Như Thanh (Thanh Hoá) có của 4 dân tộc đang cùng sinh sống gồm Kinh, Mường, Thổ và Thái. Trong đó dân tộc Thái chiếm 19,21%, sinh sống rải rác trên địa bàn các xã: Thanh Tân, Thanh Kỳ, Xuân Phúc, Xuân Thái, Cán Khê.

Đáng chú ý, đồng bào dân tộc Thái ở thôn Mó 1, xã Cán Khê, lễ hội Sết Boóc Mạy là một hoạt động tín ngưỡng dân gian đặc sắc được lưu truyền từ thời xa xưa; giá trị trường tồn ấy được lớp lớp bà con Nhân dân trong thôn lưu giữ, phát huy và được tổ chức long trọng vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm.

Theo tiếng người dân tộc Thái: Sết là Tết, còn Boóc Mạy là cây, hoa, lá và cả vạn vật, muông thú, tượng trưng cho đất, trời, thiên nhiên kỳ vĩ, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông muôn hoa, muôn vẻ, vạn vật sinh sôi nảy nở, đơm hoa kết trái, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu thần linh che chở, cầu thần phù hộ tạo phúc cho dân, mọi người đều bình an, khỏe mạnh. 

W-dongbaothai.png
Trích đoạn lễ hội Sết Mooc Mạy ở xã Cán Khê 

Lễ hội Sết Boóc Mạy là sản phẩm tinh thần, tái hiện một phần đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Thái từ thời khai thiên lập Mó đến nay, là một hoạt động tín ngưỡng dân gian đặc sắc, nét văn hóa tinh thần độc đáo của cộng đồng người Thái được người dân của thôn Mó 1, xã Cán Khê, huyện Như Thanh lưu giữ, phát huy và tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm.

Thông qua những làn điệu dân ca dao duyên, những âm thanh vang vọng khắp núi rừng của tiếng trống, tiếng cồng chiêng, tiếng khua luống, tiếng bòm bu hòa quyện với nhau, Lễ hội Sết Boóc Mạy với ước mong được thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe dồi dào, bản làng yên vui. Lễ hội cũng là nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi bước vào năm mới.

Nhằm phát huy giá trị văn hóa của Lễ hội Sết Bóoc Mạy, huyện Như Thanh chú trọng gắn việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái với việc phát huy các lợi thế của địa phương, nhất là tiềm năng, lợi thế về du lịch, các yếu tố tự nhiên, lịch sử văn hóa... để phát triển mạnh kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng xã Cán Khê trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.

Theo ông Đinh Xuân Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Như Thanh: Thời gian qua, huyện quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS). Vào mỗi dịp tết đến xuân về địa phương đã tổ chức các trò chơi, biểu diễn các tiết mục văn nghệ dân gian trong các lễ hội.

Các làn điệu dân ca cũng được tạo điều kiện để được khôi phục, tái tạo, cải biên, đặt lời mới... đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của Nhân dân. Thành lập các câu lạc bộ bảo tồn, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện. Huy động sự tham gia của các nghệ nhân dân gian, già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia quản lý, tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa, bảo đảm tốt nhất quyền công dân trong sáng tạo, thực hành và thụ hưởng thành quả văn hóa.

Hiện nay, địa phương đang đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS kết hợp với các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS phù hợp, tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, khích lệ sáng tạo giá trị văn hóa mới, tiến bộ, loại bỏ những hủ tục lạc hậu.

Huyện xác định việc giữ gìn, phát huy văn hóa DTTS phải đi đôi với ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân. Gắn văn hóa với phát triển du lịch, tạo sinh kế cho đồng bào, vừa bảo đảm cho văn hóa DTTS được phát huy, phát triển, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người DTTS với công tác bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.

Nhóm PV