Lượng khách tăng tập trung chủ yếu vào các tuyến đường có cự ly ngắn và các khu vui chơi giải trí trên các tuyến từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khu vực Tây Nguyên trở vào phía Nam; nhất là các tuyến đi đến trung tâm du lịch như Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang...
Theo tính toán, trong các ngày cao điểm từ ngày 27 đến ngày 29/4 ở bến xe Miền Đông sẽ tăng từ 3% đến 5% (hơn 90.000 lượt khách mỗi ngày) tương đương khoảng 200% - 270% so với ngày thường. Ở bến xe Miền Tây là 5% - 10% (hơn 52.000 lượt khách/ngày) so với cùng kì năm trước.
Giá vé xe tăng khiến nhiều người phải đắn đo khi quyết định về quê nhà. |
Thứ nhất, do dịp nghỉ lễ người dân chủ yếu về quê, đến các khu vui chơi giải trí nên các tuyến xe chỉ có đủ lượng khách ở lượt đi, còn lượt về thì gần như rỗng. Thứ hai, do số hành khách tăng đột biến, các doanh nghiệp vận tải đều không đủ lượng xe phục vụ nên để đảm bảo thương hiệu, nhiều doanh nghiệp phải thuê thêm xe bên ngoài và chịu lỗ.
Ông Hải cho biết thêm, như dịp tết Nguyên Đán vừa rồi, các doanh nghiệp đã phải thuê thêm 500 xe hoặc tự các xe của doanh nghiệp phải chạy thật nhanh tới bến dừng trả khách và quay đầu sẽ trở về để kịp phục vụ. Do đó, Ban giám đốc Bến xe đã kiến nghị Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thành phố Hồ Chí Minh cho phép tính thêm phần phụ thu vào giá vé để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Qua đó, động viên các doanh nghiệp huy động tối đa nguồn phương tiện cung ứng phục vụ hành khách dịp lễ, không để khách chờ lâu để được về quê, lượng khách ứ đọng tại bến xe.
Các doanh nghiệp sẽ huy động tối đa phương tiện, kể cả thuê các phương tiện bên ngoài mới có thể đáp ứng được lượng khách lớn vào dịp 30/4 và 1/5 |
Tuy nhiên, khi biết giá vé dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay sẽ tăng từ 40% đến 60%, nhiều người dân đã tỏ ra không đồng tình. Một số bạn đọc trên diễn đàn còn phản ứng mạnh, thể hiện thái độ không hài lòng. Một bạn đọc có tên Hoàng Hà Hồng nói: “Tại sao cứ mỗi lần có lễ tết hoặc kì nghỉ, người dân có nhu cầu đi lại nhiều thì các nhà xe lại tính chuyện tăng giá vé? Tôi thấy kinh doanh như vậy là hình thức bắt chẹt hành khách”.
Anh Tăng Thiên Lộc, một hành khách thường xuyên đi xe khách cho rằng, phụ thu thêm 40% là quá cao. Đối với người dân lao động nghèo thì giá vé tăng sẽ tạo nhiều khó khăn đối với việc về quê của họ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Mai, một hành khách tại bến xe Miền Tây, nói: “Vào dịp nghỉ lễ, tuy nhà xe phải chịu rỗng một chiều nhưng lượt khách tăng đột biến, cộng với sau dịp lễ số khách trở về các thành phố cũng không nhỏ là nguồn thu nhập lớn cho nhà xe.”
Ông nhận xét thêm: “ Tại sao các doanh nghiệp không giảm giá vé hoặc khuyến mãi thêm vào dịp này để “đánh bóng” tên tuổi của mình”.
Với hành khách sinh viên, có lẽ là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất thì trước việc giá vé tăng chỉ biết “cam chịu”. Nguyễn Thị Thi, sinh viên năm 2 Đại học Công Nghiệp cho biết, cứ vào dịp lễ tết thì giá vé lại tăng là không hợp lí. Thi rất mong các ngày này để được về quê thăm nhà, nhưng với một sinh viên, mọi chi phí sinh hoạt hầu như đều lệ thuộc vào gia đình nên để tiết kiệm, mỗi năm em chỉ dám về vào dịp tết.
