- Nếu tạo được một môi trường cạnh tranh dân chủ, công bằng và sòng phẳng, dư luận có gì phải sôi lên khi ai đó được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng dù họ còn rất trẻ.

LTS: Để tiếp nối mạch bài về sự kiện đang được dư luận quan tâm - tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư 30 tuổi, VietNamNet giới thiệu bài viết của nguyên trưởng phòng một cơ quan cấp bộ, hiện công tác tại một tập đoàn hàng đầu Việt Nam.

Lần đầu tiên một người mới 30 tuổi được bổ nhiệm vào chức vụ Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam nhưng lại khiến dư luận nổi sóng. 

Khoảng thời gian làm công chức và cũng là khoảng thời gian được bổ nhiệm với tần suất kỷ lục (5 lần) của tân Giám đốc Sở, ông Lê Phước Hoài Bảo, tính ra mới chỉ khoảng 3 năm (cả thời gian tập sự).

Việc bổ nhiệm một người vào vị trí quan trọng như thế với rất nhiều ban bệ, cơ quan tham mưu thì làm sao không đúng quy trình được. Nhưng quy trình đó có đảm bảo sự trung thực, khách quan hay không thì là chuyện khác.

Chỉ sau 5 tháng làm việc ở Sở KH&ĐT, ông Hoài Bảo được 100% số người tham gia bỏ phiếu tín nhiệm "tâm phục, khẩu phục" để đồng loạt nhất trí.

Thay vì chỉ "quy hoạch", UBND tỉnh Quảng Nam đã "dấn" luôn một bước nhảy vọt là đề bạt luôn vào một vị trí rất quan trọng.

{keywords}
UBND tỉnh Quảng Nam

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu khẳng định với báo chí tân Giám đốc Sở KH&ĐT đều đạt các tiêu chuẩn theo nghị quyết 04 về công tác cán bộ và quyết định 2148 về quy định bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ của tỉnh ủy. 

Đặc biệt, quyết định 2148 về công tác cán bộ của Tỉnh ủy Quảng Nam có 7 tiêu chuẩn thì không có dòng nào đề cập tiêu chuẩn chuyên viên chính.

Trong khi, nghị quyết hay quyết định nào của tỉnh cũng phải phù hợp với khuôn khổ quy định của cơ quan có thẩm quyền cấp trên, trong trường hợp này là Bộ Nội vụ.

Điều 7 "tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm" trong Quy định về việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý (Ban hành kèm theo Quyết định số 2148-QĐ/TU, ngày 14/1/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam) cũng ghi rõ người được bổ nhiệm phải bảo đảm "tiêu chuẩn cụ thể của chức danh bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền".

Mà "tiêu chuẩn cụ thể của chức danh" ở đây chính là Quyết định số 82/QĐ-BNV ngày 17/11/2004 của Bộ Nội vụ.

Quyết định này ghi rõ tiêu chuẩn đối với Giám đốc sở là phải "đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên; tốt nghiệp lý luận chính trị cao cấp; tốt nghiệp quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên chính trở lên; có 5 năm công tác trở lên trong ngành, trong đó có ít nhất 3 năm làm công tác quản lý về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao". 

Đây lại chính là những tiêu chuẩn mà ông Bảo chưa đạt được.

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn khẳng định quy định phải có chuyên viên chính thực ra cũng chỉ là "tiêu chí phụ".

Lãnh đạo đương nhiệm tỉnh Quảng Nam cũng nói: "Tôi nhớ năm 2004 Bộ Nội vụ có hướng dẫn tiêu chuẩn này nhưng sau đó có nhiều ý kiến khác nhau từ các địa phương. Chẳng hạn như sau 10 năm từ khi ra trường anh mới được thi chuyên viên chính thì làm sao anh phát triển được".

Nếu bất hợp lý, đã bao giờ tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ bãi bỏ quy định này?

Quan trọng nhất, dù quy định không phù hợp nhưng nếu nó vẫn còn hiệu lực thì vẫn phải được tuân thủ.

Trùng hợp ngẫu nhiên?

Cách lí giải của tỉnh Quảng Nam về quyết định cử ông Hoài Bảo đi học cũng rất đáng nói. 

Quyết định 42 của UBND tỉnh quy định về cơ chế, chính sách và công tác quản lý đối với người được cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. 

Ông Hoài Bảo tự bỏ tiền ra học (từ 2010) nhưng phải 1 năm sau hội đồng gồm 15 người mới xét duyệt cho ông được hưởng chế độ theo quyết định này (tức vào năm 2011).

Quyết định số 42 không thấy điều khoản nào cho phép người đi học 1 năm rồi mới làm hồ sơ và được nhận tiền hỗ trợ đào tạo lên đến hàng tỷ đồng.

Một điều nữa cũng rất "lạ" là cho đến nay chỉ có một mình ông Bảo đi học thạc sĩ nước ngoài theo Quyết định 42. 

Phải chăng cả tỉnh Quảng Nam không có ai ngoài ông Bảo đủ trình độ đi học thạc sĩ nước ngoài hay cái quyết định này không được nhiều người biết đến? 

Nói chính xác thì Quyết định 42 ra đời chỉ có duy nhất một mình ông Bảo được áp dụng, vì hiện tại quyết định này đã hết hiệu lực.

Dư luận cũng cho rằng ở nhiều nước, không ít người làm bộ trưởng, phó thủ tướng, thủ tướng khi tuổi còn rất trẻ.

Điều này hoàn toàn đúng nhưng ở các nước, cơ chế bổ nhiệm khác hẳn với nước ta. Những người này đều phải trải qua một quá trình hoạt động chính trị và có sự cạnh tranh lẫn nhau để tự khẳng định vị trí của mình.

Nếu chúng ta cũng tạo ra được một môi trường cạnh tranh dân chủ, công bằng và sòng phẳng, dư luận có gì mà phải "sôi" lên khi ai đó được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng cho dù họ còn rất trẻ?

Nhiều vị lí luận không nên quan tâm đến cha của tân Giám đốc sở là ai. Đúng là đã đến lúc chúng ta nên bãi bỏ "chủ nghĩa lý lịch" trong công tác cán bộ, đơn giản vì mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và cần được xã hội đối xử như nhau, nghĩa là mọi người đều có quyền, nghĩa vụ và được tạo cơ hội một cách công bằng, minh bạch để cống hiến cho đất nước.

Mạnh dạn giao trọng trách cho người trẻ là cần thiết nhưng phải trên cơ sở cạnh tranh công khai, minh bạch và công bằng cho mọi đối tượng.

Việc bổ nhiệm ông Bảo có phù hợp với các quy định hiện hành hay không cũng cần câu trả lời của Bộ Nội vụ.

Mục đích là để việc xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh không chỉ là khẩu hiệu trên giấy mà thôi.

Thái Hưng