- Đó là khẳng định của ông Phan Trọng Lân - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Hiện nguyên nhân gây ra "bệnh lạ" vẫn phải tiếp tục điều tra.

Trong 2 ngày 13-14/5, hơn 100 đoàn viên thanh niên huyện Ba Tơ, Bộ chỉ huy quân sự huyện, cán bộ y tế và các chuyên gia Bộ Y tế đã đồng loạt ra quân làm vệ sinh, phun thuốc, khử trùng khu vực lại làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ. Đồng thời cấp phát thuốc, gạo trắng cho người dân vùng dịch. Đây được xem là tổng đợt ra quân vệ sinh môi trường lớn nhất từ trước đến nay.

Lực lượng đoàn viên thanh niên tổng vệ sinh, phát quang bụi rậm toàn bộ khu vực vùng dịch.

Khác hẳn với không khí ảm đạm của vùng dịch những ngày trước, trong 2 ngày qua, nhiều làng xóm của các thôn ở xã Ba Điền, huyện Ba Tơ đã trở nên nhộn nhịp hơn. Hầu như tất cả các con đường vào thôn xóm đều được đoàn viên thanh niên dọn vệ sinh, phát quang sạch sẽ. Họ cũng làm sạch gầm nhà sàn và vệ sinh chuồng trại vật nuôi cho người dân trong làng.

Ngành y tế phun thuốc khử trùng khu vực nhà dân
 
Cùng với đó, đoàn công tác của Bộ Y tế đã ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, tiến hành phun hóa chất icon 2,5CS và Cloramin B để tẩy rửa tại các hộ gia đình tại khu dân cư thuộc địa bàn 4 thôn: Làng Rêu, Làng Tương, Gò Nghênh, Huy Long của xã Ba Điền. Toàn bộ chiếu cũ của người dân đã được mang đi tiêu hủy và thay mới miễn phí.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng tiến hành cấp trên 13 ngàn viên Morianim, 45 ngàn viên Theravit, đây là 2 loại vitamin tổng hợp nhằm nâng cao sức đề kháng và bổ sung khoáng chất cho người dân. Cấp 2.000 viên Albendazole - thuốc tẩy giun sán và 1.000 chiếc chiếu, mền có tẩm Icon 2,5cs - tức hoá chất nhằm xua đuổi côn trùng, các loại bọ chét đặc biệt là mò đỏ.
Cấp thuốc bổ vitamin tổng hợp và thuốc tẩy giun sán cho người dân.
 
Cũng trong 2 ngày qua, lực lượng bộ đội đã trực tiếp về các vùng dịch, ngoài việc giúp dân tổng vệ sinh, lực lượng bộ đội thuộc cơ quan quân sự huyện Ba Tơ cũng đã tiến hành giúp người dân cày bừa, gieo sạ lúa hè thu.

Tính đến ngày 14/5, huyện Ba Tơ đã cấp phát 67,5 tấn gạo trắng cho trên 1.500 khẩu của xã Ba Điền và 31 khẩu của 4 xã có người mắc bệnh gồm: Ba Vinh, Ba Ngạc, Ba Tô và Ba Xa, trung bình mỗi khẩu nhận được 45 kg gạo dùng trong vòng 3 tháng.

Tỉnh và Trung ương đã hỗ trợ huyện Ba Tơ hơn 1 tỷ đồng để mua gạo, cấp tiền mặt cho các hộ dân có người bị mắc bệnh lạ. Đồng thời hỗ trợ gia đình 21 người chết, mỗi người 4,5 triệu đồng.

Bộ đội giúp dân làm ruộng để sản xuất vụ Hè thu
 
Theo UBND huyện Ba Tơ, toàn huyện có hơn 230 người dân mắc bệnh lạ, trong đó có 21 người đã tử vong. Hiện có thêm 4 trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch.

Sau hơn một tuần về điều tra tìm nguyên nhân gây ra bệnh lạ, hôm nay (14/5) đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ kết thúc chuyến công tác được xem là lâu nhất tại vùng dịch.

Tuy nhiên theo ông Phan Trọng Lân - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì hiện nguyên nhân gây ra "bệnh lạ" vẫn phải tiếp tục điều tra, diễn biến của bệnh khá phức tạp, nhưng với những bằng chứng cho thấy thì người bị bệnh có triệu chứng nhiễm độc.

Người dân đem chiếu cũ đi tiêu hủy
 
Cũng theo ông Phan Trọng Lân, thì sở dĩ nhận định người bệnh có triệu chứng nhiễm độc là do ban đầu, ngành y tế đã đưa ra nguyên nhân gây bệnh trên ba mặt lâm sàng, dịch tễ và phòng thí nghiệm.

Về dịch tễ, bệnh không hề lây lan bởi trong cùng một gia đình có người mắc, người không. Lâm sàng thì không thấy biểu hiện sốt ban đầu cũng như công thức máu bạch cầu không thay đổi. Bên cạnh đó, điều trị kháng sinh chưa thấy hiệu quả và có nhiều trường hợp tái nhiễm không đặc trưng do lây nhiễm.

Cấp gạo cho đồng bào vùng dịch.
 
Ông Lân cũng khẳng định, gạo không phải là nguyên nhân gây ra “bệnh lạ” đồng thời cho rằng, sau chuyến đi thực tế vùng dịch lần này, đoàn công tác Bộ Y tế sẽ tổng hợp các yếu tố, đồng thời có thể sẽ nhờ các chuyên gia nước ngoài vào cuộc vì họ có máy móc hiện đại, công nghệ cao và những chuyên gia chuyên sâu về độc học, môi trường học…để tìm ra nguyên nhân gây “bệnh lạ”.
 
Minh Bảo