Để hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất cũng như kết nối tiêu thụ sản phẩm của vùng dân tộc thiểu số, tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp để kết nối cung cầu, mở rộng thị trường và đầu ra cho các sản phẩm. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thực hiện chương trình này, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Lào Cai tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ. Mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Lào Cai đạt trên 35 triệu đồng/người/năm, phấn đấu đến năm 2050 đạt trên 85 triệu đồng/người/năm.
Để đạt được kết quả này, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã chú trọng việc xây dựng, phát triển các loại hình kinh tế tập thể để thực hiện các loại hình liên kết trong sản xuất hàng hóa cũng được quan tâm. Hiện trên địa huyện có 16 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thành lập được 124 tổ hợp tác.
Đồng thời tỉnh cũng tích cực triển khai các giải pháp kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa có thế mạnh. Đồng thời, tích cực kết nối giữa doanh nghiệp với các vùng trồng nông sản để đẩy mạnh tiêu thụ. Tới nay, Lào Cai đã kết nối để ký kết hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm giữa Công ty Quế hồi Việt Nam VINASAMEX với UBND huyện Bảo Thắng; giữa Công ty TNHH Một thành viên Musa Pacta với Hợp tác xã sợi chuối và dịch vụ nông nghiệp Bảo Thắng, giữa Hợp tác xã Tâm Hợi với Công ty TNHH một thành viên Sản vật nhiệt đới Việt Nam…
Bên cạnh đó, tỉnh khởi công xây dựng các nhà máy chế biến nông sản để gia tăng giá trị. Từ đầu năm đến nay, đã có thêm 1.635 ha quế được trồng mới. Nhà máy sản xuất, chế biến quế hữu cơ do Công ty Quế Hồi Việt Nam VINASAMEX làm chủ đầu tư đã được khởi công xây dung trên diện tích 10 ha tại thôn Cốc Sâm, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng. Nhà máy có công suất chế biến 10.000 – 15.000 tấn quế tươi/năm; chiết suất tinh dầu quế đạt 50.000 lít/năm với tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Dự kiến quý III năm 2024, Nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động, sẽ tạo việc làm ổn định cho 250 lao động địa phương.
Là 1 trong 8 vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu trong cả nước, tỉnh đã sớm hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại huyện Bắc hà: Chuỗi sản xuất, chế biến chè Shan hữu cơ tại xã Bản Liền, xã Tả Củ Tỷ với Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà; chuỗi sản xuất quế tại các xã: Bảo Nhai, Nậm Đét, Cốc Lầu, Nậm Lúc, Bản Cái, Cốc Ly với Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà; chuỗi sản xuất quế hữu cơ giữa Hợp tác xã quế hữu cơ Nậm Đét và 150 hộ, liên kết sản xuất 1.200 ha quế; chuỗi liên kết cây ăn quả ôn đới giữa nông dân và Hợp tác xã cộng đồng Tả Van Chư,… Đây là giải pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương có thế mạnh.
Ngoài ra, các sản phẩm nông sản của tỉnh Lào Cai đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử và người dân được các tỉnh, thành phố trong cả nước hỗ trợ tiêu thụ rất nhiều như gạo Séng cù, tinh bột nghệ, tương ớt Mường Khương, miến đao Thành Sơn, mận Tam hoa Bắc Hà,… Việc kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số rất cần thiết và thiết thực.
Tuy nhiên, để giải quyết bài toán về tiêu thụ nông sản cho nông dân, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, cần sớm phối hợp triển khai công tác đào tạo, hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp từ cách thức nuôi trồng để tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng đến việc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, internet, nền tảng thương mại điện tử... để người dân sớm làm chủ được hình thức bán hàng mới trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.