Tục rải tiền thật khi đưa linh cữu ra nơi an nghỉ đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Mặc dù chỉ là tiền lẻ, mệnh giá không lớn nhưng nhiều người tỏ ra bức xúc về hình ảnh vừa xấu về văn hóa, vừa sai luật này.
Mới đây, một đám tang ở Bà Rịa – Vũng Tàu lại gây xôn xao dư luận vì tục rải tiền thật này. Sự việc diễn ra vào sáng 2/6, nhiều người dân dọc con đường Hùng Vương, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức (Bà Rịa- Vũng Tàu) đã rất bất ngờ khi người thân của người chết đã rải tiền thật trong lúc lúc đưa tang.
Tờ tiền thật có mệnh giá 500 đồng được rải trong đám tang ở Bà Rịa – Vũng Tàu (Ảnh TTO) |
Tiền thật (do Ngân hàng nhà nước Việt Nam phát hành) được rải kèm theo vàng mã và tiền giả với nhiều trị giá khác nhau như 500 đồng, 1000 đồng, 2000 đồng. Nhiều người đi đường và trẻ nhỏ chạy ra tranh thủ nhặt, bất kể xe cộ qua lại.
Với quan niệm làm lộ phí đi đường cho người chết, chuyện rải tiền thật trong lúc đưa tang giờ đây khá phổ biến ở nhiều địa phương. Vì chạy ra đường mải lo nhặt tiền mà không ít người gặp tai nạn giao thông.
Anh Triệu Phúc Thịnh (Hà Nội) chia sẻ trên GĐXH rằng, anh vẫn nhớ như in, một lần gặp đám ma tại Ninh Bình, khi đi qua một cây cầu, người ngồi trên xe tang đã rút ra 1 nắm tiền 500 đồng để vứt xuống. Tiền bay tứ tung trên cầu, một đám trẻ con lao ra nhặt khiến cho chiếc xe chạy đằng sau đám tang phanh gấp, gây tai nạn. Sự việc không để lại hậu quả nghiêm trọng về người nhưng khiến cho đoạn đường bị ách tắc, gây thiệt hại về tài sản cho 2 chiếc xe.
Mới đây, theo GĐXH, trên quốc lộ 39 – đường từ thành phố Thái Bình đi huyện Tiền Hải, nhiều người đi đường không khỏi xót xa khi một cháu bé bị cuốn vào gầm xe ben chỉ vì mải… nhặt tờ 5000đ tiền rải từ đám ma vừa đi qua.
Tục xấu nên loại bỏ
Giáo sư – Nhà văn hóa Trần Lâm Biền (nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Việt Nam) cho biết, người xưa quan niệm khi có người thân chết đi, họ dùng những thỏi vàng mã và tiền xu mã rải ra đường với hai mục đích. Mục đích rải tiền xu mã nhằm phân phát cho ma quỷ để chúng không quấy phá, bắt nạt vong hồn người chết. Còn rải những thỏi vàng mã là nhằm đánh dấu đoạn đường từ nhà ra nơi chôn cất để linh hồn người chết biết đường về nhà.
Tuy nhiên, Giáo sư Biền cho rằng, thời gian gần đây nhiều người đã có nhận thức sai lầm về việc rải tiền, vàng trong đám tang. nhiều người còn dùng thêm tiền thật để rắc theo đám ma. Giáo sư Trần Lâm Biền nói: “Việc rải tiền thật cho người chết, oan hồn là việc làm vô tác dụng và phạm pháp. Vô hình trung họ đã coi nhẹ đồng tiền được pháp luật bảo hộ. Đó còn là điều rất không hay với những người nghèo khổ. Hiện tượng này tôi được biết không chỉ xảy ra ở đám ma mà còn ở đám cưới, đám rước….Tôi đã chứng kiến nhiều vụ thả tiền xuống sông. Đây là hành động mê tín dị đoan ít nhiều dính đến yếu tố chính trị, là hành động không thể chấp nhận được với tâm linh và đạo pháp”.
Lý giải thêm, vị giáo sư này cho rằng, tiền của cõi nào thì sử dụng ở cõi đó. Tiền Việt Nam đồng thì chỉ có thể tiêu được ở trên dương thế và thậm chí là chỉ tiêu tại Việt Nam. Những hành động đồng nhất cõi âm và dương là phi truyền thống.
Nhiều ý kiến độc giả cũng cho rằng rải tiền thật ở đám ma là một hủ tục đang làm méo mó đời sống văn hóa của người Việt Nam và cần loại bỏ hoàn toàn.
Độc giả Ngô Văn Quỳnh bày tỏ: “Đâu phải tập tục nào cũng tốt. Tập tục rải giấy tiền vàng bạc giả đã xấu rồi vì gây mất vệ sinh môi trường . Giờ lại còn thêm tục giải tiền thật nữa. Đồng tiền là cũng là biểu tượng của Quốc gia. Không tôn trọng đồng tiền là không tôn trọng đất nước. Việc rải tiền thật xuống đất ở đám tang là không thể chấp nhận được, cần phải loại bỏ ngay”.
Rải tiền thật ở đám tang bị phạt từ 1-3 triệu đồng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre) cho biết trên Pháp luật TP HCM, tại điểm e Điều 10 Thông tư 04 ngày 21-1-2011 của Bộ VH-TT&DL quy định: Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt 1-3 triệu đồng theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 75 ngày 12-7-2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. |
K. Minh (tổng hợp)