- Sau một cuộc bể dâu của kinh tế thị trường, có những doanh nghiệp là người Việt từng du học ở Liên Xô và Đông Âu, và những bạn học “Tây” của họ được gặp lại nhau. Sau những vồ vập ban đầu, họ thường tìm cách hợp tác với nhau để mưu cầu lợi ích kinh tế kiểu cùng có lợi, trên tình đồng môn.

Trong quá trình này (mặc dù không ít người Việt thường học hành khá trội thời du học, kể cả so với một số bạn học Tây), hôm nay, thu nhập của nhiều cựu học sinh Việt thấp hơn, hoặc “chập chờn” hơn, so với các bạn học cũ người Liên Xô, Đông Âu của họ.

Điều này chắc khó gây ngạc nhiên. Điều gây ngạc nhiên là các doanh nhân Việt thường tỏ ra giàu (đúng hơn là có vẻ “xông xênh”) hơn so với các đối tác, vốn là bạn học cũ của mình ở kỷ nguyên xô viết. Xem ảnh, dễ thấy một số bạn “Tây” như trông “rầu rầu” hơn, thiếu bốc đồng hơn, trong dịp hội ngộ.

Lý giải?

Về tâm trạng “cảm thấy bất hạnh hơn” của dân các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) cũ có nhiều lý do. Nhưng nhiều điều tra ở châu Âu nhất trí được với nhau một điều, là dù đời sống vật chất của người dân các nước XHCN cũ có những mặt được cải thiện hơn mức trung lưu; chẳng hạn, ở các nước thuộc khối xô viết cũ vẫn vô cùng khó cập được với mức tương ứng ở “phương Tây”…

Tâm trạng này thường được các học giả nghiên cứu về kinh tế thị trường kiến giải rằng, khi càng cố kiếm nhiều tiền hơn, bạn sẽ nhận thấy mình càng hụt hơi, vì ngày càng bị vây bọc bởi nhiều người có thu nhập cao hơn.

Nhưng điều làm trầm trọng thêm “cảm giác bất hạnh”, vẫn theo các nghiên cứu Tây Âu, là sau khi khối Liên Xô – Đông Âu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tại nhiều nước trong khu vực này, một nhóm nhỏ những người từng dễ tiếp cận hơn với “khâu” phân phối các nguồn tài nguyên, cũng phát tài với một gia tốc mãnh liệt, đến mức khoảng cách của họ với đa số dân chúng dường như sẽ không thể thu hẹp nổi… Cảm giác “bất hạnh” ở đây trùng với cảm nhận bất công.

Đời bố…

Sang Việt Nam, các bạn Đông Âu thường mừng khi thấy các bạn học cũ người Việt, nhìn chung, đều sử dụng được kiến thức của mình để tạo được một địa vị tương đối khá giả, (và đóng góp của họ với đất nước là không thể đo đếm). Nhưng không mấy người theo được nghề mình đã học ở Liên Xô – Đông Âu – điều làm một số bạn Tây xót xa: cậu từng học khá thế cơ mà...

Nói riêng, theo một người đứng đầu Thương vụ của một nước Liên Xô cũ, đa số lưu học sinh Việt tốt nghiệp ở nước này thời XHCN nay “đi buôn”.

Một là, nhiều cử nhân tốt nghiệp các ngành khoa học cơ bản (khoa học cơ bản ở Việt Nam không phát triển như dự kiến trong các kế hoạch năm năm đầu thời hậu chiến) và một số kỹ sư chuyên ngành hẹp không có “đất dụng võ”.

Hai là, quá èo uột đồng lương của các “viện sĩ” Việt Nam so với yêu cầu “con hơn cha” trong điều kiện sống ở đô thị lớn.

