Theo báo Giác ngộ, trì bình khất thực là truyền thống tốt đẹp được truyền thừa của chư Phật ba đời. Thể theo truyền thống đó, tại miền nam Việt Nam, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã khơi nguồn và tiếp nối mạng mạch, làm người con Khất sĩ đem đạo vào đời bằng hạnh nguyện du phương, hạ mình để đi xin ăn tu học, không sống trong sự tự ngã, chấp ta và của ta, mà sống chung cùng tất cả, theo tinh thần lục hòa cộng trụ.

Dưới đây là 26 phép khất thực của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã chế định trong quyển Luật nghi Khất sĩ:

1)  Phép đi khất thực chỉ từ 1 đến 2 người, trừ khi nào đến xứ lạ thì 1-2 ngày đầu đi chung cho biết đường sá, mỗi người cách nhau khoảng 2 thước.

 2)  Khi đi lấy cơm hoặc đi trai tăng tại nhà cư sĩ thì được đi chung, đi 1 hàng 1 cách nhau 2 thước tây, ai lớn tuổi đạo đi trước, tập sự đi sau.

3)  Tại tịnh xá có ban cư sĩ hộ pháp, hoặc có nhiều người xin cúng dường luân phiên giáp 30 ngày trong mỗi tháng thì giáo hội nếu đông chia ra: Phân nửa Tăng đi khất thực, phân nửa Tăng nhận cúng dường trọn bữa ăn.

4)  Tốt hơn là mỗi người hằng ngày đều phải đi bát, ban hộ pháp chỉ hộ thêm sau khi đi về.

5)  Khi đi khất thực nếu ai về không kịp ngọ lỡ quá trưa thì phải độ nơi chỗ vắng, gốc cây xa đường lộ, phố xá chợ đông. Phải tránh những chỗ dơ dáy bụi bặm, ồn ào vì như thế sẽ làm nhẹ thể pháp Phật.

6)  Đi bát không được vào chợ, hoặc đứng phía góc chợ hoặc chen lấn chỗ đám đông. Phải đi vào trong xóm và các đường lộ xa chợ.

7)  Mỗi đường có thể đi 3 ngày, đi xa không quá 3 ngàn thước.

8)  Bận đi phải đi luôn, bận về nếu thiếu thì đứng trước cửa từ nhà (ngoài đường chớ không được vào thềm) mỗi nhà đứng năm ba phút theo thứ tự.

9)  Khi bát còn lưng thì ôm qua tay trái gần trước bụng, lúc đầy rồi phải để vào túi phủ nắp lại quảy phía tay mặt không nhận nữa.

10)  Không nhận lãnh đồ vật để trong túi ngoài bát hoặc trên nắp bát.

11)  Không được nhận tiền, gạo, không nhận đồ ăn mặn, khi người đem đến cúng mình có thể hỏi xem chay mặn, đó là gương dạy thiện cho người.

12)  Không được đi vào nhà ai, khi đi khất thực. Nếu phải đi viếng ai hoặc có việc của Giáo hội sai, thì đi lại ngay nhà người ta trước, bát mang chứ không ôm, bận về mới ôm ra đi xin mà trở về.

13)  Không được dừng lại uống nước, hay đại tiểu khi đi khất thực.

14)  Bát nếu ôm trần thì được nhận, bát mang trong túi cấm thâu nhận.

15)  Không được ngó mặt thí chủ, hoặc nói chuyện quá năm sáu câu.

16)  Ai có hỏi đạo giữa đường thì kiếm gốc cây ngồi nói, hoặc hẹn sau khi độ cơm rồi sẽ nói hoặc mời người đến ngay chỗ trụ hoặc để ngày khác người thỉnh cúng dường tại nhà có Tăng đông, có cư sĩ nhiều sẽ nói.

17)  Khi đi khất thực ai muốn cúng và thí gì tự ý, bao giờ người hỏi sẽ chỉ dạy, bằng không thì thôi chớ chê khen, bắt lỗi ép buộc người ta.

