- Thi đỗ ĐH, nhưng rất có thể, giấc mơ vào giảng đường của Hoàng Thị Mai – cô bé người dân tộc Tày ở xã Mông Ân, Bình Gia, Lạng Sơn sẽ đứt gãy từ đây. Bởi gia cảnh nghèo khó, em chưa biết sẽ xoay sở ra sao để có tiền trang trải cho việc học.

Còn đi học, bố chém cả mẹ lẫn con…

Hoàng Thị Mai (xã Mông Ân, huyện Bình Gia, Lạng Sơn) rùng mình kể lại những lời mắng mỏ của người cha trong những cơn say. Quanh năm rượu chè, bố mai chẳng thiết làm ăn, và cũng chẳng thiết cho con cái được học hành.

Nhà có hơn 6 sào nương, chỉ có Mai và mẹ cáng đáng. Tuy là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh chị em, nhưng từ khi lên cấp 2, Mai dường như đã trở thành lao động chính, vì các anh chị của em đều dạt đi làm thuê, làm mướn rồi lập gia đình từ sớm.

Mười hai tuổi, hết chăm lợn gà, cấy, gặt đến hái củi, gánh nước từ việc to đến việc nhỏ, Mai đều làm hết… Lớn thêm một chút, khi vác nổi cái cày, cái bừa thì em cũng biết cày, biết bừa, chẳng thua kém gì con trai sức dài vai rộng.

Bố Mai vì rượu chè nên lử khử từ sáng đến đêm. Nhiều lúc bị ma men “hành”, ông chửi mắng, thậm chí cầm dao đuổi đánh, dọa giết vợ, giết con, bà con họ hàng khuyên can thế nào cũng không thay đổi. Mấy mẹ con Mai luôn sống trong cảnh ngột ngạt, sợ hãi.

Đặc biệt, bố không muốn cho là Mai đi học: “Bố em bảo con gái không phải học nhiều, em đi học chỉ phí tiền. Cãi lời, bố chém chết cả mẹ lẫn con” - mắt đỏ hoe, bần thần kể.

Em Hoàng Thị Mai: Nếu vay được tiền đi học, ra trường em sẽ làm để trả nợ, bao giờ hết nợ em mới lấy chồng
 

Có thời gian không chịu nổi, Mai đã nghĩ đến bỏ học thật.

Đó là tuần đầu vào lớp 10, các khoản đóng góp quá nặng đối với hoàn cảnh gia đình. Trường cấp 3 lại cách nhà hơn 10 cây số đường rừng heo hút.

Đi lại khó khăn, Mai phải về nhà chị gái trọ học, một tuần mới về nhà một lần. Vắng con, thiếu người làm, lại phải chạy vạy tiền nong, bố Mai càng tức giận. 

“Em vừa nói vừa khóc, bảo mẹ hay là để con nghỉ học. Mẹ em cũng khóc. Rồi mẹ em dỗ dành, động viên. Mẹ nói thôi con cố học, mẹ sẽ cố lo cho con. Học đi may ra sau này không phải khổ như mẹ” – Mai nghẹn ngào nói.

Thương mẹ, Mai càng cố gắng gấp nhiều lần.

Giấc mơ đứt gãy?

Việc học đối với Mai giống như niềm say mê. Sách vở cho em niềm vui sau những giờ làm việc mệt mỏi, sau những trận mắng chửi tưởng như vô tận của bố.

“Em thích đọc sách lắm. Nhưng từ bé em chưa từng biết đến cuốn sách nào khác Sách giáo khoa. Học lớp 4, lớp 5 em đã đọc hết sách lớp 11, 12 của chị em, đọc đi rồi đọc lại!” – Mai hồn nhiên chia sẻ.

Mai quyết tâm thi đại học với mơ ước trở thành giáo viên, được về quê dạy cho học. Tuy nhiên, hành trình thực hiện mơ ước ấy có quá nhiều nỗi gian truân.

“Gần đến ngày thi, nhà em không có tiền. Mẹ em đi vay cũng không nổi vài trăm nghìn. Cuối cùng chị gái em phải đi vay hộ, được đúng 1 triệu cho em đi thi” - Mai nhớ lại những ngày “nước rút”, vừa chạy đua với áp lực học hành, vừa chạy đua với áp lực… vay tiền.

Cầm 1 triệu đồng, Mai chỉ tiêu hết 400 nghìn vừa tàu xe, ăn uống và ở trọ. Có bữa em chỉ dám ăn bánh mì vì sợ “tiêu hết tiền thì lấy đâu ra trả cho người ta?”

Thi cử xong, Mai lại tất tả về nhà làm nương giúp mẹ. Mùa thuốc lá, em lại bươn đi nhặt lá thuốc thuê kiếm vài chục mỗi ngày phụ mẹ và chị tiền trả nợ.

Nỗi lo mưu sinh đè nặng khiến cô bé 18 tuổi chẳng lúc nào được thảnh thơi, vô tư. Hôm biết mình đỗ ĐH, Mai vẫn còn thẫn thờ vì vui ít, buồn nhiều.

“Em cũng chẳng dám khoe với ai ngoài chị và mẹ, vì lỡ khoe rồi cũng không đi học, sợ mọi người chê” – Mai lí nhí tâm sự.

Mai nghe mọi người bảo, học ĐH tốn lắm, không kể học phí thì mỗi năm cũng hết 10 triệu. 4 năm là 40 triệu Mai đã rùng mình: “Một triệu mà nhà em còn khó chạy, đây những 10 triệu, 40 triệu… chắc chẳng ai cho nhà em vay”.

Trong một phút mông lung suy tính, Mai khe khẽ thổ lộ niềm ao ước của mình: “Giá bây giờ em vay được ai tiền để đi học đại học, em sẽ vừa học, vừa làm thuê, tiết kiệm hết sức… Ra trường , em sẽ đi làm để trả nợ, bao giờ hết nợ em mới lấy chồng”.

Song mơ ước chỉ là mơ ước. Những ngày này, thay vì chuẩn bị hành trang đi học, Mai đang đốt sức đi làm thuê. Khi kể về mình, Mai phải khó khăn dằn nước mắt, có lẽ vì không muốn người đối diện nhìn thấy mình khóc.

Suốt 12 năm liền những khó khăn gian khổ không đánh gục được em, nhưng rất có thể em sắp vĩnh viễn thua cuộc, sắp phải dừng bước ngay trước ngưỡng cửa Đại học…

Quỳnh Anh