- VietNamNet xin đăng tải những ý kiến đánh giá của các chuyên gia tâm lý, chuyên gia xã hội học để độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về hiện tượng này.

Năm 2011 đã chứng kiến biết bao vụ trọng án, bi kịch thương tâm. Trong đó đáng nói nhất là những vụ trọng án xảy ra trong nội bộ gia đình như hai anh em ruột ở Gia Lai giết nhau chỉ vì thù vặt, mẹ đẻ ép con gái ngủ với bố dượng để chiều chồng ở TP. Hồ Chí Minh, cha ruột nhiều lần dở trò đồi bại với con gái ở Hải Phòng, bố đẻ bắt hai con ăn phân ở Hải Dương, chồng đánh vợ quay video rồi tung lên mạng ở Phúc Yên, chồng làm đám ma cho vợ đang sống ở Hà Nội,...Những hành vi loạn luân, tội ác từ trong gia đình đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự đứt gãy các giá trị trong gia đình Việt.

Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình: Các chức năng của thiết chế gia đình Việt Nam đang bị suy giảm

Những hiện tượng loạn luân, tội ác thoát thân từ trong gia đình không phải bây giờ mới có, cũng không phải chỉ nước ta mà các quốc gia phát triển cũng có.

Đột nhiên thời gian gần đây những hiện tượng này diễn ra đậm đặc, bùng phát do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, trong bối cảnh xã hội hiện đại, xã hội phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn.

Vụ bạo hành gia đình gây chấn động dư luận năm 2011
Nó tác động đến thiết chế gia đình khiến giai đoạn gần đây có những đứt gãy, đổ vỡ trong hệ thống chức năng của nó. Hàng loạt các chức năng của gia đình suy giảm như chức năng tái sinh sản dân số, kinh tế, tình cảm, giáo dục xã hội hóa.

Một số chức năng gia đình giảm thiểu chính là lý do giải thích tại sao trong gia đình lại xảy ra các hiện tượng loạn luân, tội ác thoát thai từ trong gia đình.

Ví dụ chức năng giáo dục, trong thời buổi chuyển đổi kinh tế sang cơ chế thị trường, mải làm ăn kinh tế thì gia đình buông lơi, xem nhẹ chức năng giáo dục, phó mặc nó cho xã hội.

Thiết chế gia đình giảm thiểu chức năng giáo dục dẫn đến các thành viên của khu vực học đường, học trò con trẻ cũng bị gia tăng các hành vi bạo lực, lệch chuẩn. Những hành vi này không chỉ ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm mà còn cả gia đình.

Gia đình xuống cấp, giáo dục cũng bị ảnh hưởng quả đắng từ gia đình.

Thứ hai, khi chúng ta mở cửa hội nhập với thế giới, chúng ta tiếp nhận cả "hương thơm và gió độc". Thế giới trở nên phẳng hơn, con người tận dụng tối đa các phương tiện hiện đại như máy ảnh, máy quay, điện thoại để quay clip bôi nhọ, nói xấu rồi tung lên mạng.

Những sản phẩm văn hóa xấu độc, clip đen như những kịch bản gợi ý, kích thích, xô đẩy những cá thể không đủ bản lĩnh, không được rèn luyện đến nơi đến chốn thì sẽ có bước nhảy từ những hành vi phạm lỗi thông thường để bước chân vào tội ác.

Thứ ba, là do sự săm soi, quan tâm quá mức đối với những hành vi đó của giới truyền thông, thường xuyên hơn, chú ý khai thác nhiều hơn cũng đưa lại cho con người cảm giác nó bùng phát hơn. Bên cạnh yếu tố tích cực, thì ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong việc cung cấp những hình ảnh, trong việc loan tin, tuyên truyền có xu hướng chú mục, đi vào nhấm nháp những cái câu khách làm cho con người dễ bị kích thích hơn là phê phán.

Rõ ràng là một nhóm bạn trẻ ở Quảng Nam tự xưng là đàn em của Lê Văn Luyện hoàn toàn chỉ biết được thông tin đó qua truyền thông bùng nổ.

Cháu bé bị bố tẩm xăng đốt
Khi những vụ việc này trở nên đậm đặc hơn, tình hình vi phạm pháp luật cũng đang xu hướng tăng lên, đây là một tiếng chuông cảnh báo là phải củng cố lại các thiết chế, các mối quan hệ xã hội từ gia đình đến ngoài cộng đồng.

Chúng ta đã có chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, có công tác xây dựng thiết chế gia đình nhưng cần phải củng cố trở lại trên bình diện lớn, rà soát lại chiến lược đó trên bình diện quốc gia.

Thường xuyên làm cho chương trình chiến lược quốc gia tương thích với yêu cầu mới của thời đại, đủ sức đối phó với những yêu cầu mới nảy sinh.

