Tháng 6/2014, Facebooker Tùng Xích lô đã chia sẻ những thông tin về cặp vợ chồng Kurt - Sang trên trang mạng xã hội.

Câu chuyện gây ấn tượng mạnh cho người đọc là về đôi vợ chồng già, chồng người Đan Mạch – vợ người Việt đã đổ hết tâm sức xây được 24 cây cầu treo và 5 trường học tại những vùng nông thôn nghèo của Việt Nam. Nhiều người không biết tới họ nhưng hàng ngày vẫn đi qua những cây cầu họ đã xây.

Thế nhưng trong cuộc sống, họ lại không gặp suôn sẻ ngay trên chính mảnh đất mà họ yêu quý. Sau vài lần bị lừa mua những miếng đất nằm trong quy hoạch, hiện giờ họ đang sống trên mảnh đất, mà giấy tờ chưa rõ ràng, chưa hợp lệ, với điều cần nhất chỉ là xây được hàng rào vườn để bảo vệ đất đai trước những kẻ xấu. 

Cuối tháng 8 vừa qua, anh Nguyễn Thanh Tùng – tên thật của Facebooker Tung Xich Lo - có chuyến quay lại giúp ông bà Kurt – Sang xây dựng hàng rào cho khu đất.

 {keywords}
  Tùng Xích lô và ông bà Kurt - Sang (ảnh NVCC)

Hàng rào vẫn chưa xong...

Xây được tường rào cho ông bà Kurt – Sang rồi, anh hài lòng chứ? Anh còn mong muốn nào nữa không cho hai ông bà?

- Bài viết của tôi chỉ muốn mọi người nên biết về họ và hãy giúp họ về việc pháp lý, như giấy tờ nhà đất, vì việc này tôi không rành.

Tôi không ngờ nhiều độc giả họ lại hiểu theo một ý khác, đó là đóng góp về mặt vật chất. Cho đến hiện nay, vẫn chưa độc giả nào ra hướng dẫn chỉ họ cách làm giấy tờ cho đúng theo pháp luật. Còn bên phía nhà nước, họ chỉ giỏi hứa hẹn. Đã 2 tháng trôi qua, họ vẫn chưa đưa ra một câu trả lời về vấn đề đất đai.

Hàng rào hiện nay xây chưa xong, khi nhân lực không đông đủ như tôi mơ tưởng. Tôi và ông Kurt cũng không dám trách ai, tôi nghĩ vì họ ở xa và đường QL1 thì đang tanh bành.

Ông Kurt vẫn tiếp tục công trình với vận tốc túc tắc như tinh thần Viking của ông.

Tôi xin thay mặt họ cám ơn những nhà hảo tâm, đã có lòng đóng góp về mặt vật chất. Rất tiếc tôi không thể tiếp tục giúp họ thực hiện xong cái hàng rào, nhưng những gì họ đã từng làm, tôi luôn ghi nhớ và quý trọng.

Từ câu chuyện của hai ông bà Kurt – Sang, anh có “ngẫm” gì về “sự đời” không?

- Trên đời tôi thấy có nhiều người còn gặp khó khăn gấp mấy lần ông bà Kurt - Sang. Nhưng tôi luôn tôn trọng và khâm phục họ, với những gì họ đã từng giúp cho những người đồng bào nghèo của mình.

Có câu chuyện tôi gặp từ chuyến đi xuyên Việt bằng xích lô lần trước. Khi đạp tới gần cổng chào vào thành phố Mỹ Tho, thấy một quán hủ tíu, bún riêu, cháo… bên lề đường, tôi bèn tấp lại.

Tôi chỉ mới kịp gắp được vài cọng hủ tíu, bà chủ quán đã vui vẻ hỏi thăm về cuộc hành trình của tôi. Trò chuyện một lúc, bà ấy mới hỏi ghẹo tôi, không biết tôi cho cậu bé con nuôi của bà theo tháp tùng không? Tôi thắc mắc hỏi cậu bé không đi học sao?

