- Có hàng loạt ý kiến tại Nhật cho rằng, Tokyo không cần phải nhượng bộ trước sự quả quyết của Trung Quốc. Với nhiều người Nhật, Abe là vị lãnh đạo sẵn sàng đứng lên phản đối người láng giềng lớn.
Cựu thủ tướng Nhật Bản, nhà lãnh đạo theo xu hướng bảo thủ Shinzo Abe đã chính thức trở lại chiếc ghế quyền lực sau khi đảng Tự do Dân chủ Nhật do ông làm chủ tịch chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hôm 16/12.
Theo đánh giá của giới phân tích, cách tiếp cận thẳng thắn và tự tin của ông Abe sẽ phá vỡ khuôn mẫu của phong cách quan liêu dựa trên sự đồng thuận của nhiều nhà lãnh đạo Nhật. Cách tiếp cận ấy sẽ làm hài lòng nhiều cử tri và các đối tác an ninh của Nhật trong khu vực.
Tuy nhiên, cảm nhận này lại không được hưởng ứng ở Bắc Kinh. Có hàng loạt ý kiến tại Nhật cho rằng, Tokyo không cần phải nhượng bộ trước sự quả quyết của Trung Quốc. Với nhiều người Nhật, Abe là vị lãnh đạo sẵn sàng đứng lên phản đối người láng giềng lớn.
Lịch sự đối đầu và xung đột giữa Nhật với Trung Quốc khá nổi tiếng. Nó kéo dài tới hiện tại với sự tranh chấp quần đảo Senkaku (Hoa Đông) hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nhật nhưng Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền (và gọi là Điếu Ngư). Mối quan tâm lớn ở đây là thực tế Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn sàng liên kết các vấn đề chính trị và chiến lược với sự thưởng phạt kinh tế.
Trong tháng 9, một thứ trưởng thương mại Trung Quốc đã chính thức khuyến khích việc tẩy chay hàng hoá và doanh nghiệp Nhật - nhất là các sản phẩm ô tô và điện tử. Các hãng du lịch Trung Quốc cũng đã hoãn hoặc tạm ngừng những tour du lịch tới Nhật, dẫn tới số lượng du khách Trung Quốc tới Nhật giảm 33% trong tháng 10.
Nhiều công ty Nhật như Toyota, Honda, Nissan và Panasonic đã báo cáo tổn thất đối với các hoạt động và tài sản của họ khi hàng nghìn người Trung Quốc xuống đường biểu tình phản đối Nhật Bản. Khó có thể hình dung ra rằng, những cuộc biểu tình quy mô như vậy mà giới chức trách lại không đoán biết trước.
Sự sẵn sàng của Bắc Kinh trong việc sử dụng thương mại như một chiến lược hay đòn bẩy chính trị đã được triển khai với Nhật Bản trong năm 2010 xung quanh một tranh cãi tương tự. Khi đó Bắc Kinh đã ngừng xuất khẩu đất hiếm sang nước láng giềng. Đất hiếm là nguyên liệu chủ chốt cho ngành công nghệ cao của Nhật Bản.
Tân thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh: policymic |
Bắc Kinh cũng có cách hành xử tương tự với những nước có tranh chấp khác. Gần đây nhất là chuyện Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu chuối - mặt hàng xuất khẩu chính của Philippines do tranh chấp tại bãi cạn Scarborough, đe doạ việc làm và đời sống của 200.000 người Philippines.
Tầm nhìn với Trung Quốc
Khi ông Abe là thủ tướng Nhật từ tháng 9/2006 – 9/2007, ông đã phá vỡ cách tiếp cận truyền thống tương đối mềm mỏng trong các tranh chấp với Trung Quốc. Ông từng thúc đẩy “Sáng kiến tứ giác”, một khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật, Mỹ, Ấn Độ và Australia. Sáng kiến tạo dựng nền tảng để tăng cường hợp tác chiến lược và tập trận hải quân chung giữa cường quốc.
