- Giải thích việc gia hạn xuất khẩu cát mặn ở Phú Quốc, Bộ Xây dựng cho biết đơn vị nạo vét chưa xuất khẩu hết khối lượng cho phép.

Chưa xuất hết quota

Trước đó, ngày 3/6/2016, Bộ Xây dựng đã ký văn bản thống nhất gia hạn việc công ty Đức Long làm thủ tục xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu, khối lượng tối đa là 926.220m3, trong thời gian từ 3/6-31/12/2016.

Đến nay, công ty Đức Long mới xuất khẩu 100.000m3 trong tổng số gần 1 triệu m3 cát mặn được phép xuất khẩu. 

{keywords}
Ồ ạt hút cát ở vùng biển Phú Quốc. Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Tại công văn về việc gia hạn hướng dẫn xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ dự án nạo vét vùng nước quân cảng Vùng 5 Hải quân, Bộ Xây dựng cho biết: Bộ đã nhận được các công văn của Bộ Tư lệnh Hải quân, UBND tỉnh Kiên Giang và của công ty Đức Long kiến nghị về việc gia hạn hướng dẫn xuất khẩu cát mặn tận thu từ dự án nạo vét vùng nước quân cảng Vùng 5 Hải quân.

Theo đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án theo yêu cầu phục vụ mục tiêu quốc phòng, an ninh, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Xây dựng thống nhất gia hạn cho công ty Đức Long làm thủ tục xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu với khối lượng tối đa 826.220m3 trong khoảng thời gian từ nay tới 30/6/2017.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu công ty Đức Long phải đăng ký khối lượng nạo vét cát nhiễm mặn theo quy định của luật Khoáng sản (phân vùng khu vực, trình tự nạo vét, công suất nạo vét, vị trí và tọa độ nạo vét…); phải thông báo kế hoạch thi công tới UBND tỉnh Kiên Giang, Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang…

Công văn gia hạn xuất khẩu cát mặn cho công ty Đức Long do Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh ký được gửi tới VPCP, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 5, Bộ TN&MT, UBND tỉnh Kiên Giang, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Kiên Giang và không được gửi tới Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang.

Sở Tài nguyên Môi trường không biết

Trao đổi với VietNamNet, Giám đốc Sở TN&MT Kiên Giang Nguyễn Xuân Lộc cho hay, Sở chưa nhận được công văn về việc gia hạn cho công ty Đức Long được phép xuất khẩu cát mặn đi Singapore.

{keywords}

{keywords}
Công văn gia hạn xuất khẩu cát mặn cho công ty Đức Long đến ngày 30/6/2017 của Bộ Xây dựng

“Cái này thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT phê chuẩn. Trách nhiệm của Sở, nếu như đơn vị được cấp phép, được chủ trương thì chúng tôi chỉ phối hợp, kiểm tra giám sát quá trình thực hiện của họ. Hơn nữa, hợp đồng nạo vét này do Hải quân Vùng 5 đứng ra thuê công ty Đức Long. Dự án này không phải của tỉnh Kiên Giang”, ông Lộc nói.

Trước đó, báo Tuổi trẻ thông tin về việc công ty Đức Long đã ồ ạt xuất khẩu cát từ dự án nạo vét quân cảnh Vùng 5 Hải quân sang Singapore trong khi trước đó Thủ tướng đã cấm xuất khẩu cát nhiễm mặn từ 30/6/2010.

Báo Tuổi trẻ cho biết, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị đã yêu cầu các cơ quan liên quan trả lời cử tri về vấn đề này.

Theo Phó giám đốc Sở TN&MT Phùng Quốc Bình, từ tháng 10/2016 UBND huyện Phú Quốc đã báo cáo thường trực UBND tỉnh việc nạo vét và xuất khẩu cát diễn ra tại thị trấn An Thới, sau đó tỉnh đã giao Sở TN&MT kiểm tra.

Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho hay, UBND huyện phản đối việc xuất khẩu cát ra nước ngoài.

“Đồng ý rằng vì mục đích quốc phòng nên phải nạo vét luồng tàu, nhưng lượng cát tận thu này phải được dùng cho các công trình trên địa bàn huyện bởi nhu cầu cát san lấp ở Phú Quốc hiện nay rất lớn. Chưa kể việc khai thác cát ở khu vực này sẽ gây sạt lở đối với khu vực xung quanh. UBND huyện sẽ tiếp tục kiến nghị dừng xuất khẩu cát ra nước ngoài”, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, nhiều dự án hạ tầng, du lịch ở Phú Quốc cần san lấp mặt bằng với khối lượng rất lớn mà nguồn tại chỗ không đủ, phải mua từ đất liền chở ra với chi phí rất đắt đỏ.

Kiên Trung