Đái tháo đường, tim mạch, béo phì... là các bệnh lý không lây nhiễm phổ biến ở nước ta. Tại chương trình tập huấn về triển khai Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên do Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức ngày 24/6, các chuyên gia cho biết đái tháo đường tuýp 1 chiếm 90% bệnh đái tháo đường ở trẻ em.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Phụ trách, quản lý và điều hành Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết dữ liệu từ các bệnh viện tuyến cuối về trẻ em cho thấy có khoảng 2.000 trẻ được chẩn đoán mắc bệnh này.

"Bệnh có xu hướng gia tăng trong cả nước từ 7 năm gần đây. Đáng nói, việc chẩn đoán, điều trị đang gặp khó khăn", Tiến sĩ Khoa cho biết. 

Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết trước đây mỗi năm bệnh viện chỉ thăm khám, theo dõi, điều trị khoảng 10-15 bệnh nhi đái tháo đường tuýp 1, nhưng những năm gần đây, mỗi năm, viện chẩn đoán, phát hiện từ 65-95 trẻ mắc bệnh. 

W-cap_cuu_BM_hoang_ha.jpg
Không ít trường hợp bệnh nhi khi phát hiện mắc đái tháo đường tuýp 1  đã ở tình trạng hôn mê. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Tính đến nay, số trẻ mắc bệnh này dưới 18 tuổi (lứa tuổi học đường và nhỏ hơn) đang được bệnh viện này điều trị và quản lý là gần 600 trẻ. Thực tế, các cơ sở y tế trên cả nước từng tiếp nhận không ít trường hợp trẻ khi phát hiện mắc bệnh đã ở tình trạng hôn mê, nhiễm toan ceton, nghĩa là rất nặng nề, nguy cơ đe dọa tính mạng.  

Cách đây không lâu, Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cứu thành công bệnh nhi 4 tuổi (học mẫu giáo) hôn mê, nhiễm toan ceton do đái tháo đường. Mẹ bệnh nhi cho biết bé tiền sử khỏe mạnh, trong vòng khoảng 3 tuần trước khi vào viện cấp cứu sút khoảng 3kg và đi tiểu nhiều vào ban đêm. Xét nghiệm cho thấy lượng đường máu của trẻ tăng rất cao 37mmol/l (bình thường đường huyết lúc đói là < 5,6 mmol/l).

Theo các chuyên gia, không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em theo giới tính. Tuy nhiên, trẻ nam trên 15 tuổi chiếm ưu thế trong tỷ lệ mắc bệnh này. Tuổi khởi phát hay gặp nhất từ 10-14 (học sinh cấp 2). Những năm gần đây, độ tuổi khởi phát bệnh có xu hướng giảm dần ở một số quốc gia. 

Các chuyên gia cho biết một trong những nguyên nhân của đái tháo đường liên quan đến yếu tố di truyền. Cụ thể, có từ 2-4% trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1 có bố mẹ cùng mắc bệnh đái tháo đường; tỷ lệ này với đái tháo đường tuýp 2 là 80%. 

Đái tháo đường tuýp 2 ít ghi nhận ở trẻ nhưng gần đây, tỷ lệ trẻ béo phì ngày càng cao, dẫn đến ngày càng có nhiều trẻ được chẩn đoán bị đái tháo đường nhóm này. Vì thế, truyền thông, giáo dục về bệnh không lây nhiễm nói chung và đái tháo đường nói riêng cho lứa tuổi học đường rất quan trọng.

Đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng như tim mạch, mắt, thần kinh, là nguyên nhân chính gây suy thận, làm gia tăng chi phí y tế và giảm chất lượng cuộc sống. Để phòng bệnh đái tháo đường nói chung, theo các bác sĩ, người dân, trong đó có trẻ ở lứa tuổi học đường, cần rèn luyện lối sống lành mạnh, kiểm soát cân nặng tránh thừa cân, béo phì; tăng cường vận động thể lực; nói không với thuốc lá...

Một trong những chỉ tiêu quan trọng trong Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 là 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; 50% trường học thực hiện việc đánh giá phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần cho học sinh. 

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, khuyến cáo các bậc phụ huynh khi phát hiện con mình có biểu hiện uống nhiều nước, đi tiểu nhiều kèm gầy sút cân trong thời gian ngắn thì nên đưa con đi khám để phát hiện sớm bệnh tiểu đường, điều trị đúng cách tránh biến chứng nghiêm trọng.

Minh An