Thành lập vào thời điểm khi các nước trong khu vực chưa có nhiều chỉ trích về cách hành xử của một Trung Quốc trỗi dậy, sáng kiến này có vẻ vội vàng và ít nhiều khiêu khích. Ông Abe còn đề cập tới việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ.
Ông đã không lạc hậu khi tuyên bố rằng, tất cả những đề xuất này là để kiềm chế tham vọng và cách hành xử của Trung Quốc. Có thể nói, ông là nhà lãnh đạo châu Á hiện đại đầu tiên công khai nói như vậy.
Nhiều khả năng ông Abe sẽ tái lập sáng kiến này trong thời gian tới để trấn an dư luận trong nước trước việc Trung Quốc đang liên tục leo thang căng thẳng trên biển Hoa Đông.
Trong cuộc bầu cử gần đây, Abe thẳng thắn nói rằng, ông sẽ theo đuổi chiến lược liên minh quyết đoán, đặc biệt là việc làm sâu sắc liên minh Mỹ - Nhật và liên minh an ninh với Australia cũng nằm ở vị trí cao trng danh sách ưu tiên của Abe.
Ông cũng bóng gió sẽ xem xét lại các hạn chế rằng, Nhật Bản không được chi quá 1% GDP cho quốc phòng. Thậm chí còn có dấu hiệu cho thấy ông sẽ xem xét bổ sung khả năng phòng thủ quân sự của Nhật với những tài sản quân sự hùng hậu như tên lửa đạn đạo, máy bay ném bom chiến lược và những đơn vị đổ bộ. Dĩ nhiên, nếu Abe làm vậy, ông phải cân nhắc tới Điều 9 trong hiến pháp hoà bình của Nhật.
Để thực hiện những điều trên, ưu tiên hàng đầu của ông Abe là đảo ngược các dấu hiệu giảm phát kinh tế. Nhiều người cũng lo ngại sự xấu đi trong quan hệ Trung - Nhật sẽ tác động ngược trở lại với kinh tế, thương mại song phương và khu vực.
Nếu thực sự điều đó xảy ra, thì một chính phủ quyết đoán hơn của Abe có thể không bị đổ lỗi. Khi cựu thủ tướng Yukio Hatoyama nắm quyền năm 2009, Tokyo đã theo đuổi đường lối ôn hoà hơn với Bắc Kinh. Ông Hatoyama tuyên bố rằng, Nhật có thể giảm tầm quan trọng trong liên minh với Mỹ và nỗ lực hơn trong khu vực kinh tế, chiến lược Đông Á, củng cố hơn mối quan hệ với Trung Quốc.
Giới ngoại giao Bắc Kinh hoan nghênh sự ôn hoà của Nhật. Nhưng kể từ năm 2010, khi Bắc Kinh phô trương sức mạnh trong khu vực bằng các cuộc đụng độ với Nhật, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines…., họ đã khiến cả khu vực phải hoài nghi về độ tin cậy của tuyên bố trỗi dậy hoà bình từ Trung Quốc.
Cách hành xử gây hấn của Bắc Kinh xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Hoa Đông và Biển Đông cũng có thể không liên quan đến quan điểm tiếp cận “mềm” của Hatoyama. Nhưng con đường hoà giải của Tokyo đã không khiến Bắc Kinh giảm nhiệt. Thậm chí người tiền nhiệm của ông Abe còn trở nên cứng rắn hơn trong vấn đề với Trung Quốc.
Mọi điều phía trước còn quá sớm để đánh giá, nhưng ít nhất, một cách hành xử mạnh mẽ hơn, quả quyết hơn có thể không gây hại; ít nhất nó có thể khiến Bắc Kinh cân nhắc kỹ càng về cái giá phải trả khi phô trương sức mạnh của mình ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á.
Thái An (theo nytimes)