Nắng nóng có dấu hiệu gia tăng
rõ rệt ở nhiều vùng trong cả nước, diện tích đất bị hoang mạc hóa mở rộng, thậm
chí có thể bị sa mạc hóa.
Đây là những thông tin đáng chú ý trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về
Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi
khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Sa mạc hóa gây thiệt hại chỉ sau bão lũ
Theo Cục Lâm nghiệp, Việt Nam có khoảng hơn 9 triệu ha đất bị hoang hóa, chiếm
28% tổng diện tích đất đai trên toàn quốc, trong đó có 2 triệu ha đất đang sử
dụng bị thoái hóa nặng.
Ngoài những vùng đất bị hoang mạc hóa, nhiều dải cát ven biển Việt Nam còn bị
hiện tượng sa mạc hóa cục bộ, tập trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận với diện
tích trên 400 nghìn ha và ĐBSCL với diện tích 43 nghìn ha.
Hiện Việt Nam đã xác định được 4 địa bàn ưu tiên chống sa mạc hóa là Duyên hải
miền Trung, Tây Bắc, Tứ giác Long Xuyên và Tây Nguyên.
Sa mạc hóa hiện đang là một trong những loại hình thiên tai đang xảy ra ở Việt
Nam và mức độ gây thiệt hại do hạn hán và sa mạc hóa được xếp hạng thứ 3, chỉ
đứng sau lũ lụt và bão. Nếu không có những biện pháp cụ thể và quyết liệt, tình
trạng hoang mạc hóa sẽ còn gây tác động đến môi trường sinh thái và môi trường
sống trong nhiều năm nữa.
Hoang mạc hóa đất không chỉ làm làm suy kiệt tài
nguyên sinh vật mà còn tác động tiêu cực đến đời sống an sinh xã hội. Trong đó, rõ nét nhất là làm giảm diện tích đất canh tác nông ngư nghiệp, gây
khó khăn trong đời sống sản xuất của người dân trong vùng hoang mạc. Ngoài ra,
sa mạc hóa đất đai còn khiến cho nguồn lương thực và nguồn nước bị cạn kiệt
theo, gây ra sự bất an trong xã hội.
Thích ứng để chống hoang mạc hóa
Theo tổng kết của Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP), kinh nghiệm
quốc tế về chống thoái hóa đất và hoang mạc hóa gồm có: Sống chung với hạn hán
để cải thiện tình hình, tăng cường công tác quản lý lưu vực sông và bảo vệ tài
nguyên nước, áp dụng cơ cấu cây trồng và hệ sinh thái nông nghiệp thích ứng
Mặt khác, theo các chuyên gia, những hoạt động của con người và biến đổi khí hậu
là 2 yếu tố tác động mạnh đến quá trình thoái hóa đất và hoang mạc hóa trên phạm
vi cả nước.
Trong đó, nhiệt độ tăng cao, nắng nóng, khôn hạn kéo dài, mực nước biển dâng
cao, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét
đều gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu.
Kéo theo là quá trình thoái hóa đất và hoang mạc hóa sẽ diễn ra khắc nghiệt hơn,
diện tích đất bị thoái hóa và diện tích hoang mạc hóa sẽ mở rộng hơn trong tương
lai.
Vì vậy, một chiến lược lâu dài với những giải pháp ứng phó kịp thời với biến đổi
khí hậu sẽ góp phần tác động tích cực hạn chế và cải thiện tình trạng hoang mạc
hóa ở Việt Nam. Mới đây trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Kết quả
giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu ở
ĐBSCL, đoàn giám sát cũng đã kiến nghị Quốc hội nghiên cứu đưa nội dung về ứng
phó với biến đổi khí hậu là một trong các nội dung của Nghị quyết phát triển KT
- XH hàng năm và 5 năm.
Trên thực tế ở Việt Nam, nhiều cộng đồng dân cư ở các vùng khô hạn, hoang mạc đã
và đang sống chung với hoàn cảnh thiếu nước, xâm nhập mặn và xu thế mở rộng
hoang mạc hóa. Nhiều mô hình canh tác thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn cũng
được bà con sáng tạo và áp dụng đã đem lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và
môi trường.
Đồng thời, người dân cũng thực hiện nhiều giải pháp thích ứng với tác động của
hạn hán, xâm nhập mặn gây nên bởi biến đổi khí hậu như sử dụng các biện pháp thu
trữ nước, bảo vệ nguồn nước và đất chống hoang mạc, xác lập phương thức sản xuất
nông - lâm - thủy sản phù hợp
B. An (tổng hợp)