Bà chủ quán bắt đầu kể cho tôi nghe về cuộc đời không mấy sáng sủa của cậu bé. Bố mẹ của cậu bé là một cặp tình nhân ham vui, lặn lội từ vùng xa xôi xứ Trung để vào Nam tìm cách đổi đời. Cuộc sống đâu có đơn giản như họ tưởng, thế là họ đã bỏ trốn, để lại đứa bé cho hàng xóm trông coi. Những người trong khu xóm nghèo nàn này, cũng là dân tha phương tứ xứ, đến nơi đây mướn nhà ở, rồi tự tìm cách sinh nhai.

Chính bà chủ hàng ăn cũng chẳng giàu có gì, nhưng đã nhận đứa bé bất hạnh vào lòng.

Tôi nhìn thằng bé cũng thấy khá thông minh và cỡ tuổi cậu bé chắc là tầm lớp 2-3 gì đấy. Tôi ngắt ngang câu chuyện và nói, nếu cháu nó được nghỉ học, tôi sẽ cho cháu cùng phiêu du với tôi một tháng. Thằng bé nhìn tôi mắc cỡ, rồi bỏ chạy vào trong xóm.

Bà chủ hàng ăn kể tiếp, nó ngoan lắm, nó mơ ước được đi học lắm, nhưng nó không có khai sinh, không có trường học nào chịu nhận nó. Ngoài ra bà cũng chẳng biết nhờ ai, giúp được nó cho đi ăn học.

Đúng là đi nhiều mới thấy sự thật của cuộc sống, thật là tồi tệ.

Thấy cu bé chạy mất rồi, tôi cũng đứng lên thanh toán tiền để đạp tiếp vào Mỹ Tho. Đạp mới ra khỏi quán một đoạn. Tôi thấy ông trung niên bán vé số dạo lúc nãy tại quán ăn, tôi dừng lại hỏi ông ta đi đâu, và tôi mời ông ta cùng đi cho vui. Đến nơi ông ta cần xuống, tôi mời ông này một ly cà phê, để được nghe thêm nhiều chuyện trên trời dưới đất. 

“Ngon miệng” chỉ là sự trừu tượng

Theo những bài viết anh đưa trên trang cá nhân, có vẻ như anh… ăn đâu cũng thấy ngon. Tôi tưởng, là đầu bếp thì phải khó tính hơn chứ? Và theo anh, thế nào là một món ăn ngon?

  {keywords}
   Cùng những người bạn (ảnh NVCC)

- Vậy cô chưa đọc hết những bài viết của tôi rồi. Không phải lúc nào tôi cũng khen ngon. Ngon chỉ là trừu tượng hay ảo tưởng. Tôi khen bữa cơm ngon, đó là khi tôi cùng chia sẻ với những người bạn hiền, cả gia đình họ dùng hết tâm huyết để nấu một bữa cơm đơn giản mời tôi.

Ăn một món ăn dân giã ngoài chợ, của một người bán hàng, đã được nối nghiệp vài thế hệ, đối với tôi đó là một hân hạnh, tuy tôi phải ngồi gần nắp cóng, những món ấy, tôi khó thể nấu ngon như họ được.

Những món ăn trong nhà hàng, với thực đơn chóng mặt, những nơi ấy ít khi nào tôi bỏ thời gian để ghé vào.

  {keywords}
  Trên đường (ảnh NVCC)

Tôi thấy có một điểm là anh viết về những món ăn truyền thống của các vùng miền, và đặt biệt là những món khá rẻ, chỉ vài ba nghìn đồng nơi chợ quê, một cách rất hấp dẫn.

Trong khi người nước ngoài hầu như chỉ biết những món Việt nam “kinh điển” như phở, nem thì có thể kết luận món ăn Việt ngon mà không được giới thiệu và quảng bá một cách xứng đáng?

- Khi tôi làm bên London cạnh với những đầu bếp nổi tiếng. Tôi thấy họ rất muốn hiểu biết thêm về ẩm thực Việt Nam, và tôi thấy họ làm sai. Tôi tìm hiểu thấy thông tin về ẩm thực Việt Nam còn quá đơn sơ. Các đầu bếp nổi tiếng như Gordon Ramsay, Anthony Bourdain, Jamie Oliver…, họ làm phim vê ẩm thực Việt Nam, chỉ khách tây nấu món ăn Việt Nam, tôi chỉ ngồi cười và đôi khi còn bực mình. Từ đó tôi nuôi hy vọng, giới thiệu ẩm thực Việt Nam đến với phương Tây, mà bằng cách nào?

