Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bệnh nhân đặc biệt này là cô gái 24 tuổi đến từ tỉnh Lâm Đồng.
Hai năm trước, sau khi sinh con, chị mệt mỏi và lâm râm đau vùng bụng dưới. Theo thời gian, bụng ngày càng lớn nên chị lên TP.HCM khám bệnh. Tại một bệnh viện, chị được phẫu thuật lấy một phần khối u và hóa trị khoảng 10 lần.
Năm 2021, vì dịch bệnh và kinh tế khó khăn, bệnh nhân không tiếp tục điều trị mà chuyển sang thuốc nam, thuốc bắc không rõ loại. Bụng cứ thế to dần như mang bầu 9 tháng. Nghiêm trọng hơn, khối bướu thoát ra khỏi thành bụng ở vị trí vết mổ cũ, khiến chị phải quấn vải nhiều lớp mới đi lại được. Gia đình đã tính đến chuyện lo hậu sự vì sức khỏe chị ngày càng yếu.
Tháng 4/2022, bệnh nhân đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cầu cứu bác sĩ như cơ hội cuối cùng.
“Sau khi kiểm tra, khám rất kỹ và chụp MRI, chúng tôi đã tìm ra một “kẽ hở” để có thể lấy được khối bướu khổng lồ cho bệnh nhân”, bác sĩ Tiến cho biết.
Ngày 8/4, ca phẫu thuật căng thẳng kéo dài 6 tiếng với các bác sĩ giỏi nhất của Khoa Ngoại 1. “Có thời điểm rất khó khăn vì khối bướu xâm lấn và chảy máu ồ ạt do dính các tạng gan lách, mạch máu lớn. Tuy nhiên ê-kíp đã lấy hoàn toàn khối bướu, phải truyền trên 1 lít máu và cắt đoạn ruột, cắt phần gan xâm lấn”.
Theo bác sĩ Tiến, với khối lượng 20kg, đây là khối u buồng trứng lớn và phức tạp nhất được phẫu thuật thành công tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM từ trước đến nay.
Điểm may mắn, đây là khối bướu không trưởng thành ác tính do đó bệnh nhân có khả năng khỏi bệnh hoàn toàn sau thời gian điều trị.
Trước đó, Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cũng đã phẫu thuật cho một trường hợp 19 tuổi, mang khổi bướu và dịch lên đến hơn 40kg.
Linh Giao