- 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế cao nhất 5 năm qua, lạm phát thấp nhất 10 năm qua. Tuy nhiên, sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế vẫn còn chịu nhiều rủi ro lớn như nhập siêu từ Trung Quốc hay sự trở lại của giá xăng dầu tăng.

3 thách thức lớn

Năm 2015 là năm bản lề hoàn thành kế hoạch kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm 2011-2015. Bởi vậy, 6,28% tăng trưởng GDP và lạm phát chỉ 0,55% trong 6 tháng là con số sáng đẹp hơn cả mong đợi. Diễn biến đó cho thấy việc điều hành kinh tế vĩ mô năm nay sẽ còn nhiều dư địa để hoàn thành mục tiêu đề ra của Chính phủ, GDP cả năm chỉ 6,2% và lạm phát là 5%.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KHĐT, ông Bùi Quang Vinh, vẫn nhìn thấy, nền kinh tế có 3 thách thức lớn chưa được giải quyết.

Ông Vinh liệt kê: Thứ nhất, nông nghiệp giảm mạnh. Nếu như năm 2014, nông nghiệp đóng 3,44% vào GDP thì 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,17%. Nguyên nhân do hạn hán, nhiều cây trồng có sản lượng giảm, việc xuất khẩu thủy sản, tôm, cá da trơn... gặp khó khăn nên sản xuất trong nước cũng suy giảm.

"Nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế Việt Nam, thu hút nhiều lao động, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Nông nghiệp suy giảm là vấn đề đáng lo, cần bàn bạc sâu", ông Vinh nhấn mạnh.

Thách thức thứ hai là về vấn đề xuất nhập khẩu. Ba năm vừa qua, thương mại Việt Nam liên tục xuất siêu, nhưng 6 tháng đầu năm nay, đã chuyển sang nhập siêu, với con số 3,7 tỷ USD.

Ông Vinh lo ngại: "Mức nhập siêu này đã 4,7% so với kim ngạch xuất khẩu, gần sát chỉ tiêu 5% cả năm. Nếu như tiếp tục để nhập siêu vượt quá 5% sẽ làm mất cân bằng cán cân thanh toán ngoại tệ, lớn hơn gây áp lực tỷ giá".

{keywords}

6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế cao nhất 5 năm qua, lạm phát thấp nhất 10 năm qua.

Theo ông, giải pháp lớn nhất phải là thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Nếu nhập ít, xuất nhiều thì sẽ làm tỷ trọng nhập siêu trên tổng kim ngạch xuất khẩu giảm. Do vậy, sẽ phải kiểm soát chặt việc nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, xa xỉ.

"Nếu nhập quá nhiều, cần có hàng rào kỹ thuật để giải quyết, chứ không phải giảm nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất", ông Vinh nói.

Thách thức lớn thứ ba cho nền kinh tế hiện nay là trong tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp lớn, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài FDI.

"FDI đóng góp cho GDP là tốt, nhưng chúng ta vẫn cần có khu vực kinh tế trong nước của Việt Nam, trực tiếp các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển mạnh thì tự chủ nền kinh tế tốt hơn", ông Vinh nói.

Lạm phát thấp, còn lụy giá xăng dầu

Trở lại riêng câu chuyện lạm phát, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng Cục Thống kê Việt Nam, cho biết, từ nay đến cuối năm, rủi ro giá xăng dầu có thể tăng trở lại là rất lớn.

Hiện tại, giá dầu thô ở mức 60 USD và nhiều dự báo đã đưa ra khả năng lên 70 USD/thùng.

{keywords}

Sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế vẫn còn chịu nhiều rủi ro lớn như nhập siêu từ Trung Quốc hay sự trở lại của giá xăng dầu tăng.

Lạm phát 6 tháng đầu năm thấp cũng chính nhờ đóng góp đáng kể của giá xăng dầu thấp. Đầu năm, giá dầu thô có lúc xuống 42 USD/thùng. Giá xăng dầu qua 3 lần tăng, 3 lần giảm thì kết quả tổng hoà lại, chỉ số giá xăng dầu đã giảm 5%.

"Do vậy, nếu tăng giá xăng dầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả trong nước", bà Ngọc nhấn mạnh.

Cùng đó, giá dịch vụ y tế, giáo dục vẫn đang trong lộ trình thị trường, theo cơ chế tự chủ.

Bà Ngọc cho hay, Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã đang dự thảo một thông tư về giá y tế nên có thể sẽ, dịch vụ y tế lại tăng giá trong 6 tháng cuối năm.

Tuy nhiên, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, nhấn mạnh, riêng chính sách giá cả các mặt hàng chiến lược đều được các bộ phối hợp điều hành chặt chẽ để tránh các tác động tiêu cực.

Chẳng hạn như ở đợt tăng giá điện vừa qua, mặc dù Bộ Công Thương muốn tăng 9,5% nhưng Bộ KHĐT đã có ý kiến chỉ tăng 7,5% và cuối cùng, Chính phủ đã thông qua phương án thấp nhất.

"Tóm lại, không lo ngại từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng chiến lược của Nhà nước làm ảnh hưởng tới lạm phát", ông Lâm khẳng định.

Trong 6 tháng còn lại, theo Bộ trưởng Vinh, có nhiều vấn đề phải làm để duy trì tăng trưởng bền vững, từ việc thực hiện tốt Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cho đến các chính sách tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, lao động nước ngoài, cũng như chính sách ngăn chặn buôn lậu, làm hàng giả hàng nhái.

Phạm Huyền