“Kình ngư” nổi tiếng ấy tên Phạm Văn Vượng, SN 1984, ở Tiểu khu 3, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh.
“Sát thủ” của những loài cá
Chúng tôi tìm đến nhà anh Phạm Văn Vượng vào một ngày mùa đông, mưa phùn, gió bấc.. Ngôi nhà nằm trước cửa biển nên từng cơn gió thốc vào càng tê buốt hơn.
Ngồi nhâm nhi li trà nóng, anh Vượng kể về cái nghiệp “khác người” của mình. Năm 1992, khi anh vừa tròn 8 tuổi thì gia đình chuyển từ miền núi thuộc xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh về sống ngay bên cạnh bờ sông Nhật Lệ.
Rời rừng núi về sống vùng sông nước, bố anh
là ông Phạm Trung Sơn đã tự tìm tòi rồi làm súng rồi mưu sinh bằng nghề “
lặn bắn cá”.
“Lúc em 13 tuổi, bố hay cho ngồi thuyền đi xem bố lặn bắn cá. Thấy bố lặn
một hồi rồi đưa lên những con cá to em thích lắm. Cứ trông cho mình mau lớn
để có thể lặn bắn cá được như bố. Cho đến khi em học xong lớp 9, bỏ học ở
nhà rồi theo nghề với bố luôn” - anh Vượng kể về cái nghề của mình.
“Kình ngư” sát cá Phạm Văn Vượng bên “bộ đồ nghề lặn bắn cá” của mình. |
Kể về những “chiến tích” săn cá của mình
trong hơn chục năm qua, anh Vượng cho biết anh đã bắn hạ hàng chục tấn cá
to, nhỏ khác nhau. Những loài cá mà anh bắn thường cá Vược, cá Hồng, cá Nâu,
cá Rìa…
Anh cho biết, mỗi lần bắn được cá về là anh nhập cho các nhà hàng. Hiện giá
cá Vược anh nhập với giá từ 200 – 250.000đ/kg. Cá Nâu, cá Rìa là loài cá
nhỏ, con to nhất chỉ từ 2- 3kg nhưng rất ngon, có giá 350.000đ/kg.
Với loài cá vược, anh Vượng đã nhiều lần hạ được những con hàng chục kg.
Vượng kể lần trúng con cá lớn nhất là vào năm 2008, khi anh đi lặn ở sông
Gianh thì gặp con cá vược rất to.
Anh đã nín thở nằm bất động, chọn đúng tầm thuận lợi nhất rồi bóp cò. Mũi tên dài xuyên qua con cá ngay. Nhưng nó vùng vẫy mãi. Cuối cùng rồi cũng kiệt sức. Anh đưa về nhà cân lên được đúng 43kg.
“Bữa đó người đến xem đông lắm, ai cũng trầm
trồ khen” - anh Vượng chưa hết vui mừng kể lại.
Lần đó, anh chỉ bán nửa con được 3,5 triệu. Một nửa còn lại anh mời làng
xóm, bạn bề đến an nhậu tưng bừng hết hàng chục lít rượu.
Những con cá có trọng lượng từ 15 – 20 kg thì theo Vượng, anh đã bắn được
rất nhiều, nhớ không hết. Nhưng chuyến đi lặn, Vượng cũng kiếm được hàng
chục kg các loài cá to, nhỏ khác nhau.
Anh còn nhớ: “Chuyến em đi được nhiều nhất là
năm ngoái (2010), em đi ở Cầu Roòn bắn được 60 cân cả to, nhỏ các loại. Về
bán được 6 triệu, còn để lại một ít mời bạn bè đến nhậu nữa”.
Là một người sống phóng khoáng, anh Vượng cho biết, cứ mỗi lần anh đi bắn cá
về là dù được nhiều hay ít gì anh cũng giành lại mấy con cá ngon ngon rồi
làm mồi, gọi bạn bè đến xum tụ ăn nhậu lai rai.
Có lẽ chính vì thế mà anh càng đam mê cái nghề “có một không hai” của mình hơn.
Loại mũi tên 1 mũi xuyên dài hơn 1m, dùng bắn hạ loài cá to hàng chục kg. |
“Mách nhỏ” kinh nghiệm
Hỏi về đồ
nghề, anh Vượng vào nhà lấy ra 1 khẩu súng tự chế bằng gỗ rất đơn giản.
Khẩu súng đó được bắn bằng sức căng của những sợi dây thun cắt từ quai của
tông Lào, mà theo anh, phải là loại tông thiệt thì sức co giãn của nó đủ
mạnh để đẩy mũi tên đi thật mạnh, xuyên thủng loài cá lớn.
