Từ những năm 2015, cây tiêu tại tỉnh Gia Lai được mệnh danh là "vàng đen" của nông dân Tây Nguyên. Với giá cao từ 200.000 - 250.000 đồng/kg, người dân ồ ạt phá cây cà phê, vay vốn để chuyển qua trồng cây tiêu.
Từ năm 2016 - 2018 là giai đoạn khủng hoảng của cây tiêu. Bà con muốn tăng cao sản lượng nên sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu quá liều lượng. Tình trạng này đã dẫn đến hàng trăm nghìn diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị bệnh chết trắng vườn. Người dân ở các huyện Chư Pưh, Chư Sê cũng lâm vào cảnh nợ nần, phá sản.
Trong những năm tiếp theo, giá tiêu giảm chỉ còn 30.000 - 35.000 đồng/kg. Sau gần 3 năm, hiện nay giá tiêu đã tăng cao từ 85.000 - 90.000 đồng/kg. Tuy giá tiêu tăng cao trở lại nhưng người dân còn rất dè chừng trước việc phát triển lại cây tiêu. Mặt khác, thời điểm giá tăng cao, người dân cũng không có bán vì không đúng vụ chính. Những người có bán cũng đã tích trữ nhiều năm.
Gia đình chị Lê Thị Mỹ Quyên (xã Tân Sơn. TP Pleiku, Gia Lai) là một trong những nhân vật giàu lên vì tiêu và cũng tiêu sản vì tiêu. Năm 2016, gia đình chị Quyên phất lên nhanh chóng nhờ hồ tiêu với giá 250 nghìn đồng/kg. Đến giữa tháng 4/2020 giá tiêu chạm đáy 34 nghìn đồng/kg, khiến gia đình chị lâm vào cảnh nợ nần.
Chị Quyên tâm sự: "Vụ mùa vừa rồi mình thu được 1,7 tấn. Do giá thấp nên mình còn tích trữ trong nhà. Mấy ngày qua thấy giá cao nên mình bán luôn với giá 83.000 đồng/kg. Hiện nay, giá tiêu đã tăng lên 86.000 đồng/kg nhưng mình cũng không tiếc lắm vì so với mọi người thì mình đã bán với giá cao."
Trái lại sự vui mừng, phấn khởi của một số nông dân khi hồ tiêu liên tục tăng giá trong những ngày qua thì khuôn mặt chị Nguyễn Thị Thạnh (38 tuổi, trú tại huyện Đăk Đoa) lại tỏ ra đầy tiếc nuối.
Chị Thạnh bộc bạch: "Những ngày qua, giá tiêu liên tục tăng mạnh khiến nông dân trồng tiêu tại huyện nhà rất phấn khởi. Thế nhưng, vì kẹt tiền trả nhân công cùng việc sợ giá tiêu giảm nên tôi đã bán hết với giá 70.000 đồng/kg ngay từ đầu mùa vụ hồi tháng 3 rồi. Hy vọng, vụ mùa tới giá tiêu tiếp tục tăng để bà con có thể thu lại được chi phí mất của những năm trước.".
Hiện nay vùng nguyên liệu hồ tiêu của tỉnh Gia Lai đang duy trì quanh mức diện tích hơn 13.600 ha. Thời điểm này dù giá tăng cao, song niên vụ 2020-2021 do ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh nên sản lượng thấp hơn so với trước. Ngoài ra, vì giá cả đầu mùa vụ không mấy khởi sắc nên người dân chưa thực sự mặn mà về việc chăm sóc hồ tiêu.
Ông Nguyễn Tấn Công - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã NN&DV Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) thông tin: Với giá tiêu hiện nay người nông dân lẫn các hợp tác xã đều có lãi. Đối với thị trường xuất khẩu, hiện nay các doanh nghiệp cũng đang rất cần nguồn hàng lớn.
Vì vậy đầu ra cho hồ tiêu hiện nay không phải là vấn đề. Thế nhưng, không phải cứ giá tiêu tăng cao, có lãi là nông dân lại ồ ạt phát triển diện tích.
"Người dân cần chuyển hướng sản xuất hồ tiêu sang đa canh, xen canh, tăng thu nhập trên cùng một diện tích, hạn chế sâu bệnh, chi phí sản xuất thấp. Đồng thời, người dân cần sản xuất an toàn, định hướng hữu cơ, nông sản sạch", ông Công nêu ý kiến.
Ông Hoàng Công Bính - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết: Do ảnh hưởng thời tiết khô hạn đầu mùa mưa năm 2021 và thiếu sự đầu tư chăm sóc nên diện tích và sản lượng vụ mùa này giảm hơn 30% so với vụ trước. Cũng vì vậy giá hồ tiêu hiện tại và thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao bền vững, có lợi cho người sản xuất.
Theo ông Bính, nông dân nên tập trung chăm sóc vườn tiêu hiện có theo hướng hữu cơ bền vững. Đặc biệt, người dân cần hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh, không để dư lượng trong hạt tiêu và đăng ký với hiệp hội để bán tiêu sạch nhằm đạt được giá tốt nhất.
(Theo Dân Trí)
Lạ: Cho tiêu 'ăn' phân cua, trứng vịt, sữa, bán giá cao gấp 400 lần
Chính sự khác biệt về chất lượng và giá trị này đã giúp các loại tiêu Bầu Mây có giá bán cao từ 2,2 – 15 triệu đồng/kg (tùy loại) ở thị trường trong nước, và giá xuất khẩu là 22 triệu đồng/kg.