Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - Nguyễn Văn Lạng, để có được những công nghệ do người Việt tự thiết kế, chế tạo và làm chủ cách tốt nhất vẫn phải là gắn nghiên cứu, đào tạo với sản xuất ngay trong một khu liên hợp.

Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc đi vào hoạt động đến nay được hơn 10 năm và đã có nhiều sản phẩm CNC mang thương hiệu Hòa Lạc hình thành từ đây. Vậy, xin Thứ trưởng cho biết một số công nghệ mang tính điểm sáng đã được ươm tạo, hình thành tại Khu CNC Hòa Lạc?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng: Khu CNC Hòa Lạc được xây dựng theo mô hình trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ quốc gia, nơi ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Văn Lạng
Bên cạnh đó có các sản phẩm lấy ý tưởng từ những nhu cầu hết sức thiết thực trong cuộc sống như sản phẩm lò đốt rác thải rắn y tế BL230 của Công ty Cổ phần thiết bị và dịch vụ công nghệ cao QA&PA, phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện của Công ty HTS Media Hitech, thiết bị tiết kiệm điện cho đèn tuýp của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và phát triển Khoa học kỹ thuật Việt Nam ….

Hay những sản phẩm từ huyết thanh ngựa, sản phẩm từ hợp chất thiên nhiên cũng đang được đánh giá cao của các nhóm từ Viện KH&CN Việt Nam và gần đây là tế bào gốc cũng đã chế tạo ra những tế bào gốc đầu tiên của chuột, bắt đầu có những hợp tác tốt với Pháp, với Bộ Y tế và đặc biệt là Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội,… Công ty TNHH Thiết bị và Công nghệ tự động Tân Á Châu (Nasia) đã nghiên cứu chế tạo ra hộp đen để xử lý, ghi chép lại hành trình của các phương tiện vận tải như ô tô, taxi hay tàu hỏa.

Các công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam đã được cấp chứng nhận đầu tư và bắt đầu xây dựng hạ tầng như: FPT, Tinh Vân, MISA… Dự kiến, cuối năm 2012 và sang năm 2013 sẽ có hàng nghìn lập trình viên phần mềm làm việc tại đây. Nhiều trung tâm dữ liệu và một số viện nghiên cứu cũng đang được xây dựng. Một vài năm nữa sẽ có hàng trăm nghiên cứu viên làm việc tại Khu R&D.

Đến nay, đã có rất nhiều nhà đầu tư lớn đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc. Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã cấp chứng nhận đầu tư cho 53 dự án với  tổng vốn là 21.975,44 tỷ đồng trên diện tích 259,12 ha. Tính đến hết năm 2010, đã có 29 dự án khởi công xây dựng công trình, trong đó 17 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng doanh thu trong năm 2010 đạt 1200 tỷ đồng.  Đây mới chỉ là bước đầu, nhưng tôi cho rằng đó là sự cố gắng rất lớn.

Khu CNC được coi là nơi thu hút, tập hợp lực lượng trí thức KH&CN trong cả nước, trí thức Việt kiều và các nhà KH&CN nước ngoài trong nghiên cứu, sáng tạo và chuyển giao công nghệ trực tiếp cho sản xuất và ươm tạo doanh nghiệp CNC. Vậy chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của Khu CNC Hòa Lạc là gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng: 
Dự kiến, đến năm 2020, Khu CNC Hòa Lạc sẽ là một thành phố khoa học với hàng trăm nghìn sinh viên, hàng nghìn các nhà nghiên cứu, hàng trăm các đơn vị nghiên cứu triển khai và nghiên cứu cơ bản, hàng trăm những doanh nghiệp khoa học, có hàng vạn lập trình viên và các hoạt động khác. Đây là một thành phố nằm trong chuỗi 5 thành phố vệ tinh của Thành phố Hà Nội. Tổng số người sinh sống và làm việc trong Khu CNC Hòa Lạc gần 230 nghìn người, trong đó dân số thường trú gần 100 nghìn người.  

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chúng ta chưa đủ nguồn nhân lực bắt đầu từ các nhà nghiên cứu, trường đại học và nguồn nhân lực trực tiếp cho các dự án CNC. Chúng tôi có kế hoạch kêu gọi và tạo điều kiện cho các nhóm từ các trường đại học, các viện nghiên cứu có đam mê, có ý tưởng, có công nghệ, hoặc được giải thưởng mà họ chưa có điều kiện để phát triển. Ví dụ giao cho họ phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu gần như miễn phí; hỗ trợ toàn bộ những khóa đào tạo (cả trong và ngoài nước); tổ chức các văn phòng luật sư, các đại diện sở hữu trí tuệ giúp họ giải quyết những vấn đề khi cần thiết; hỗ trợ về thủ tục pháp lý để từ nghiên cứu ra sản phẩm được thương mại hóa và đăng ký độc quyền sáng chế.

Hiện nay đã có có 3 đến 4 nhóm được vay từ Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia, mức vay cao nhất khoảng hơn 2 tỷ đồng, thấp nhất khoảng từ 800 đến 900 triệu đồng. Việc huy động đầu tư từ xã hội cũng đã được thực hiện và có kết quả bước đầu.

Chính sách nhân lực là như vậy, nhưng để có được nhiều công nghệ mang thương hiệu Việt Nam thì thời gian tới Khu CNC Hòa Lạc đã tính đến bài toán này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng: Tôi nghĩ cách làm tốt nhất vẫn phải là gắn nghiên cứu, đào tạo với sản xuất ngay trong một khu liên hợp. Tạo tiền đề, không gian, môi trường pháp lý, điều kiện làm việc hạ tầng để giữa trường đại học, nhà khoa học từ các trường đại học, các viện nghiên cứu với việc sản xuất ra sản phẩm ở các nhà máy. Thực tế, hiện nay chúng tôi đã hình thành một loạt các doanh nghiệp CNC do người Việt tự thiết kế, chế tạo và làm chủ các công nghệ. Thí dụ như Bkav, Tosy...

Đồng thời đẩy mạnh ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, chọn những lĩnh vực để họ tập trung nghiên cứu. Có như vậy chúng ta mới có một nền công nghiệp, công nghệ mang thương hiệu Việt phát triển ổn định và bền vững.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!


Phương Nga – Diệu Huyền