Mũi tên rất nhọn được anh làm từ thanh sắt 6. Anh thường dùng 2 loại mũi
tên. Loại mũi tên ngắn hơn, phía trước là 2 mũi xuyên dùng để bắn loài cá
nhỏ cho nó chết tại chỗ, không động đậy làm đàn cá phát hiện rồi chạy mất.
Còn mũi tên dài hơn phía trước chỉ một mũi
xuyên thì bắn loài cá to hàng chục kg.
Khi lặn bắn cá, anh Vượng dùng một chân vịt, kính lặn và chiếc súng tự chế
đã lắp mũi tên sẵn. Lặn một hơi thật dài xuống tận đáy sông thấy cá là anh
nằm yên không động đậy rồi nín thở chọn cự li khoảng 3 m, khi con cá ở tư
thế bơi ngang trước mặt là anh bóp cò.
Sức mạnh của dây thun đẩy mũi tên bằng sắt
nhọn hoắt xuyên qua con cá.
Ở đầu mũi tên có buộc sợi dây cáp dài, phía trên mặt nước, sợi dây đã được
buộc vào phao để khi con cá trúng tên lồng lộn bỏ chạy thì đã có chiếc phao
“bám” theo để người săn cá lần theo đó mà không cho con cá thoát.
Lý giải vì sao không trang bị bình ô xi để lặn cho lâu, khỏi mất sức, anh
Vượng cười nói: “Đeo bình ô xi vô, khi lặn thở bong bóng sẽ phun lên khiến
đàn cá phát hiện sẽ bỏ trốn mất”.
Anh Vượng cũng cho biết, về mùa đông mưa rét, hay những khi nước đục là
không thể đi lặn bắn cá được. Muốn đi cũng phải chọn đúng thời điểm thủy
triều đạt đỉnh, mặt nước phẳng thì mới dễ lặn, dễ bắn, và lúc đó cá mới hay
xuất hiện.
Theo kinh nghiệm của anh, cá thường hay trú ẩn ở những ngầm đá, gầm cầu.
Anh Vượng đang hướng dẫn nguyên tắc hoạt động của khẩu súng mà anh tự chế. |
Sông Nhật Lệ ngay trước cửa nhà, nơi tuổi thơ, và cho đến bây giờ vẫn là “vựa cá” mà anh đã bắn được không biết bao nhiêu con cá lớn. |
‘‘Sẽ theo nghề suốt đời’’
Nói về cái nghề “độc” của mình, anh Vương chia sẻ: “Cái nghề này không khó
nhưng không mấy ai làm được. Ngay như gia đình anh, có đến 4 anh em trai
nhưng chỉ anh là có duyên nối nghiệp của bố.
Anh còn kể, mấy lần đi cùng 2 thằng em, hai đứa bắn cá to là bị trượt, cá bỏ
chạy toán loạn làm cho cả đàn chuồn đi hết. Theo anh: “Đã bắn không thành
rồi thì lần sau đến những điểm đó đừng hòng nhìn thấy cá nữa. Nó đã bỏ đi
biệt tăm hết cả. Chính vì thế khi đi bắn cá, anh không cho em của mình lặn,
mà chỉ ngồi trên thuyền chờ anh lặn bắn rồi đưa cá lên.
Hay như bạn bè anh, thấy anh theo nghề “bở ăn” hay được cá lớn, bán được
nhiều tiền nên bạn bè cùng lứa đến làm quen, học hỏi, làm súng rồi cùng đi
theo anh Vượng lặn bắn cá nhưng chẳng bắn được.
“Mấy thằng bạn cứ nói tại súng của họ làm
không chuẩn. Đến khi em đưa súng của mình rồi cùng đi cho họ lặn bắn mà cũng
có bắn được mô” - Vượng kể.
Ngắm khẩu súng gỗ tự chế, vuốt ve những mũi tên bằng sắt dài hơn 1m, sắc
nhọn rợn người, anh Vượng tỏ vẻ háo hức: “Trông cho mau qua đi cái mùa đông
rét buốt ni mà đi lặn kiếm tiền tiêu rồi làm nồi lẩu mời bạn bè, anh em nhậu
bữa cho vui. Chứ lâu không đi thấy ngứa ngày khó chịu lắm”.
Khi tôi hỏi tại sao anh gắn bó được cái nghề lạ thế này, anh Vượng cười
hiền: “Có lẽ cũng tại cái duyên với nghề, em đi hay gặp cá lắm nên rất có
hứng. Với lại, trước lúc chết, bố có dặn em: “Nhà 4 anh em trai, chỉ có con
có duyên nối nghề của bố được thôi. Đừng có bỏ nghề con nha”. Cũng vì rứa
nên em sẽ theo nghề này suốt đời”.
Trần Văn – Duy Tuấn