Công nghệ thường bị đổ lỗi đã khiến nhiều người trong chúng ta thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon giấc vào ban đêm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện, ngay cả những thổ dân không tiếp cận với công nghệ cũng chỉ ngủ khoảng 6,5 tiếng/đêm và họ hiếm khi mắc chứng mất ngủ mạn tính như đa số chúng ta.


{keywords}

Kết quả nghiên cứu mới đã bác bỏ giả thuyết về "giấc ngủ cổ xưa", vốn được là đã bị cuộc sống hiện đại hủy hoại.

Theo báo cáo nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Current Biology, 3 nhóm thổ dân sống theo kiểu săn bắt - hái lượm cổ xưa và không chịu bất kỳ tác động nào của cuộc sống hiện đại ở các khu vực khác nhau trên thế giới, không hề ngủ nhiều hơn chúng ta.

"Giấc ngủ ngắn ở những dân tộc này đã đi ngược lại quan điểm thịnh hành lâu nay rằng, giấc ngủ đã bị cắt giảm đáng kể trong thế giới hiện đại. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác thực ý kiến cho rằng, chúng ta cần các viên thuốc ngủ vì giấc ngủ đã bị suy giảm so với 'mức tự nhiên' khi việc sử dụng điện, ti vi, Internet và nhiều thứ khác trở nên phổ biến", nhà nghiên cứu Jerome Siegel đến từ Đại học California (Mỹ), nhấn mạnh.

Để tìm hiểu xem con người đã ngủ như thế nào trước kỷ nguyên hiện đại, ông Siegel và các đồng nghiệp đã nghiên cứu 3 xã hội săn bắn - hái lượm truyền thống gồm tộc người Hadza của Tanzania, tộc người San của Namibia và tộc người Tsimane của Bolivia.

Nhóm nghiên cứu đã ghi lại mọi thói quen ngủ của 94 cá nhân thuộc các bộ tộc thổ dân nói trên suốt ngày đêm, trong tổng cộng 1.165 ngày. Những gì họ phát hiện là sự giống nhau đến kinh ngạc giữa cả 3 tộc người này.

Cụ thể là, bất chấp các khác biệt về đặc điểm di truyền, lịch sử và môi trường sống, cả 3 nhóm đối tượng nghiên cứu đều cho thấy cùng một kiểu tổ chức ngủ như nhau, với thời gian ngủ trung bình từ 5,7 - 7,1 tiếng/đêm, tương đương với lượng thời gian được coi là ngủ ít trong các xã hội công nghiệp.

Nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận, vào mùa đông, các thổ dân ngủ nhiều hơn 1 tiếng đồng hồ so với vào mùa hè. Nhìn chung, họ thức thêm hơn 3 tiếng đồng hồ sau khi mặt trời lặn và thức dậy trước bình minh. Dường như, thời gian ngủ của họ có liên quan đến nhiệt độ nhiều hơn ánh sáng.

Tuy nhiên, có một thứ quan trọng mà các thổ dân không giống chúng ta là, rất hiếm người trong số họ bị mắc chứng mất ngủ mạn tính. Theo các nhà nghiên cứu, điều đó làm nảy ra một khả năng thú vị: bắt chước các khía cạnh của môi trường tự nhiên mà các nhóm thổ dân đang trải qua có thể giúp điều trị các rối loạn giấc ngủ nhất định thời hiện điện, đặc biệt là chứng mất ngủ đang tấn công hơn 20% dân số Mỹ.

Tuấn Anh (theo Daily Mail)