Riêng Nguyễn Thị Mỹ Linh, sinh viên Đại học Công Thương, chia sẻ: “Giá vé tăng thì tăng, đành bấm bụng chịu chứ biết làm sao bây giờ. Nhớ nhà quá, giá vé cao cũng phải đi.”
Dịp nghỉ lễ kéo dài tạo điều kiện để nhiều người dân có quê ở khu vực gần thành phố trở về thăm nhà. Giá vé tăng sẽ là một phần trở ngại đối với người dân có thu nhập thấp.
Tuy vậy, trong dịp lễ 30/4 vẫn có những doanh nghiệp tại bến xe Miền Tây như: công ty Phương Trang, Hùng Cường, Tuyết Hon, Việt Đức đã quyết định không phụ thu thêm giá vé. Vẫn cần rất nhiều các doanh nghiệp như vậy để người dân có cái nhìn khách quan hơn và công bằng hơn đối với các doanh nghiệp vận tải.
Tàu nối thêm toa, xe buýt tăng cường Ông Nguyễn Văn Thành - Phó trưởng ga Sài Gòn cho biết, Trong dịp nghỉ lễ, ga Sài Gòn không tăng giá vé mà chỉ tăng chuyến, nối thêm toa. Ga Sài Gòn tăng cường thêm 10 đoàn tàu chạy tuyến Sài Gòn - Nha Trang và ngược lại vào các ngày 26, 27 và 28/4, với gần 6.000 chỗ. Ngoài ra, đơn vị này cũng nối thêm toa vào các đoàn tàu khách Thống Nhất (Sài Gòn – Hà Nội).Tuyến Sài Gòn - Nha Trang và ngược lại, ngoài đôi tàu khách SNT1/2 chạy hằng ngày, ngày 26/4 ga sẽ cho chạy thêm tàu SN6 xuất phát tại Sài Gòn lúc 20h20, đến Nha Trang lúc 6h22. Ngày 27/4, ga Sài Gòn sẽ cho chạy thêm các đoàn tàu: SN4 xuất phát lúc 17h30, SN6 xuất phát lúc 20h20, SN8 xuất phát lúc 20h50, SN10 xuất phát lúc 21h25 phút, SN12 xuất phát lúc 21h55, SN14 xuất phát lúc 22h20, SN16 xuất phát lúc 23h30. Ngày 28/4 chạy thêm các đoàn tàu (xuất phát tại Sài Gòn): SN6 xuất phát lúc 20h20, SN8 xuất phát lúc 20h50, SN10 xuất phát lúc 21h25. Trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, tàu Du lịch SH, SQN, SPT đều được nối thêm toa để phục vụ vận chuyển hành và hiện nhà ga vẫn còn rất nhiều vé. Để phục vụ kịp thời nhu cầu đi lại của người dân TP.HCM vào dịp lễ, Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM cũng đã có kế hoạch tăng cường 1.400 chuyến xe buýt trên 16 tuyến có lộ trình chủ yếu đi qua các bến xe và các khu vui chơi giải trí. Trong đó, tuyến Bến xe Miền Đông - Hóc Môn (mã số 24) và Bến xe Chợ Lớn - Ngã 3 Tân Vạn (mã số 150) tăng 148 chuyến, tuyến Bến xe An Sương - Suối Tiên - Đền Vua Hùng (mã số 33) tăng 360 chuyến; tuyến Bến xe An Sương - Tân Quy (mã số 122) tăng 108 chuyến, tuyến Phà Bình Khánh - Cần Thạnh (mã số 90) tăng 120 chuyến. Công ty TNHH MTV Công trình Cầu phà thành phố cũng dự kiến tăng 80 chuyến phà đôi tại bến phà Cát Lái. Hãng tàu cánh ngầm Greenline dự kiến tăng 18 chuyến so với ngày thường với giá vé hiện hành. Quốc Quang |
• Minh Nhật – Hợp Trần