻ tuổi làm dịch vụ ngồi quán Karaoke thì cái "giá đi nhanh" trên 1 triệu đồng.

Gái mại dâm chờ khách ngày đông. Gái mại dâm chờ khách ngày đông.

Khu "chợ "gái đứng đường" ở đầu cầu Dịch Vọng này tồn tại từ nhiều năm nay và hầu như ngày nào cũng có khoảng gần chục cô thuộc dạng "gái già", hết thời đứng đợi khách từ chập tối tới tận 1-2h. Khi đón được "khách", các cô dẫn vào một số nhà nghỉ quanh đó để hành lạc.

Ven đường Phạm Văn Đồng khoảng 0h, trong cái lạnh tê tái vẫn có khá nhiều cô gái đều đã ở tuổi… toan về già, mặt phủ vội chút son phấn rẻ tiền đứng đợi khách nơi gốc cây, bãi đất trống...

Chúng tôi tà tà xe và hướng ánh mắt về nơi 3 cô gái đang đứng (đoạn gần công viên Hòa Bình), các cô nhao nhao mời: “Chơi không các anh?!”.

Tôi vội bảo: “Đắt không đi, rẻ mới đi!”. Một em vội nói: “Không đắt đâu, tàu nhanh 2 lít (hai trăm ngàn), bọn anh trả tiền nhà nghỉ. Nếu nhanh ở gốc cây thì 150k (150 ngàn) thôi…”.

Những cô gái này cho biết, đầu năm nay, có khi hết cả một đêm mà có cô chẳng đón được "khách" nào. Họ phải trả tiền trọ, tiền sinh hoạt…, nên dù khách có trả rẻ vẫn phải đi theo kiểu "năng nhặt chặt bị".

Chạy đua cùng nhan sắc tàn phai

"Gái bán hoa" đứng đường" tại khu vực Đường Giải Phóng tên Nguyễn Thị H. tâm sự: “Bình thường mấy đứa thuê nhà sống chung, em chỉ “làm” lúc chập tối tới 11-12 giờ đêm là nghỉ. Dịp này đầu năm, lại khó khăn nên đứa nào cũng phải cày kéo đến tận 2, thậm chí 3 giờ sáng. Nhiều hôm rét mướt khách khứa chẳng có ma nào mà vẫn phải chờ vì nhỡ đâu… được thêm đồng nào hay đồng đó…”.

Vì là chỗ quen khi ngồi cùng quán trà vặt nhiều lần, hơn nữa cô ta lại thuê trọ ngay sát nhà một người bạn của tôi nên H. trò chuyện khá mở lòng. H. cho biết: “Quê em ở Hà Giang, về Hà Nội từ năm 16 tuổi và kinh qua bao nghề, từ làm thuê làm mướn cho tới làm gái để rồi giờ đây thời xuân sắc đã qua nên phải ra đứng đường kiếm chút tiền sống qua ngày. Chẳng ai muốn vậy, nhưng đâm lao phải theo lao…”.

H. ngoài 30 tuổi và nhan sắc tàn tạ nên cô chẳng dám về nhà. "Tết vừa rồi em muốn về quê ăn Tết cùng mẹ quá nhưng cũng đành chịu vì chẳng có tiền, đã 3 năm nay em chưa về nhà…”, H. bộc bạch.

Không giống H., Lê Thị T. năm nay 29 tuổi, "gái đứng đường" ở chợ tình cầu Dịch Vọng, quê Phú Thọ, có chồng, con đàng hoàng. Cô nói dối chồng ra Hà Nội buôn thúng bán bưng, nhưng thực chất đã bị "cuốn vào" bán dâm từ lâu.

Khi tuổi còn trẻ, T. cũng "nhập hội" gái dịch vụ" phục vụ khách quán karaoke. Vài năm nay nhan sắc không còn, lại "cứng tuổi", T. ra đứng đường...

Gái mại dâm đứng đường đáng lên án bởi bán thân xác do lười lao động, coi rẻ nhân phẩm. Họ dấn thân vào "nghề" (theo cách nói của họ) nguy hiểm, dễ nhiễm bệnh xã hội và truyền bệnh vào cộng đồng, nhất là bệnh HIV/AIDS.

Khi tỉnh ngộ thì hầu hết "gái đứng đường" đã tàn phai cả nhan sắc, sức khỏe cũng như tinh thần. Các Trung tâm chữa bệnh bắt buộc không còn, họ hoang mang không biết sẽ đi về đâu, khi không có nghề mưu sinh…

(Theo Pháp luật Việt Nam)