Bây giờ nói đến chuyện yêu đương như tuổi teen thì thật mắc cười. Mà Giang lại không dám vơ quàng vơ xiên một anh chàng nào để có cái cớ mà “ngẩng cao đầu” mỗi dịp về quê ăn Tết.

Chỉ còn chưa đầy chục ngày nữa là Tết. Cả năm công việc bộn bề căng thẳng, ai chẳng muốn nghỉ ngơi, về với không khí đầm ấm của những người thân trong gia đình. Thế nhưng giữa cái không khí nhộn nhịp đó có một người lo lắng, bồn chồn. Cô gái ấy tên Giang, 32 tuổi và chưa chồng.Cái hồi đi học, Giang ngoan ngoãn, chỉ biết có học. Nhà có 3 chị em, Giang lại là con cả. Gia đình không được khá giả nên Giang biết thân biết phận chăm học lắm.

Nếu như phụ huynh những cô bạn học khác lo ngay ngáy vì có bom nổ chậm trong nhà thì bố mẹ Giang lại có phần yên tâm. Tình hình này cứ duy trì suốt 4 năm đại học. Trong khi bạn bè dẫn người yêu về ra mắt ầm ầm thì Giang vẫn chỉ biết có học và học. Bố mẹ Giang gật gù: “Thế là tốt! Cứ yêu đương nhăng nhít vào để rồi vác cái bụng bầu về thì bố mẹ chỉ còn nước mà chui xuống đất”.


Ra trường với tấm bằng loại giỏi, cộng thêm chút may mắn, Giang xin vào làm việc văn phòng trong một công ty của Nhật. Bản tính ngoan ngoãn, ít nói tới mức hơi khó gần dường như đã được lập trình sẵn cho cô rồi. Nếu như khi còn đi học, con đường hàng ngày cô đi qua chỉ có từ trường về nhà hay từ nhà đến trường thì đến lúc đi làm con đường ấy có thay đổi một chút là từ nhà đến cơ quan và từ cơ quan về nhà.

Trong công ty cũng có người muốn tìm hiểu nhưng vốn sống hướng nội quá mức nên Giang không thể mở lòng mình ra được. Lúc đầu người ta thấy cô gái ấy có gì bí ẩn, cuốn hút nhưng về sau Giang “bế quan tỏa cảng" quá nên người ta cũng bó tay, chạy mất.

Trong khi bạn bè đã chồng con đề huề thì một mảnh tình vắt vai Giang cũng chưa có. Tết đến năm nào lớp cũ của Giang cũng họp. Và năm nay cũng thế, Giang cứ nghĩ mà rùng cả mình.

Có năm Giang đi họp lớp, có người biết ý thì không hỏi chuyện chồng con, có đứa tếu táo lại thích trêu chọc Giang. Thấy mình lạc lõng giữa các cặp đôi, Giang ra chơi với đám con nít. Thấy vậy, đám bạn lại được thể: “Lấy chồng đi, sinh con tha hồ mà đùa với chúng nó”. Chẳng lẽ năm nay lại viện cái cớ ốm đau, hay bận rộn mà không đi họp lớp?Nhưng nào phải không đi họp lớp là tránh được cái nạn… về quê ăn Tết đâu. Về nhà, Giang cố tránh mặt mọi người, chẳng đi đến đâu, nhưng có tránh bằng trời. Kiểu gì mùng 1, mùng 2 chẳng gặp gỡ nội ngoại, anh em. Vậy là những câu nói quen thuộc cứ tới tấp "nhắm" vào Giang : “Bao giờ cho cô, chú ăn kẹo đây con?”...Ở nhà suốt ngày cũng không phải là sự lựa chọn hoàn hảo. Nhà có 3 chị em thì cô em thứ 2 cũng đã lấy chồng sinh con, thằng em út cũng đã lấy vợ.

Nhớ lại những lần về nhà trước đây mà Giang tủi thân. Bố Giang bình thường thì không sao nhưng rượu vào thì mắng Giang là đồ bất hiếu, sao chẳng cuốn gói khỏi cái nhà nhanh lên kẻo người ta bàn tán bố mẹ cấm đoán không cho con lấy chồng.

Mẹ Giang không nói gì nhưng mắt mẹ nhìn Giang buồn lắm. Cô em dâu thấy Giang trong nhà thì như thấy một cái gai. Mặc dù Giang ít khi về và cũng chẳng động chạm nặng lời nhưng hễ chạm mặt Giang là ra ngấm vào nguýt, nói cạnh nói khóe là “không chồng, ế”, là định “sau này làm cái nợ cho vợ chồng nó à”.

Nhất là năm nay cô ả sinh cho gia đình được một cậu quý tử, ai cũng nâng niu. Có lẽ nhân cái cớ này cô ả sẽ công khai mà sỉ nhục Giang chẳng ra gì.Cái tuổi nó đuổi xuân đi... Mỗi lần nhìn vào gương, những nếp nhăn đã thoáng xuất hiện. Nhưng để thay đổi bản thân thì thật khó. Giang đã quá quen sống khép kín rồi.

Bây giờ nói đến chuyện yêu đương như tuổi teen thì thật mắc cười. Mà Giang lại không dám vơ quàng vơ xiên một anh chàng nào để có cái cớ mà “ngẩng cao đầu” mỗi dịp về quê ăn Tết. Giang thở dài nhìn gương mặt đã già đi đến chục tuổi vì stress khi nghĩ đến cảnh về quê ăn Tết.

(Theo TTVN)