- Suốt trong quý 2, những thông tin về giải cứu doanh nghiệp (DN) được bàn thảo và quyết định bằng những giải pháp, gói hỗ trợ, thậm chí là những đề án cụ thể. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều DN vẫn phải dài cổ chờ chính sách triển khai. Nhiều DN ngán ngẩm tự hỏi, phải chăng đó là “đòn gió” để trấn an DN trong thời kỳ bức bách.


Chờ hỗ trợ, cá tra chết cạn

Hơn 2 tháng trước, các DN và nông dân cá tra như cởi được tấm lòng khi Thủ tướng Chính phủ thông qua gói hỗ trợ 9000 tỷ đồng. Đó như một thông tin làm sống lại cả ngành nuôi trồng và xuất khẩu quan trọng đang trong cơn quẫn bách.

Số 9000 tỷ đồng quả là rất lớn. Dù nó chưa thể giải quyết được hết khó khăn của các DN và hộ nuôi cá tra nhưng thực sự là một nguồn lực không phải ai cũng có được. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề khác phải ganh tị với cá tra.

Thế nhưng, thông tin này thực sự đã mang đến nhiều hi vọng ở thời điểm công bố thì đến nay lại gây thất vọng hoàn toàn về tiến độ giải ngân.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện vẫn chưa có một đồng nào trong gói hỗ trợ này được giải ngân. Trong khi đó, DN sản xuất cá tra vẫn đang vùng vẫy trong “ao cạn” bởi sức ép từ giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Như vậy, yêu cầu của Chính phủ đối với Bộ NN-PTNT khảo sát để xây dựng phương án giải ngân gói hỗ trợ này vẫn đang còn nằm trên giấy.

Hiện nay, thị trường xuất khẩu cá tra không ổn định, đặc biệt là thị trường chính châu Âu. Việc không tăng nhu cầu, sản lượng lẫn giá cả do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế khiến việc xuất khẩu cá tra trở nên phập phù và suy giảm lợi nhuận. Để đối phó, các DN tập trung củng cố thị trường nhằm đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu những tháng cuối năm. Tuy nhiên, nguồn vốn thiếu trầm trọng đã khiến nhiều DN không dễ làm điều mong muốn đơn giản là kéo dài sự sống, chống phá sản.

Các DN và nông dân nuôi cá tra đang trông chờ gói hỗ trợ 9000 tỷ đồng

Ông Mai Đăng Hòa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy hải sản Sài Gòn - Mê Kông thừa nhận: “Hầu hết các DN đang khát vốn như “khát nước”. Thiếu vốn khiến các DN không thể mua cá nguyên liệu dẫn đến bị động trong chế biến và xuất khẩu. Nhiều tháng nay DN đang chờ gói 9.000 tỷ đồng mà Chính phủ đã thông qua hỗ trợ “cứu cá tra”. Tuy vậy, sau nhiều lần hi vọng thì đến nay DN đang mất dần kiên nhẫn”.

Ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Bình Minh, ngán ngẩm: “Có thông tin vào tháng 10, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại sẽ soạn thảo xong văn bản về gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng cho ngành chăn nuôi, thủy sản cùng hướng bù lỗ cụ thể. Nhưng cũng như nhiều lần trước thì từ văn bản cho tới thực tế vẫn là một khoảng cách xa. Vì vậy, DN đừng chỉ chăm chăm ngồi chờ giải pháp hỗ trợ. DN cần có chiến lược kinh doanh riêng. Khâu nào chưa cần đầu tư thì dừng lại, tự cân đối nguồn cung cầu, nếu nhu cầu giảm thì điều chỉnh nguồn cung cho phù hợp”.

Đồng ý là DN không thể chỉ biết chờ đợi, nhưng nhiều DN bức xúc cho rằng, lúc khó khăn, bí bách, DN mới dám kêu cứu nhưng cách làm quá chậm thế này thì DN chết hết rồi thì hỗ trợ cho ai.

Chờ đến bao giờ…?

Đề án giải cứu DN của Bộ Công Thương có rất nhiều lời hứa xem xét hỗ trợ các DN không chỉ về vốn mà cả việc tiếp cận cơ hội phát triển hay xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua các DN vẫn loay hoay với việc giới thiệu sản phẩm ra sao khi nguồn vốn hạn hẹp mà chi phí tham dự hay tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại vẫn là con số quá lớn.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cho rằng, các DN gỗ cần có cơ chế hỗ trợ về vốn vay để đầu tư công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất và chất lượng. Hiện tại đang có nhiều cơ hội để tận dụng trang thiết bị hiện đại tại các DN đóng cửa ở nước ngoài. Nhiều DN trong ngành cũng đang kiến nghị cần lập được chợ hoặc một vùng kinh doanh đồ gỗ để giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp và cũng tạo động lực xuất khẩu. Nhưng đến nay hầu hết DN đang mất dẫn kiên nhẫn với những lời hứa hỗ trợ.

Hầu hết DN gỗ ở TP.HCM cho rằng vấn đề hiện tại của ngành là cần phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Cùng với đó việc hỗ trợ phần nào kinh phí để các doanh nghiệp trong ngành tham gia hội chợ, triển lãm để giới thiệu và giải quyết hàng tồn kho cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, Hiệp hội cho rằng hoạt động này cho ngành gỗ chưa được quan tâm thỏa đáng.

Năm nay, ngành gỗ không được phê duyệt chương trình Hội chợ tại Las Vegas, Hội chợ High Point tại Mỹ hay việc hỗ trợ phần nào kinh phí tham gia các chương trình khác cũng bị cắt giảm. Tất cả cũng chỉ trông chờ vào Triển lãm Hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ 2012 được tổ chức vào tháng 11 ở trong nước.

Bộ Công Thương đã tiếp nhận 236 đề án xúc tiến thương mại quốc gia của 64 đơn vị chủ trì, với tổng kinh phí đề xuất là 319 tỷ đồng. Tuy vậy, theo con số từ Vụ Xuất nhập khẩu đưa ra cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2012 chỉ được bố trí 45,9 tỷ đồng, bằng 83% so với năm 2011, 38,2% so với năm 2010 và 24,5% so với năm 2009. Với kinh phí bị cắt giảm lớn như vậy, sẽ rất khó khăn cho việc triển khai các hoạt động này.

Đến nay, DN dường như đã kiệt sức vì khó khăn, những hy vọng cuối cùng về hỗ trợ lại khiến họ mệt mỏi thêm với những lời hứa hẹn đồng hành giải quyết khó khăn, hay giải ngân gói cứu trợ, trong khi đề án giải cứu DN chưa biết bao giờ mới triển khai. Mong mỏi của doanh nghiệp lúc này là Chính phủ và các bộ, ngành hãy tích cực giúp những ngành hàng còn có khả năng sản xuất, kinh doanh trong nước và xuất khẩu nắm giữ những cơ hội thị trường có thể khai thác được.

Từ câu chuyện gói hỗ trợ 9000 tỷ đồng giải cứu cá tra thì đến nay đã thấy rõ các đề án, chính sách chưa thực sự có tác động cụ thể.

 Trong khi các “ưu đãi” chưa nhìn thấy đâu thì các doanh nghiệp đã bị giội những “gáo nước lạnh” như giá điện, xăng tăng... Sự chậm trễ và thiếu đồng bộ có thể triệt tiêu lẫn nhau trong hiệu lực của chính sách và nỗ lực giải cứu DN.

Nam Phong