- Số trẻ em chủ yếu là người dân tộc ở miền Bắc được trinh sát Bộ Công an phối hợp với chính quyền Q.Tân Phú, TP.HCM giải cứu vào trưa 12/11 tại 1 cơ sở may ở địa phương này.
Theo đó, qua thời gian dài điều tra, 12h30 trưa 12/11 các trinh sát thuộc Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C45) Bộ Công an phối hợp cùng công an Q.Tân Phú, công an P.Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú) và Phòng LĐ-TB&XH Q.Tân Phú đã ập vào kiểm tra hành chính đối với 2 căn nhà vốn là cơ sở may ở hẻm số 91 đường Trần Tấn thuộc KP.7, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú.
Tại đây cơ quan chức năng đã phát hiện và giải cứu 20 trẻ em đang lao động.
Những bé gái được giải cứu từ cơ sở may ở Q.Tân Phú, TP.HCM vào chiều 12/11 |
Ngay sau đó số trẻ em này cùng với chủ cơ sơ may, tên Túy đã được đưa về trụ sở công an P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú để làm rõ vụ việc.
Qua công tác điều tra sơ bộ, công an xác định 20 trẻ em được giải cứu vốn là người dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên. Các em được đưa vào TP.HCM và làm công nhân tại cơ sở của ông Túy hơn 2 năm nay.
Các em khai báo, mỗi ngày làm việc khoảng 10 - 12 tiếng, ăn uống rất kham khổ…
Công tác điều tra cũng xác định, người của chủ cơ sở may nói trên đã ra tận tỉnh Điện Biên để “săn” nhân công. Khi tiếp xúc với gia đình các em, những người này dụ dỗ cho con em vào TP.HCM làm việc, đồng thời ứng trước tiền lương cho gia đình từ 1 - 3 triệu đồng/trường hợp.
Các em nhỏ được bố trí ở 1 khách sạn để chờ làm rõ vụ việc rồi sẽ được chuyển về quê |
Vào làm tại cơ sở may của ông Túy các em được trả mức lương rẻ mạt. Tuy nhiên, chủ cơ sở đều giữ lại, chỉ trả theo năm hoặc là khi các em có nhu cầu về quê.
Chiều 12/11, sau khi làm việc xong, các cơ quan chức năng đã di chuyển số trẻ em nói trên ra khỏi cơ sở may và ở tạm nơi khác để chờ làm rõ vụ việc.
Hiện Bộ Công an đang phối hợp với chính quyền địa phương để điều tra, làm rõ về hành vi vi phạm luật lao động và sử dụng lao động trẻ em đối với chủ cơ sở may này.
• Đàm Đệ