-Không nghe thấy cuộc đời, không thể nói cho thỏa những khao khát trong lòng, nhưng cô gái Lê Thị Thúy Đoan (Đức Giang – HN)vẫn rạng ngời tin yêu vào cuộc sống với những ước mơ bình dị mà cao đẹp.

Các tin liên quan

Nhan sắc rực rỡ của nữ sinh thi hoa hậu khuyết tật

Tuổi thơ im lặng

Đứa trẻ nào sinh ra cũng cất tiếng khóc chào đời. Nhưng Đoan từ khi sinh ra đã có không có được may mắn đó. 14 tháng tuổi, bác sỹ cho biết em bị câm, điếc bẩm sinh. Bố mẹ em như chết lặng trước sự thật nghiệt ngã này. Suốt 14 năm trời, bố mẹ Đoan tìm mọi cách chạy chữa mong cho con gái được lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng mọi cố gắng đều vô vọng. Đoan không thể cất tiếng nói cười hồn nhiên, không thể lắng nghe những âm thanh ngoài kia. Tuổi thơ của Đoan trôi đi trong im lặng, nhưng cô bé lúc nào cũng vui tươi, ngoan ngoãn và đặc biệt thông minh, khéo léo.

“Con bé từ nhỏ đã rất biết ý, tự chăm lo cho mình, hiếu thảo với bố mẹ. 12 tuổi Đoan đã biết chăm sóc mẹ, chăm sóc em gái nhỏ. Nhiều lần dù ốm mệt nhưng thấy bố mẹ bận bịu, vất vả, con bé nhất định giấu vì sợ cả nhà lo lắng” – mẹ Đoan giấu nước mắt khi kể về cô con gái bé bỏng của mình.

{keywords}
Thúy Đoan cùng mẹ
Là người mẹ, hơn ai hết, cô thấu hiểu ánh mắt da diết của con: Sao mẹ sinh con chị và em đều có thể nghe, nói được mà con thì không? Mẹ em rớt nước mắt vì thương cho nỗi khiếm khuyết của con gái. Thế nhưng, những nỗi buồn trôi không đọng lại lâu, bởi Đoan thông minh, sớm tự lập và luôn được bạn bè xung quanh thương mến.

Lên 6 tuổi, Đoan được bố mẹ gửi vào trường Hy Vọng học ngôn ngữ ký hiệu, rồi sinh hoạt tại Chi hội người khiếm thị Hà Nội.

“Đoan học giỏi, trừ một kỳ học đầu tiên, tất cả các năm học Đoan đều được loại giỏi, thầy cô khen học Toán, tiếng Việt nhanh và thạo. Nhờ đi học được giao lưu với bạn bè, Đoan cũng vui vẻ, nhanh nhẹn hơn. Vợ chồng cô chú cũng phấn khởi, tạo mọi điều kiện cho con đi học” – mẹ Đoan tự hào nhớ lại.

Năm 16 tuổi, nhận thấy con gái có năng khiếu đặc biệt trong may vá, nghệ thuật, bố mẹ đưa Đoan đi học nghề may. Chỉ vài tháng trời, Đoan đã tiếp thu và làm được việc.

“Việc khó đến đâu Đoan cũng học được. Đoan khéo tay nên nhiều khi những mẫu khó nhất cô chủ lại đưa cho Đoan làm. Đoan làm tốt lại được khách hàng khen, cô chủ thưởng và động viên nữa” – Đoan mỉm cười, ánh mắt ngời sáng và đôi bàn tay mảnh khảnh diễn giải tâm tư của mình. Nhìn Đoan xinh xắn, mảnh mai nhưng vẫn toát lên vẻ kiên định, rắn rỏi mới thấy vì sao cô gái này lại dễ dàng bước vào vòng chung kết cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” .

Không khuyết những giấc mơ

Không ít những bạn trẻ có cơ thể lành lặn, mạnh khỏe, sinh ra trong sung túc, no đủ song lại tự đánh mất ước mơ, hoài bão của mình. Còn Đoan, tuy kém may mắn hơn nhiều người, chưa bao giờ cô từ bỏ những hoài bão đẹp.

“Đoan lớn rồi, Đoan có thể tự lo cho mình, không để bố mẹ bao bọc, giữ gìn mãi. Đoan muốn mở rộng tầm mắt, tự lập cuộc sống” – Đoan nhìn mẹ, những ngón tay trắng trẻo vừa mềm mại vừa dứt khoát, diễn đạt rõ ràng thông điệp của mình.

{keywords}
Thúy Đoan cùng em gái

Không chỉ thể hiện bằng ngôn ngữ, Đoan còn khẳng định tâm nguyện ấy bằng hành động, việc làm. Nhờ có nghề may, Đoan tự lập được về tài chính. Bản tính cẩn thận, những đường kim, mũi chỉ rất đẹp đã khiến những sản phẩm thời trang của em được khách hàng chọn lựa. Những sản phẩm khó nhất, kỳ công nhất, cô chủ hiệu may đều giao cho em bằng sự tin tưởng. Điều đó đã thôi thúc Đoan yêu nghề hơn. Có những ngày ở hiệu may chưa xong việc, em đã tự mua máy may về nhà làm tiếp. Em luôn dành tình yêu, tâm huyết cho những tác phẩm của mình.

“Trước đây gia đình cho Đoan đi học may chỉ vì mong con được giao lưu, được làm việc cho đỡ buồn chán chứ không hề nghĩ bắt con phải đi kiếm tiền. Không ngờ Đoan làm rất tốt. Bao nhiêu tiền kiếm được, cháu đều đưa cho mẹ. Chi tiêu cho riêng mình rất vừa phải. Đoan còn tiết kiệm được tiền tự mua xe máy. Ngày đi làm, tối đến bắt xe buýt đi sinh hoạt trong câu lạc bộ người khuyết tật…” – mẹ Đoan tự hào cho biết.

Cuộc sống của Đoan dường như lúc nào cũng tất bật. Em dùng sự bận rộn ấy của mình để an ủi bố mẹ và để âm thầm thực hiện mơ ước trở thành một giáo viên dạy kí hiệu miễn phí cho trẻ em từ 1 đến 6 tuổi và mở một hiệu may dạy nghề cho người đồng cảnh ngộ.

Cuộc đời không lấy đi của ai tất cả mọi thứ. Lấy đi của Đoan âm thanh, tiếng nói, nhưng đời lại cho em một nghị lực sống mãnh liệt, một tâm hồn trong sáng. Và Đoan gửi lại cuộc đời một tâm nguyện rất đỗi giản dị mà đẹp đẽ như em tâm sự: “Em chỉ mong có một cuộc sống vừa đủ, bố mẹ luôn mạnh khỏe và em có thể thực hiện được ước mơ của mình, có thể kết nối, hỗ trợ cho bạn bè cùng hoàn cảnh như em”

Dịu Anh