Đang thiết lập mặt bằng giá mới
10 năm đầu tư BĐS, anh Nguyễn Trung Tín (Long Biên, Hà Nội) không khỏi ngạc nhiên với cơn “sốt đất” ở những tháng đầu năm 2021, đặc biệt là khu vực phía đông Hà Nội như: Gia Lâm, Long Biên hay xa hơn là Hưng Yên. Giá BĐS ở những khu vực này liên tục thiết lập mặt bằng mới.
Tại khu vực quận Long Biên, giá đất tăng 3 - 5 triệu đồng/m2 so với hồi cuối năm 2020. Đơn cử, khu vực phố Thạch Cầu có giá 30 - 40 triệu đồng/m2. Khu vực phường Ngọc Thuỵ cũng dao động 30 - 50 triệu đồng/m2 đối với khu vực ngõ 2 - 3m và 100 - 120 triệu đồng/m2 với nhà mặt đường có thể kinh doanh, buôn bán.
Tại Gia Lâm, giá nhà đất bình quân dao động trong khoảng 15 - 60 triệu đồng/m2, tùy từng khu vực cũng như vị trí. Ở khu vục Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Dương Xá, Đặng Xá, Trâu Quỳ, mỗi mét vuông đất nền có giá trong khoảng 50 - 60 triệu đồng. Thậm chí, ở một số dự án BĐS cao cấp rao bán trong khoảng 100 - 150 triệu đồng/m2.
Các dòng sản phẩm nhà liền thổ cũng hưởng lợi từ đà tăng này. Dù là khu đô thị lâu năm ở phía đông Thủ đô, mỗi năm, Ecopark đều có các dòng sản phẩm mới ra mắt thị trường. Phân khúc nhà phố tại khu đô thị này cũng cho thấy sự tăng nhiệt. Tháng 4/2020, nhà phố Thủy Trúc tại Ecopark mở bán có giá khoảng 60 triệu/m2. Khi chủ đầu tư bắt đầu bàn giao, mỗi mét vuông có giá 100 triệu đồng.
Chị Kim Anh (khách hàng) cho hay, căn nhà phố chị mua giá 6 tỷ đồng hiện có khách sẵn sàng trả 9,6 tỷ. "Tính sơ bộ, sau 1 năm, giá nhà phố tại dự án này tăng 50 -60%", chị Kim Anh đánh giá.
Một khu đô thị tại Long Biên (Ảnh: Giang Huy) |
Phân khúc chung cư ở phía đông Hà Nội cũng ghi nhận khoảng giá mới. Các đợt chào bán căn hộ của các chủ đầu tư lớn như Ecopark đều có giá trên 40 triệu đồng/m2 so với mặt bằng chung trên dưới 30 triệu đồng/m2.
Trong đó, dòng sản phẩm căn hộ Solforest của Ecopark giao dịch trên thị trường với mức giá khoảng 50 - 52 triệu đồng/m2. Một chuyên gia đầu tư BĐS nhận định: “Những căn hộ sân vườn tại đây có khi tăng 200 - 250 triệu đồng/ căn tuỳ vị trí và diện tích. Mức giá này cao gấp đôi các dự án mà Ecopark tung ra trước đây. Dù vậy giao dịch vẫn khá sôi động. Hiện nay, các nhà đầu tư chủ yếu mua lại trên thị trường thứ cấp”.
“Đòn bẩy” phát triển cho BĐS phía đông Hà Nội
Theo báo cáo của Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), trong 2 tháng đầu năm 2021, giá BĐS vẫn tăng. Trong đó, có những khu vực, dự án giá tăng trên 10% so với thời điểm đầu năm 2020. Một số đơn vị như CBRE, Savills hay Colliers International đều dự báo, trong năm 2021, giá bán căn hộ trung bình dự kiến tăng 4 - 6% so với năm 2020.
Tại hội nghị BĐS 2020 do Forbes Việt Nam tổ chức, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc CBRE Việt Nam đánh giá: “Xu hướng phát triển thị trường BĐS tại Hà Nội trong năm 2021 có nét tương đồng với TP.HCM là đều tập trung ở khu vực phía đông. Nếu như trước đây, thị trường Hà Nội tập trung phát triển mạnh ở phía tây, thì khu vực phía đông sông Hồng, gồm các quận, huyện như Long Biên, Gia Lâm... đang chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ”.
Giới chuyên gia nhận định, sự tăng trưởng ở phía đông Hà Nội là kết quả tất yếu của quá trình đô thị hóa và những chính sách quy hoạch. Theo quy hoạch chung của Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, ngoài các cây cầu hiện hữu như: Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Thăng Long; Hà Nội sẽ có tổng cộng 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng. Gần đây nhất là 4 cây cầu nghìn tỷ: cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi và cầu Mễ Sở.
Cụ thể, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có quy mô 4 làn xe, chiều dài 3,5km, tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng. Cầu Trần Hưng Đạo nối phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) với đường Cổ Linh (Long Biên) có tổng mức đầu tư 9.000 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe. Cầu Ngọc Hồi nối đường vành đai 3.5 (Hoàng Mai) với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Gia Lâm) có tổng mức đầu tư 4.881 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe chạy, chiều dài 13,8km. Cầu Mễ Sở nối đường vành đai 4 (Thường Tín) với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Gia Lâm) cũng có tổng mức đầu tư dự kiến 4.881 tỷ đồng, chiều dài 13,8km. Giới chuyên gia kỳ vọng, những cây cầu nghìn tỷ này cùng hạ tầng giao thông đường bộ bài bàn sẽ trở thành "đòn bẩy thép" giúp nơi đây bứt phá.
Bên cạnh đó, “đòn bẩy” từ quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cũng tạo điều kiện cho BĐS khu đông Hà Nội tăng giá. Đồ án được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích 11.000 ha, thuộc 55 phường, xã và 13 quận, huyện, dân số tính toán theo quy hoạch từ 280.000 - 320.000 người.
Giới chuyên gia nhìn nhận, nếu được phê duyệt, quyết định này có tác động lớn đến thị trường BĐS đông Hà Nội, biến nơi đây thành thị trường trọng điểm trong tương lai gần. Nhiều dự án cũng sẽ hưởng lợi từ chính sách này, song không phải dự án nào cũng có tiềm năng tăng giá.
Theo CBRE, ngoài phía tây, khu vực phía đông tiếp tục thu hút nhiều dự án mới, chiếm 77% nguồn cung mới tại thị trường Hà Nội thời gian tới. Còn đại diện chủ đầu tư Ecopark cho rằng: “Sức bật về giá, ngoài việc hưởng lợi từ quy hoạch hạ tầng khu đông Hà Nội, còn đến từ tổng thể dự án đáp ứng đúng nhu cầu sở hữu không gian sống xanh mà nhiều người dân Thủ đô đang tìm kiếm”.
Xuân Thạch