Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND TP xem xét dự thảo đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân trên địa bàn giai đoạn 2020-2030. Mục tiêu đề án là vận tải hành khách công cộng đáp ứng 15% nhu cầu đi lại người dân vào năm 2025 và 25% năm 2030.
Theo Sở GTVT TP.HCM, những năm qua TP đã từng bước đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Mạng lưới đường vành đai, xuyên tâm, đô thị được nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới.
Dù được đầu tư nhiều nhưng xe buýt, phương tiện vận tải hành khách công cộng vẫn hoạt động hiệu quả |
Tuy nhiên, tốc độ gia tăng phương tiện xe cơ giới cá nhân quá lớn là vấn đề khó khăn cho giao thông đô thị. Trong khi đó, vận tải hành khách công cộng chỉ mới đảm nhận đạt tỷ lệ thấp so với nhu cầu đi lại của người dân.
Mặt khác, việc gia tăng các loại phương tiện giao thông cơ giới đã làm tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường không khí và ô nhiễm tiếng ồn. Trên cơ sở là đơn vị tham mưu cho UBND TP về các vấn đề giao thông, Sở GTVT TP.HCM đã phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển giao thông (Bộ GTVT) tiến hành triển khai xây dựng đề án.
Sau khi tổ chức lấy ý kiến từ các nhà khoa học, chuyên gia, báo cáo, hội thảo và điều tra xã hội học, lấy ý kiến người dân trên địa bàn TP, đến nay, Sở đã nghiên cứu hoàn chỉnh đề án.
Giải pháp thực hiện
Đề án đưa ra 17 giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng: hình thành mạng lưới xe buýt hiệu quả vào năm 2030; hoàn thành đúng tiến độ các tuyến Metro số 1, 2, 5 và một tuyến buýt nhanh (BRT); đầu tư tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm, xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ; triển khai dịch vụ xe máy điện, xe đạp điện công cộng; tổ chức làn đường riêng cho xe buýt; nâng cao chất lượng xe buýt...
3 giải pháp nhóm giải pháp kiểm soát xe cá nhân gồm tổ chức thu phí ôtô vào trung tâm thành phố; kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cộ; thí điểm kiểm tra khí thải với xe máy; phân vùng hoạt động xe máy phù hợp với hạ tầng và năng lực giao thông.
7 giải pháp cho nhóm giải pháp hỗ trợ gồm quy hoạch đô thị theo hướng đa trung tâm nhằm kéo giãn mật độ dân cư ở khu vực trung tâm; tạo nguồn thu hỗ trợ phát triển giao thông công cộng; thực hiện các dự án giao thông thông minh; tổ chức thêm không gian đi bộ ở trung tâm thành phố; sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca...
Đoạn trên cao tuyến metro Bến Thành- Suối Tiên |
Những bước đi
Giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ mở rộng mạng lưới xe buýt, đảm bảo kết nối đến các khu vực đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh, các tuyến vận tải khách khối lượng lớn.
Các giải pháp vận tải sẽ ưu tiên phát triển xe buýt và tập trung nguồn lực phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng lớn. Đồng thời, thực hiện các giải pháp làm cơ sở triển khai các giải pháp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân, tổ chức lại giao thông cho xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại khu vực trung tâm.
Giai đoạn 2026-2030, TP sẽ ưu tiên đầu tư, giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và kiểm soát xe cá nhân.
Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến gần 393.800 tỷ đồng (bao gồm các dự án đang triển khai hoặc có chủ trương đầu tư). Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng hơn 47.600 tỷ đồng, còn lại là các nguồn lực từ xã hội hóa hoặc vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức).
Đề án xác định phát triển vận tải hành khách công cộng là điều kiện để hạn chế xe cá nhân. Từ nay đến năm 2030 xe buýt vẫn giữ vai trò quan trọng cho đến khi vận tải hành khách bằng khối lượng lớn (Metro, Monorail...) hình thành theo quy hoạch. Nhà nước giữ vai trò chính trong vận tải hành khách công cộng (đầu tư hạ tầng và vận hành khai thác).
Cũng theo đề án, cần thiết phải kiểm soát nhu cầu đi lại bằng xe cá nhân. Tuy nhiên trước khi hạn chế xe cá nhân, cần đáp ứng các điều kiện về hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, bãi giữ xe máy, dịch vụ cung cấp xe đạp điện hoặc máy điện công cộng hỗ trợ kết nối xe buýt được thuận lợi...
Cấp 17 loại bằng lái xe: Muốn hội nhập phải theo quốc tế
Nhiều ý kiến cho rằng, việc phân loại 17 hạng bằng lái xe gây phức tạp, bất tiện cho người dân. Tuy nhiên, đại diện Tổng Cục Đường bộ VN nói rõ: bắt buộc phải làm nếu muốn hội nhập quốc tế.
Tuấn Kiệt