Vượt qua con đường núi ngoằn nghèo, đoàn chúng tôi đến xã Hang Kia (Mai Châu - Hòa Bình). Không khí ở đây vô cùng trong lành, mát mẻ. Chúng tôi dừng chân, nghỉ ngơi ở homestay Y Múa.
Cơ ngơi khang trang, tiện nghi này là của Sùng Y Múa, người dân xã Pà Cò, lấy chồng ở xã Hang Kia.
Y Múa kể, đầu thập niên 90 (thế kỷ 20), Hang Kia là điểm nóng với việc trồng, vận chuyển, buôn bán cây thuốc phiện.
Thu nhập ‘khủng’ nhưng cuộc sống của người dân chìm trong tệ nạn xã hội, nhiều gia đình đã nghèo còn nghèo hơn vì con cái nghiện hút. Bao nhiêu tiền kiếm được, họ đổ vào ‘cái chết trắng’. Khắp nơi mang màu sắc thê lương.
Homestay Y Múa ở xã Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình) |
Năm 1996, Chính phủ kiên quyết dẹp điểm nóng thuốc phiện nhằm đem lại bình yên cho người dân Hang Kia. Đó cũng chính là lúc, cuộc sống của người dân nơi đây chơi vơi, không kế sinh nhai, không có thu nhập.
Không rơi vào vòng xoáy của ma túy nhưng từ bao đời nay, gia đình chồng Y Múa chỉ biết phát nương, làm rẫy, trông chờ vào cây lúa, cây ngô. Được năm thời tiết tốt may ra đủ ăn, còn đâu rơi vào cảnh lay lắt, thiếu đói. Vợ chồng Y Múa cũng vậy, dù chăm chỉ làm lụng nhưng chưa lúc nào thực sự thấy đủ ăn.
Năm 2012, xã Hang Kia chưa có mô hình homestay. Nhiều du khách tây đến bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) du lịch, được người dân bản Lác đưa lên Hang Kia khám phá như một lịch trình trải nghiệm. Đồ ăn do hướng dẫn viên địa phương chuẩn bị.
Khách nào muốn ngủ lại nhà dân ở Hang Kia thì trả mức phí là 50.000 đồng/người/ 1 đêm. Thu nhập thấp, ít người dân xã Hang Kia hào hứng. Hơn nữa, họ chưa hiểu hết về du lịch nên không thích làm.
Nhưng Y Múa thì khác, nhận thấy tiềm năng đang bị bỏ ngỏ, cô quyết định khởi nghiệp với nghề du lịch.
‘Tôi học trung cấp Y nhưng thành công với nghề du lịch. Mỗi năm, trung bình homestay của tôi đón từ 2000 - 3000 nghìn khách du lịch trong và ngoài nước đến trải nghiệm’, cô nói.
Ban đầu, Y Múa cho khách thuê phòng ngủ với gía 50 nghìn đồng/ đêm nhưng sau cô cung cấp một số dịch vụ khác như nấu ăn, đưa đi trải nghiệm cuộc sống địa phương: Chăn gà, trồng rau, hái quả, leo đồi…
Nhờ sự tư vấn thêm của một số bạn bè có kinh nghiệm chuyên môn, năm 2016, vợ chồng Y Múa đầu tư xây dựng thêm nhà sàn, triển khai thêm các loại hình trải nghiệm khác. Homestay Y Múa chính thức ra đời.
Lượng khách theo đó cũng tăng cao. Đến năm 2018 đón gần 3.000 khách; năm 2019, chỉ đến tháng 7 đã đón được khoảng 2.000 khách.
Du khách nước ngoài thích thú mặc trang phục dân tộc Mông ở homestay Y Múa |
Từ chỗ hoạt động tự phát, nhiều khách nhỏ lẻ, nay các đơn vị du lịch lữ hành đã liên hệ với homestay Y Múa để đưa đoàn khách lên. Phần lớn đều là khách nước ngoài.
Để đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyên nghiệp hơn, giúp du khách có nhiều hoạt động khi ở lại homestay, Y Múa mở rộng các dịch vụ tìm hiểu văn hóa truyền thống của người Mông như tham gia trải nghiệm vẽ sáp omg, nhuộm chàm, hái chè, làm giấy dó thủ công…
Ngoài ra du khách có thể dã ngoại, hái rau rừng, nấu ăn ngay tại khu vực cắm trại.
‘Trước đây, gia đình tôi vất vả, túng thiếu. Từ một hộ nghèo của xã nhưng từ khi bén duyên với du lịch cộng đồng, cuộc sống đã thay đổi’, Y Mua cho hay.
Với lượng khách đều đặn, người phụ nữ này tiết lộ, thu nhập của cô và gia đình rất ổn định. Kinh tế của bà con cung cấp các dịch vụ cộng đồng ăn theo homestay cũng nhờ đó mà khấm khá, gấp 5 lần thu nhập từ việc trồng lúa, ngô.
Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương, cơ sở du lịch của Y Múa còn giúp giải quyết một phần lao động địa phương rỗi rãi.
Vào mùa cao điểm, mỗi ngày homestay Y Múa cần đến 15 người phục vụ. Trong đó 3 người là nhân viên thường xuyên nhận mức lương dao động từ 3 đến 6 triệu đồng, còn đâu là lao động thời vụ với thù lao từ 150 nghìn đồng/ 1 người - 250 nghìn đồng/1 người.
Y Múa cho biết thêm, cô đã đầu tư mở rộng, xây dựng thêm nhà nghỉ cộng đồng có sức chứa khoảng 40 người và đưa vào hoạt động trong tháng 9/2019.
Với mô hình phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, không chỉ hộ gia đình của Y Múa mà các hộ gia đình khác trong xã Hang Kia đã dần dần thoát nghèo, cuộc sống ấm no, trình độ nhận thức, giao tiếp ngày càng được nâng cao.
Tại hội nghị xúc tiến du lịch tại xã Hang Kia do UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức, homestay Y Múa cùng các hộ hoạt động homestay ở Hang Kia, lần đầu tiên nhận được sự quan tâm hỗ trợ to lớn của địa phương với mức hỗ trợ lên đến 25 triệu đồng/hộ.
Cũng trong hội nghị này, ông Bùi Văn Tỉnh - Bí thư tỉnh ủy Hòa Bình đề nghị UBND tỉnh sớm nghiên cứu và ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng homestay với bà con dân tộc thiểu số, cụ thể là hỗ trợ vật chất như chăn ga, đệm… và có cơ chế về vay vốn đầu tư, hỗ trợ bà con xây dựng các homestay đạt chuẩn.
Bài: Nguyễn Hồng Hạnh - Nhóm PV
Ảnh: Vũ Tuấn Anh - Nhóm PV