Ba là…

Vì có những bạn người Âu biết cả những câu như “Hy sinh đời bố củng cố đời con”… Họ nhận thấy trẻ con Việt hôm nay chưa hẳn đã hơn cha mẹ nào của chúng từng là du học sinh Liên Xô – Đông Âu, nếu nói về phương diện đời sống tinh thần, và phần nào, cả đời sống vật chất (thời “xã hội chủ nghĩa” không có vấn đề đồ ăn “rởm”, đồ ăn bẩn…), điều kiện phát triển thể lực của các thành phố lớn ở Việt Nam hôm nay cũng chưa bằng các khu tập luyện thể thao hầu như không mất tiền ở Liên Xô – Đông Âu một thời xô viết…

{keywords}

Đại học Humboldt Berlin là trường đại học lâu đời nhất tại Berlin, thành lập năm 1810 do nhà cải cách giáo dục và ngôn ngữ học người Phổ Wilhelm von Humboldt sáng lập. Đây là hình mẫu ngôi trường đại học đã ảnh hưởng tới rất nhiều trường đại học khác ở châu Âu và phương Tây.

 

Con chưa “du’, nhà không tiếc

Điều thế hệ 8, 9X… ở Việt Nam hơn cha mẹ chúng là khả năng nhập học ở một trường danh tiếng phương Tây. Nhưng khác với lớp cha mẹ “bao cấp”, nói chung chỉ cần dùi mài kinh sử để đạt điểm cao trong kỳ thi Đại học là có thể  du học Đông Âu XHCN, việc du học Tây Âu – Mỹ - Úc nói chung đòi hỏi đầu tư lớn. Kết quả là một số người Đông Âu lại có dịp kinh ngạc: không ít bậc cha mẹ Việt tuyên bố xanh rờn: sẵn sàng bán nhà (!) cho con đi du học.

Trong năm điều đầu tiên được cho là đem lại hạnh phúc cho người Đức hôm nay, có niềm hạnh phúc được sở hữu nhà.

Sốc của các bạn Âu còn được nhân lên, khi họ biết rằng bất động sản Việt Nam đắt kinh khủng. Trong vòng khoảng mươi mười lăm năm qua, có chỗ, giá đất tăng tới dăm bảy chục lần. Khó có được “món hàng” nào trên thế giới làm giá được như thế trong một khoảng thời gian tương tự. (Sự tăng giá bất động sản ở Đông Âu diễn ra khá nhanh trong thời kỳ thị trường tự do xác lập, rồi nhìn chung là chững. Tăng giá nhà đất ở Việt Nam “thẳng đứng” là nhờ quy hoạch đô thị, tính “đắc địa” trong kinh tế thị trường, và sự khan hiếm của quỹ đất ở Việt Nam).

Nay nhìn lại, cuộc “Tây du” - cho con cái du học Tây Âu – Mỹ - Úc hôm nay (cuộc Đông du do Phan Bội Châu phát động diễn ra một thập kỷ về trước) quả là một hy sinh đáng nể trong mắt “Tây”. Vì có những em, theo nhiều lý do, đã không thể tốt nghiệp. Ngay cả những em đã tốt nghiệp, thì khi về nước, có được một đồng lương bù đắp được khoản bố mẹ từng chi cho việc du học, nhiều khi là giấc mơ. Cung cách đầu tư giáo dục “vui vẻ” chấp nhận lỗ này từng nổi tiếng ở phương Tây: giáo dục, thi cử Việt là “nỗi ám ảnh toàn dân”, chắc xuất phát từ khát vọng truyền đời “vinh quy bái tổ”.

Đề xuất trường ĐH Đông Âu, với chi phí thấp hơn nhiều nhưng “thương hiệu” thấp hơn, tuy chất lượng đào tạo ngang với trường tương ứng ở “trời Tây”, không thể lay chuyển được một vài vị quyết bán nhà cho con ăn học.

Tốt nghiệp các trường danh tiếng ở phương Tây không chỉ “oai” hơn, còn lợi thế là dễ xin việc hơn ở Việt Nam. Ở Đông Âu, tốt nghiệp ĐH ngoại các chuyên ngành có thể học “trong nước”, ngược lại, có thể làm tăng nghi ngại của người tuyển mộ, là các kiến thức “Tây” liệu có ‘cung trăng’ so với điều kiện sở tại…

  • Lê Thành (Ghi)