- “Chuyện có thể dùng tiền bán vé để nuôi Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam là điều không tưởng”.
Đại diện dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã nhắc khéo cho một hiện tượng mà nhiều người đã nhìn thấy từ lâu.
500.000 đồng là mức vé cao nhất cho buổi hòa nhạc Toyota Concert sắp diễn ra vào cuối tháng 7/2012, có sự tham gia của nghệ sĩ vĩ cầm Bùi Công Duy, ca sĩ opera Trịnh Thanh Bình, nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji và toàn bộ dàn nhạc giao hưởng Việt Nam.
Các nghệ sĩ sẽ trình bày một loạt các tác phẩm của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven, bản giao hưởng thơ "Người về đem tới ngày vui" - một tác phẩm khí nhạc giàu xúc cảm của NS Trọng Bằng và thêm các polka vui tươi lẫn kịch tính của J.Strauss II...
Mức vé thấp nhất là 100.000 đồng cho sinh viên - tức là ngang bằng với vé vào cửa để một bộ phim bom tấn chiếu ngoài rạp.
Nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji và dàn nhạc giao hưởng VN trình diễn tại Mỹ (2011). Các nhạc công nữ đều mặc trang phục áo dài, rất ấn tượng và đẹp mắt. |
Từ đây, câu chuyện về sự lựa chọn của số đông khán giả bắt đầu, và không khỏi gợi lên trong tâm trí những người làm nghệ thuật những suy nghĩ chưa vui.
Ông Nguyễn Trí Dũng - Phó Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trần tình trước báo giới:
"Khán giả bây giờ có thể bỏ ra vài triệu đồng mua vé xem show Chế Linh, nhưng để bỏ ra vài trăm ngàn mua vé đi nghe giao hưởng thì còn phải suy nghĩ. Đây có lẽ là một tư duy chưa được thấu đáo.
Với mức giá vé như trên - cho một chương trình giao hưởng thính phòng có nhạc mục dày dặn, được tập luyện công phu bơi hàng chục nhạc công, nghệ sĩ, nhạc trưởng - cũng có người nói thấp quá, nhưng cũng có người nói cao quá. Đã từ lâu Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cần có những nhà tài trợ và sự hỗ trợ của Chính phủ. Chuyện dùng tiền bán vé để nuôi dàn nhạc giao hưởng mà một điều không tưởng.
Khó khăn và bất cập này gây nhiều bức xúc. Trong dàn nhạc, các nghệ sĩ thường chia sẻ về sự say đắm trong âm nhạc, về quá trình tập luyện... Nhưng mỗi lần đề cập đến câu chuyện về tiền bạc thì đều bế tắc".
Như vậy, với sự ủng hộ từ chính phủ, âm nhạc cổ điển được trình diễn bởi các nghệ sĩ Việt Nam hứa hẹn trở thành một trong những hình thức giao lưu văn hóa có ý nghĩa quan trọng, có sức nặng nghệ thuật để mang tới các nước trong khu vực và trên trường quốc tế. Điều này sẽ đòi hỏi và thúc đẩy các nghệ sĩ cổ điển tại Việt Nam rèn luyện, lao động để tiếp tục nâng cao trình độ, tiến gần hơn với các quốc gia có trình độ cao trên thế giới.
Vân Sam