Diễn biến giá dầu tăng vọt lên 110 USD/thùng gần đây đã khiến các doanh nghiệp trên khắp thế giới lo ngại khó khăn sẽ ngày càng chồng chất. Tuy nhiên, nhiều khả năng giá dầu sẽ không tăng đột biến trong năm nay bởi giá cao sẽ kìm hãm tăng trưởng của tất cả các nền kinh tế.



Trong phiên giao dịch ngày 12/4, giá dầu đã bất ngờ quay đầu giảm rất mạnh. Chỉ trong một phiên, dầu giảm tới 3,3% - mức giảm theo ngày mạnh nhất trong gần 11 tháng qua.

Dầu giảm giá ngay sau khi Ủy ban năng lượng quốc tế (IEA) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra đánh giá cho biết, giá dầu trên 100 USD/thùng sẽ bắt đầu kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Tập đoàn Goldman Sachs Group Inc. cũng đưa ra dự báo dầu sẽ có một cú điều chỉnh mạnh.

Trước đó, IEA đã đưa ra báo cáo cho biết có dấu hiệu nhu cầu tiêu thụ dầu suy giảm. IMF hôm 11/4 hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Nhật - hai nước tiêu thụ dầu đứng tốp 3 trên thế giới.

“Dầu Brent có thể giảm hơn 15 USD xuống 105 USD/thùng”, Goldman đưa ra dự báo trong nhận định hàng ngày của mình.

“Hiện tại, dầu đang rơi vào khoảng giảm giá. Thị trường đang ở mức quá mua, do vậy có thể sẽ có một đợt bán tháo”, Stephen Schork, chủ tịch Schork Group Inc. tại Villanova, Pennsylvania nói.

Dầu ngọt nhẹ trong phiên giao dịch 12/4 giảm 3,67 USD xuống 106,25 USD/thùng. Tính từ 8/4 dầu đã giảm 5,8%.

Trong Báo cáo Thị trường Dầu mỏ hàng tháng công bố ngày 12/4, IEA tiếp tục duy trì triển vọng lạc quan về nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2011, trong khi cảnh báo giá dầu trên 100 USD/thùng đang tác động xấu đến kinh tế toàn cầu.

Theo IEA, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm nay, tương đương 1,6%, lên trung bình 89,4 triệu thùng/ngày, bằng mức dự đoán hồi tháng 1.

Tuy nhiên, dữ liệu của IEA chỉ ra “đã có dấu hiệu cho thấy nhu cầu đi xuống” và nguồn cung thế giới đang bắt đầu “mỏng” bởi chiến sự ở Libya làm giảm năng lực sản xuất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ.

Đồng thời, IEA cũng nhận định, nếu giá dầu trên 100 USD/thùng thì sẽ có nhiều rủi ro bởi nó không tương thích với tốc độ hồi phục kinh tế.

Hà Linh (Theo Bloomberg)