Giá xăng dầu trong nước hôm nay 3/11/2023
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 1/11 của liên bộ Tài chính - Công Thương. Giá xăng theo đó được điều chỉnh tăng còn giá dầu giảm.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng lên 22.610 đồng/lít. Xăng RON95 tăng lên mức 23.920 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm xuống 21.940 đồng/lít. Giá bán lẻ dầu hỏa giảm về mức 22.300 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 1/11 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.920 | +410 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.610 | +250 |
Dầu diesel | 21.940 | -540 |
Dầu hỏa | 22.300 | -450 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 3/11/2023
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 3/11 duy trì đà tăng từ phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h15' ngày 3/11 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 86,8 USD/thùng. Giá dầu WTI ở mức 82,49 USD/thùng.
Ngày 2/11, giá xăng dầu thế giới đảo chiều đi lên sau khi giảm khoảng 1% xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tuần vào hôm trước.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 21h34' ngày 2/11 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 85,59 USD/thùng, tăng 0,96 USD, tương đương 1,13% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 81,41 USD/thùng, tăng 0,97 USD, tương đương 1,21% so với phiên liền trước.
Giới phân tích nhận định, giá dầu lấy lại đà tăng nhờ lực mua tích cực của thị trường.
Vào ngày 1/11, giá dầu Brent đã giảm khoảng 1% xuống mức thấp nhất trong 3 tuần do đồng USD tăng giá và sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong 22 năm nhưng vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới nhằm kiềm chế lạm phát.
Cùng với đó, giá dầu đi lên còn do các nhà đầu tư vẫn lo ngại khả năng gián đoạn nguồn cung từ cuộc xung đột ở Trung Đông.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn có thể gặp áp lực trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt nguồn cung đã giảm bớt và nhu cầu tiêu thụ suy yếu.
Theo khảo sát của Bloomberg, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã bơm trung bình 28,08 triệu thùng/ngày trong tháng 10, tăng khoảng 50.000 thùng/ngày so với tháng trước.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất tại Mỹ và Trung Quốc thu hẹp trong tháng 10 đã làm tăng thêm mối lo ngại nhu cầu tiêu thụ yếu tại 2 quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Các chuyên gia của Ngân hàng J.P.Morgan (Mỹ) ước tính nhu cầu dầu toàn cầu trong tháng 10 trung bình ở mức 102,1 triệu thùng/ngày, thấp hơn khoảng 100.000 thùng/ngày so với dự đoán trước đó.
Dữ liệu kinh tế kém sắc của châu Âu cũng tác động tiêu cực lên giá dầu. Các dữ liệu gần đây củng cố mối lo ngại rằng nền kinh tế Đức và Khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể tiến gần hơn tới rủi ro suy thoái.