Kể từ đầu năm 2014, mức thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước thuộc khu vực ASEAN giảm còn 50%, nhưng cơ hội để người Việt sở hữu ôtô với chi phí thấp xem ra còn xa.

Ông Trương Kim Phong, Giám đốc Marketing Công ty Ford Việt Nam cho hay, hiện nay các dòng xe phổ biến và bình dân đang bán chạy tại thị trường Việt Nam đều được lắp ráp trong nước. Thuế nhập khẩu bộ linh kiện chỉ khoảng từ 15-25%, vẫn thấp hơn đáng kể so với thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc. Bởi vậy, con đường mà các hãng xe lựa chọn vẫn không có gì thay đổi.

Vì sao giá vẫn không giảm?

Chia sẻ nhận xét này, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hyundai Thành Công cũng thừa nhận, sẽ chưa có sự thay đổi đáng kể gì về giá xe ôtô trong năm 2014 này. Được biết mẫu xe đang gây đình đám về giá của Hyundai là Grand i10 (từ 359 triệu đồng) chỉ sau chưa đầy 1 tháng công bố bán tại Việt Nam đã nhận được đơn hàng lên tới gần 1.000 chiếc. Tuy nhiên, do hiện đang nhập khẩu nguyên chiếc từ Ấn Độ, không thuộc khu vực ASEAN, nên không thể có cơ hội giảm giá nào, bởi mức thuế ngoại khối không có thay đổi nhiều so với hiện nay.

{keywords}
Giá ô tô ở VN vẫn còn cao so với nhiều nước trong khu vực.

Thực ra cũng không có gì khó hiểu khi người tiêu dùng chưa thể mua được xe giá rẻ dù thuế nhập khẩu từ ASEAN giảm xuống còn 50%. Trên thực tế, các loại xe du lịch đang bán chạy trên thị trường đều được cung cấp bởi các doanh nghiệp là Toyota Việt Nam, Kia Trường Hải, Hyundai Thành Công, Ford Việt Nam, GM Việt Nam, Honda Việt Nam, VinaMazda… Còn các loại xe có doanh số bán chạy tại Việt Nam thì đều đang được lắp ráp nên có thuế nhập khẩu linh kiện hấp dẫn hơn thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc như đã nói trên. Nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực ASEAN ở phân khúc xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi cũng chỉ có vài mẫu xe gồm: Toyota Yaris và các mẫu xe bán tải như Toyota Hilux, Ford Ranger, Nissan Navara hay Chevrolet Colorado. Như vậy, dù có Yaris nhập khẩu nguyên chiếc thì Toyota Việt Nam cũng sẽ không tạo thuận lợi để mẫu xe cùng phân khúc của chính mình là Toyota Vios lắp ráp trong nước bị gặp khó khăn về tiêu thụ.

Với các mẫu xe bán tải còn lại, tuy thuế giảm, nhưng cũng không phải là lựa chọn được yêu thích với khách hàng Việt Nam vốn rất thích “thể hiện’’ qua việc đi xe nào.

Ở phân khúc trên một chút gồm các gương mặt như: Toyota Altis, Ford Focus, Mazda 3, Kia K3 hay Honda Civic, hiện được lắp ráp ở Việt Nam nên cũng sẽ chưa thể có chuyện dừng lắp ráp để chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc từ các cơ sở sản xuất tại Thái Lan hay Indonesia. Vậy nên, mong muốn hưởng lợi về thuế của người mua thật sự khó khả thi.

Nếu nhìn sang phân khúc cao cấp hơn nữa với sự góp mặt của các thương hiệu xe sang như: BMW, Audi, Mercedes hay Lexus và Infinity mới đây thì đều có nguồn gốc nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản hay các nước châu Âu (trừ Mercedes có một số sản phẩm được lắp ráp ở Việt Nam). Với những xe xuất xứ không từ ASEAN này, cơ hội hưởng thuế nhập khẩu 50% dĩ nhiên là không có nên giá cả cũng không thay đổi nhiều so với hiện nay.

Vẫn rối chuyện thuế

Một điểm nữa khiến thị trường ôtô Việt Nam không có cơ hội giảm giá xe là bởi các doanh nghiệp thương mại không được quyền nhập khẩu xe mới như trước đây. Điều này là do quy định của Thông tư 20/2011/TT-BCT yêu cầu nhập khẩu xe mới phải có ủy quyền chính hãng từ nhà sản xuất hay sở hữu thương hiệu.

Tuy vậy, ông Trương Kim Phong cũng thừa nhận, nếu thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc giảm xuống mức dưới 30%, chắc chắn các doanh nghiệp ôtô đang hoạt động tại Việt Nam sẽ có những tính toán khác, bởi chêch lệch thuế linh kiện và xe nhập khẩu không còn nhiều, nhất là nếu tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam không tăng mạnh so với hiện nay.

Nói là vậy nhưng lộ trình giảm thuế nhập khẩu ôtô giai đoạn 2015 – 2018 hiện vẫn trên giấy. Dự thảo về lộ trình này đang được thảo luận quanh 2 phương án. Hoặc là giữ nguyên mức 50% đến năm 2017 và giảm về 0% năm 2018, hoặc là giữ nguyên mức 50% và tới 2017 sẽ hạ xuống 30% và sau đó hạ tiếp về 0% vào năm 2018 như cam kết.

Phương án đầu không được các doanh nghiệp ôtô chia sẻ, bởi lo ngại không ai mua xe trong năm 2017 mà chờ tới năm 2018 để được hưởng mức thuế thấp hơn nhiều. Đáng nói, trong khi rối ren về thuế thì đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ôtô dưới 24 chỗ ngồi, có dung tích động cơ trên 3.000 cm3 từ 60% hiện nay lên 75% mới được Tổng cục Hải quan đề xuất, lại khiến cho các doanh nghiệp ôtô có các dòng xe này như ngồi trên lửa.

Nhưng như nhận xét của ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nếu tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt với xe có dung tích động cơ lớn thuộc dòng xe cao cấp, nhắm tới các khách hàng giàu có thì cũng là hợp lý!

(Theo Doanh Nhân)