Chúng ta chú tâm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, thực hiện an sinh xã hội là rất tốt. Nhưng nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh đến những vấn đề thuần kinh tế, coi kinh tế là cứu cánh, coi kinh tế là duy nhất thì sẽ có chuyện xem nhẹ đến việc xây dựng cộng đồng và gia đình an toàn.

Bài toán làm ăn làm cho mỗi thành viên của các gia đình tham gia vào nhiều mối quan hệ khác nhau. Người ta không có nhiều thời gian dành cho nhau. Bây giờ phải xắp xếp, phải tổ chức lại, phải biết lắng nghe, biết chăm sóc lẫn nhau, quay trở lại làm tốt hơn chức năng giáo dục và chức năng tình cảm.

Bà Hoàng Kim Thanh - Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA): Gia đình có còn là tổ ấm của mỗi người?

Những vụ việc mà các nhà báo đã đưa ra trong thời gian gần đây như vụ chồng đánh vợ, cha hiếp dâm con, anh giết em… khiến cho người ta trăn trở về quan hệ giữa con người và con người trong thiết chế xã hội đặc biệt - Gia đình.

Sự tha hóa của con người sống trong xã hội hiện đại khiến cho người ta kinh hoàng

Euripides- Một nhà triết gia Hy Lạp đã nói: “Duy chỉ có ở nơi gia đình người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số mệnh” nhưng với những người vợ, những người con và người em trong các câu chuyện trên họ đã gặp tai ương ngay trong chốn nương thân của mình. Thật khó đề phòng và chống đỡ khi bạo lực xảy ra với các mối quan hệ thân thuộc.

Vậy gia đình có còn là chỗ dựa tinh thần cho mỗi con người, là nền tảng cho sự bình ổn của mỗi xã hội khi tội ác đang rình rập sau mỗi cánh cửa của mỗi gia đình?

Những vụ án kể trên buộc chúng ta phải nhìn nhận lại các vấn đề đang tồn tại trong các gia đình Việt Nam hiện nay. Đó là sự xô lệch về hệ giá trị văn hóa gia đình, những thuần phong mỹ tục gia đình đang bị phá vỡ và bạo lực gia đình với mức độ nghiêm trọng là những vấn đề nhức nhối mà chúng ta cần giải quyết.
 

Gia đình có còn là chỗ dựa tinh thần cho mỗi con người, là nền tảng cho sự bình ổn của mỗi xã hội khi tội ác đang rình rập sau mỗi cánh cửa của mỗi gia đình?
 

Tôi cho rằng gia đình Việt Nam hiên nay đang có những sự thay đổi cả về cấu trúc và chức năng. Những sự thay đổi này có cả mặt tích cực và tiêu cực và cũng do rất nhiều lý do.

Những sự việc như trên không nhiều nhưng vô cùng nghiêm trọng vì tước đi quyền sống, quyền tự do của con người trong xã hội. Và nó càng nghiêm trọng hơn khi xảy ra nơi mà người ta vẫn cho là chốn nương thân, nơi được cho là an toàn nhất của một con người.

Nếu chúng ta không giải quyết những vấn đề này, chắc chắn sẽ ảnh hướng rất lớn đến hệ thống các giá trị văn hóa gia đình, trong đó có giá trị cấu trúc - giá trị thể hiện mối quan hệ bên trong của gia đình: quan hệ vợ chồng, quan hệ cha mẹ - con cái, quan hệ giữa các anh chị em và quan hệ ông bà và các cháu trong gia đình.

Không chỉ thế nó còn làm tê liệt các chức năng của gia đình, đặc biệt là chức năng nuôi dưỡng và giáo dục con cái, chức năng thỏa mãn nhu cầu tình cảm của các thành viên gia đình.

Trong những năm qua xã hội Việt Nam đang có những thay đổi lớn lao, kèm theo những cơ hội là những thách thức không nhỏ về lối sống lệch chuẩn, về sự vô cảm của con người, về tệ nạn xã hội, sự tha hóa về đạo đức…

Thách thức đó đang ập vào mỗi gia đình dẫn đến khủng hoảng trong hôn nhân như ly hôn, ly thân, ngoại tình… ngày càng nhiều; xâm hại tình dục trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp; bạo lực gia đình vẫn là hiện tượng phổ biến, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, sự bất bình đẳng giới vẫn neo chắc vào mỗi gia đình …

Đó là những vấn đề không dễ giải quyết đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực, đồng bộ từ các cá nhân - gia đình và xã hội, đặc biệt là cách chủ trương chính sách và các chương trình hành động thiết thực từ phía Chính phủ.

La Hoàn - Quỳnh Anh (thực hiện)