18)  Nếu biết cơm có dính lỡ đồ ăn mặn, thì khi về phải cho người khác, chớ không được dùng bằng khi túng ngặt phải gụt rửa sạch mới được dùng.

19)  Khi đi khất thực phải trang nghiêm, ngó ngay xuống, ngó xa 2 thước chớ ngó liếc 2 bên, chớ tìm lóng nghe chuyện người nói, tâm phải niệm  Phật.

20)  Đừng vừa đi vừa nói chuyện chỉ chỏ, muốn qua đường quẹo phải đứng lại xây mình, chớ đừng đi tắt xéo.

21)  Mỗi khi có chuyện gì thì phải đứng lại, có ai cúng thì chỉ lại người sau cho để bát trước.

22)  Ngày nào ai đi bát đường nào phải sắp đặt trước tại chùa chớ đừng ra đường lộn xộn.

23)  Khi đi khất thực ngoài món ăn ra không nhận món chi ai gởi hết, hãy bảo người đem lại các chùa kia.

Ai gửi cúng Phật thì không được nhận, hãy nói “Tăng chỉ là người tu đi xin ăn mà thôi”.

24)  Ăn rồi đồ nếu còn dư phải cho hết không được để dành.

25)  Đồ khất thực trước phải độ trước. Đồ cúng dường sau phải độ sau.

26)  Khi đi khất thực không được chống gậy che dù…  phải mặc áo chừa cánh tay mặc đầu trần chân không, phải mặc quấn thượng y trùm kín.  

Ảnh: Lê Anh Dũng

Gặp vị sư khất thực, Phật tử phải làm sao cho đúng?

Ở các nước Phật giáo Nam tông (Nguyên thủy), chư Tăng mỗi ngày đều đi khất thực. 

Tại Việt Nam, phần lớn theo truyền thống Phật giáo Bắc tông (Đại thừa), Tăng Ni không đi khất thực mà nấu ăn tại chùa. Những chư Tăng theo hệ phái Phật giáo Nam tông và Khất sĩ thì tùy duyên duy trì hạnh tu khất thực. Nói tùy duyên bởi vì họ không khất thực hàng ngày, phần lớn vẫn nấu ăn tại chùa viện như chư Tăng Phật giáo Bắc tông.

Tuy nhiên do những năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều việc giả sư khất thực phi pháp làm tổn hại đến uy danh của Tăng-già nên Giáo hội đã đề nghị tạm ngưng việc khất thực (nếu có thì chỉ khất thực trong khuôn viên chùa viện, hoặc khất thực bên ngoài thì phải đúng pháp và có cả Tăng đoàn của chùa viện ấy). 

Để nhận diện các vị sư khất thực đúng pháp, cách đơn giản nhất là họ thường im lặng đi theo đoàn, chỉ nhận thực phẩm (không nhận tiền), y bát đầy đủ, oai nghi tề chỉnh, về chùa trước 12h trưa. Những vị đi khất thực mà thiên về nhận tiền, đứng mãi một chỗ, y phục nhếch nhác thì thường là giả sư.

Là Phật tử, khi thấy một hay nhiều vị sư ôm bát khất thực mà chưa biết rõ họ có giả sư hay không mọi người cần giữ tâm cung kính bình đẳng với người mang hình tướng “đầu tròn, áo vuông”. 

Muốn cúng dường hay giúp đỡ họ cần phải cân nhắc. Có thể bố thí cho các vị ấy đồ ăn thức uống nhưng tuyệt đối không được cúng tiền. Vì cúng tiền cho những vị đi khất thực là không đúng pháp, mặt khác là tiếp tay cho nạn giả sư hoành hành, lợi dụng sự kính tín của Phật tử để tư lợi và làm tổn hại Chánh pháp.

Minh Châu (tổng hợp)