“Gazprom” là một trong những tập đoàn năng lượng lớn nhất trên thế giới. Nhiệm vụ chủ yếu là thăm dò địa chất, khai thác, vận chuyển, tàng trữ, chế biến và phân phối hydrocacbon, cũng như sản xuất và tiêu thụ điện năng và nhiệt năng. Sứ mạng của “Gazprom” là đáp ứng đầy đủ và đều đặn nhu cầu khí đốt cho người dân nước Nga, bảo đảm độ tin cậy cao các hợp đồng xuất khẩu dài hạn khí đốt.


(Ảnh: Telegraph.co.uk)


Trong những ngày đầu tiên, “Gazprom” không đơn thuần là một công ty cổ phần có mục đích chính là thu được lợi nhuận tối đa cho các cổ đông của mình, mà một trong những nhân tố quan trọng nhất để duy trì sự ổn định của nước Nga.

Trong những điều kiện phức tạp của giai đoạn chuyển đổi nền kinh tể Nga vào những năm 1990, trong tình thế các quan hệ sẵn có bị cắt đứt cùng với sự tan rã của các nền sản xuất lớn thì “Gazprom” vẫn trụ lại là công ty phối hợp-ngành dọc vững mạnh, thống nhất. Khả năng điều hành tất cả các khâu kinh doanh – từ khai thác đến phân phối, trong tình huống các khoản nợ dây dưa kinh niên của khách hàng trong nước, “Gazprom” vẫn bảo đảm cung cấp toàn bộ nhu cầu trong nước theo giá nhà nước quy định, và thực tế là trợ cấp cho nền kinh tế nước Nga. Có thể nói một cách không quá cường điệu rằng, chính sự duy trì tính toàn vẹn của “Gazprom” đã tạo các tiền đề cho việc duy trì và không ngừng phát triển nền kinh tế nước Nga.

Tập đoàn đã đi qua một giai đoạn phức tạp trong đời sống nước Nga, đã bắt đầu hoạt động tích cực để giải quyết những vấn để tồn đọng của thị trường trong nước. Đặc biệt, đã thành lập các công ty “Khí liên khu vực” để nâng cao hiệu quả việc thu hồi các khoản tiền bán khí cho các hộ tiêu thụ. Ngoài ra, bắt đầu công việc mở rộng địa bàn xuất khẩu. Từ năm 1997 đã ký hợp đồng cung cấp khí cho Thổ Nhĩ Kỳ theo đường ống ngầm dưới biển Đen, đây là một trong những dự án vận chuyển khí đốt lớn nhất trên thế giới – đường ống dẫn khí “Dòng chảy xanh”. Năm 1998, “Gazprom” đã thỏa thuận với công ty “Rupgas” của Đức về việc cung cấp cho Đức đến năm 2020 khoảng 160 tỉ mét khối nhiên liệu xanh. Tháng 12-1999, “Gazprom” lần đầu tiên ký hợp đồng cấp khí đốt cho Hà Lan…

Đồng thời, công ty này còn tuyên bố sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động sản xuất và xuất khẩu khí đốt tại vùng Viễn Đông và khu vực Siberia của Nga, trong đó bao gồm cả một phần nguồn tài nguyên khí đốt nằm trong kế hoạch khai thác đầu tư 100 tỷ USD vào 5 năm tới của chính phủ Nga. Hoạt động kinh doanh tốt và sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ đã giúp tập đoàn Gazprom thu hút ngày càng nhiều sự chú ý.

“Gazprom” thâm nhập thị trường Việt Nam vào tháng 11-2000 sau khi ký với Petrovietnam hợp đồng tìm kiếm, thăm dò và khai thác và tiêu thụ hydrocacbon trên lô 112 thềm lục địa Việt Nam. Kết quá thăm dò trên lô này đến năm 2007 đã phát hiện mỏ khí-condensat. Hiện nay, trên lô 112 đang phối hợp tiếp tục công tác thăm dò địa chất và tiến hành các biện pháp tìm kiếm-thẩm định trên các khu vực gần bờ, cấu tạo Báo Đen và Báo Trắng.

Trong tháng 11-2006, Gazprom và Petrovietnam đã ký thỏa thuận về hợp tác, củng cố hơn nữa sự hỗ trợ nhau trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ hydrocacbon, xây dựng và vận hành đường ống dẫn dầu và dẫn khi, chế biến dầu mỏ và khí đốt.

Tháng 5-2008 đã ký thỏa thuận về tiếp tục hợp tác giữa Gazprom và Petrovietnam, để triển khai công tác thăm dò địa chất và tiếp tục khai thác bốn lô trên thềm lục địa Việt Nam, đồng thời thành lập Xí nghiệp liên doanh Gazpromviet để điều hành các hoạt động tại Liên bang Nga và các nước thứ ba, trong đó Gazprom nắm 51%, Petrovietnam – 45%.

Tháng 10/2008 Tập đoàn Gazporm và Petrovietnam đã ký hợp đồng dầu khí tại các lô 129, 130, 131, 132 thềm lục địa Việt Nam trong thời hạn 30 năm. Sắp tới sẽ triển khai công tác thăm dò, phát triển và khai thác hydrocacbon trên các lô này theo phương thức phân chia sản phẩm, và do Liên doanh Vietrgazprom điều hành.Trong giai đoạn tiến hành các công tác thăm dò địa chất mọi chi phí tài chính cho dự án do Gazprom đảm nhận.

Còn tiếp...

  • Đức Chính (Tổng hợp)