Hễ gặp bất cứ học sinh nào tuột xích, đứt xích, thủng xăm… dù bận bịu đến mấy ông Tâm đều gác lại để ưu tiên việc sửa xe miễn phí.
Ông Tâm vừa làm nhân viên gác tàu bất đắc dĩ, vừa sửa xe đạp cho nhiều cháu học sinh. |
Làm nhân viên gác tàu bất đắc dĩ
Từ rất lâu nay người dân Tả Thanh Oai (Thanh Trì – Hà Nội) biết đến ông Nguyễn Văn Tâm (63 tuổi – trú tại xóm 4 – xã Cầu Cảng) với việc làm bất đắc dĩ là nhân viên gác tàu. Ngoài công việc thiện trên, ông còn làm người dân và cộng đồng mạng cảm phục với việc sửa xe đạp miễn phí cho học sinh cấp 1, cấp 2.
Gặp ông Tâm bất cứ ai cũng dễ dàng nhận ra vẻ hiền hòa, chân chất, phúc hậu toát lên từ khuôn mặt, ánh mắt và lời nói của ông. Chẳng vậy mà suốt bao năm qua ông sống chẳng để ai phải phật lòng mà luôn luôn sống chan hòa, tình cảm với xóm làng.
Một chiếc bảng đen được ông viết rất rõ ràng: "Các cháu học sinh cấp 1, cấp 2 đi học qua đây nếu bị hỏng xe ông sửa không lấy tiền. Ông chưa sửa kịp ông đưa đến trường". |
Là một cựu chiến binh, là người lính kéo pháo ở nhiều chiến trường những năm 1969 nên từ tính cách đến việc làm luôn kiên định. Hòa bình lập lại, ông Tâm đành trở về quê hương nghỉ mất sức lao động.
Trước cửa nhà là cầu Cảng, nơi có tàu sắt đi qua hàng ngày. Vào các giờ cao điểm như sáng sớm, hay cuối chiều tàu hay ngang qua mọi người đều thấy hình ảnh ông Tâm rất nhẹ nhàng đứng trước giơ tay nói làm phiền mọi người dừng lại một chút cho tàu qua trước. Bởi ở đây chỉ có một anh gác tàu không thể đứng được cả hai bên vì tuyến đường trật hẹp mà nhiều người qua, đặc biệt là các cháu học sinh.
Nói về điều này ông Tâm chia sẻ: “Đó là thời điểm có nhiều người tham gia giao thông nên ít nhiều cũng xảy ra tình trạng lộn xộn. Hơn nữa mặc dù điểm giao cắt này có duy nhất 1 nhân viên nên tôi muốn giúp mọi người qua đường một cách an toàn khi có tàu chạy qua”.
Cứ thế mỗi ngày trôi qua hình ảnh ông lão đứng làm nhân viên gác tàu bất đắc dĩ đã trở nên quá đỗi quen thuộc với người dân nơi này.
Bỏ 200 ngàn đồng để học sinh được đi học đúng giờ
Tuấn (10 tuổi) thường xuyên mang xe đến cho ông Tâm kiểm tra và sửa các lỗi lặt vặt. |
Nói tới cái bảng đen có những dòng chữ xúc động nhận sửa giúp xe đạp cho các cháu học sinh cấp 1, cấp 2. Ông Tâm nhẹ nhàng cười và nói đó chỉ là hành động từ trong tâm và làm cho vui tuổi già.
Nhớ về những lần đầu tiên ông làm việc thiện, ông tâm sự: “Một lần khi đang gò hàng cho khách thì thấy một cháu gái trong xóm học lớp 5 mếu máo dắt xe đạp bẹp gí lốp đi ngang qua trong khi các bạn đã về hết. Tôi bảo cháu dắt xe vào đây ông sửa cho, ông không lấy tiền đâu. Sửa xong, cháu gái ngại ngùng cảm ơn và đi về. Từ đó, cứ thấy các cháu dắt xe đi bộ thì tôi đều gọi các cháu vào sửa không lấy tiền”.
Ngồi trầm ngâm chốc lát, ông lại nói tiếp: “Các cháu nhỏ nên xe bị hỏng thì không tự sửa được, nhất là cháu gái. Các xe bị hỏng cũng đơn giản, nếu ra quán chỉ mất vài ngàn đồng nhưng các cháu nhỏ đi học thì không có tiền. Dạo đầu, các cháu không có tiền nên không dám vào nhờ tôi sửa vì ngại. Nên tôi viết lên bảng trước cửa để các cháu không có tiền không còn ngại nữa. Sau vài lần quen, hễ xe các cháu bị hỏng đều mang tới nhờ tôi. Nhiều lần các cháu phải dắt bộ và muộn giờ vào lớp mà tôi không sửa kịp thì tôi lấy xe máy chở các cháu tới trường. Trưa các cháu về qua lấy xe đạp.”
Vật dụng để ông Tâm vá săm xe đạp cũng hết sức đơn giản. |
Đồ nghề sửa chữa cũng rất đơn giản, chỉ có bộ sửa xe đạp không quá 200 ngàn đồng. Các vật dụng nhỏ trên xe, thì anh Sơn buôn đồng nát bên cạnh nhà ông đều cho ủng hộ.
Chủ yếu là săm, lốp cũ nhưng còn tốt, bu-lông, dây phanh, xích... Ông Tâm cũng cho biết, hiện tại đã có 7 cháu nội, ngoại cũng toàn là học sinh cấp 1 và ở ngay gần đây. Tôi vẫn dặn các cháu đi học có bạn nào bị hỏng xe thì dắt về ông sửa giúp, ông không lấy tiền.
Anh Sơn (hàng xóm của ông Tâm) cho biết: “Nhiều lần đang ăn cơm trưa có các cháu đi học qua nhờ lắp xích, bơm hơi ông cụ đều tạm dừng bát cơm ra giúp các cháu xong xuôi mới vào ăn tiếp”.
Mỗi lần sửa xong, ông Tâm đều dặn rất cẩn thận các cháu đi đúng làn đường bên tay phải, không được đi dàn hàng 3, hàng 4. Đi học không được đánh nhau, bắt nạt bạn bè, ngoan ngoãn lễ phép với cha mẹ, thầy cô.
Chia tay ông Tâm chúng tôi tự hỏi phải chăng chúng tôi vừa gặp được ông Bụt giữa đời thường.
(Theo Pháp Luật Xã hội)