Trước kia ai cũng từng khen, ẩm thực đường phố của Singapore là số một thế giới, phần lớn là ảnh hưởng của nền văn hóa: Ấn, Hoa, Mã Lai và In Đô. Cách đây khoảng 9 năm, tôi có ghé lại và đi lùng sục các khu phố ăn uống của thường dân. Tôi đã không tìm được một món gì gây ấn tượng đến với tôi cả.

Mecca: Thánh địa của người Hồi giáo
Đồng thời tôi thấy Sài Gòn chính mới là Mecca của ẩm thực Việt. Tôi được biết đến nhiều món Việt tại đất Sài Gòn và do mẹ tôi nấu. Nhưng để tìm hiểu nguồn gốc, hiểu chiều sâu của từng món ăn, tôi phải đi ngao du tứ phương, và tôi đã không ngờ, tôi học hỏi rất là nhiều điều thú vị.

Tôi thấy ẩm thực đường phố Việt Nam thật là phong phú với nhiều màu sắc khác nhau. Nói về khía cạnh khẩu vị, ẩm thực Việt Nam thích hợp với nhiều dân tộc. Ý tôi ở đây muốn nhấn mạnh, như ẩm thực Việt không nhiều dầu mỡ như Hoa, không nhiều gia vị như Ấn, không cay như Thái, không mắc tiền như Tây, không cầu kỳ như Nhật.

Ẩm thực đường phố Việt, chính là vũ khí kinh doanh để phát triển du lịch Việt, mà tôi thấy nhiều người chưa hề đề cập tới.

Kế hoạch viết sách giới thiệu ẩm thực Việt Nam của anh thực hiện đến đâu rồi?

- Sau nhiều chuyến ngang dọc nhiều miền của đất nước. Tôi đã sưu tập rất nhiều tài liệu, nhưng tôi vẫn gặp một vấn đề lớn nhất đó là cách viết. Và tôi đang cố gắng.

  {keywords}
Bạn đồng hành - chú cún tên Mau

Xe đạp, xích lô, xe máy và cún cưng – tại sao anh toàn lựa chọn những thứ gắn bó mật thiết với đời sống người Việt để làm bạn đồng hành? Anh đã có thêm ý tưởng gì cho lần xuyên Việt sắp tới?

- Nghệ thuật đi du lịch đó là hòa đồng với mọi tầng lớp. Xích lô, xe đạp hay con cún đã giúp tôi gần gũi với nhiều người và nhờ thế mà tôi hiện nay có rất là nhiều người bạn thân thiết trên ở khắp nơi trên đất nước.

Ước nguyện của tôi trong những chuyến đi tới, đó là tìm hiểu và viết sách các món ăn dân tộc thiểu số, các món cỗ của các làng lân cận Hà Nội, các món cỗ liên quan đến cung đình Huế và những món ăn dân dã cùng đồng bào Nam Bộ. Một số món hiện nay tôi biết, đã đi vào dĩ vãng.

Xin cảm ơn anh. Chúc anh sớm hoàn thành các quyển sách của mình.

Chi Mai thực hiện

Anh Nguyễn Thanh Tùng (quốc tịch Đan Mạch) làm công việc đầu bếp tại Luân Đôn, với nhiều loại bếp khác nhau từ nhà hàng, hội nghị, quán Pub, khách sạn… - thời gian mà “chỉ biết cầy, ít có ngày nghỉ ở nhà” - nửa năm còn lại dành để đi du lịch.

Năm 2004, anh đã vượt quãng đường từ Hà Nội vào TPHCM bằng chiếc xe đạp mini.

Tháng 3/2011, Thanh Tùng lại túc tắc đạp xích lô từ Hà Nội vào Nha Trang. Đến tháng 12/2011 anh tiếp tục cuộc hành trình từ Nha Trang đến Cà Mau cũng bằng xích lô. Anh “chết tên” Tùng xích lô từ đó.

Từ mùa thu 2012 và mùa hè năm 2014, anh mới bắt đầu chuyến đi ngang dọc mọi miền đất nước, để tìm hiểu về ẩm thực dân gian cũng như ẩm thực đường phố.

Ở London, anh làm cho nhiều loại bếp khác nhau, nhà hàng, hội nghị, quán Pub, ks và bếp dự bị.