Các nhà khoa học nhận thấy những con robot tí hon hoàn toàn có khả năng tìm được đường ra khỏi mê cung, mà không cần biết đến tổng sơ đồ là gì. Điều này đã giúp họ hiểu được một khả năng đặc biệt của loài kiến.

Nghiên cứu được các chuyên gia Pháp thuộc Trường ĐH Paul Sabatier tiến hành và đăng trên Tạp chí PLoS Computational Biology.

{keywords}
Các nhà khoa học đã lý giải được khả năng tìm đường kỳ lạ của loài kiến.

Ai cũng biết rằng những con kiến nhỏ li ti có thể định hướng trong một hệ thống ba chiều chằng chịt để tự tìm đường về tổ. Đương nhiên, chúng chẳng cần phải có kiến thức cao siêu nào về hình học hay vận trù học. Phải chăng chỉ đường cho chúng là một chất mùi đặc biệt gọi là pheromon cộng với một số thói quen để tránh những chướng ngại vật giữa đường.

Để kiểm tra giả thuyết này, các tác giả thiết kế những con robot đặc biệt tự di chuyển trên hai bánh xe. Đi lại một cách ngẫu nhiên trong không gian, các con robot ấy có khả năng điều chỉnh hướng di chuyển nhờ vào sự va chạm với những chướng ngại vật và tín hiệu ánh sáng do các robot khác phát ra.

Sau đó, họ thả những robot vào một mê cung ngoắt ngoéo và quan sát xem chúng tự tìm đường như thế nào dưới sự hướng dẫn của ánh sáng (thay vì mùi ở loài kiến). Kết quả là dường như ngay lập tức, chúng tìm ra con đường hợp lý nhất do các “dấu vết” ánh sáng để lại.

Từ thí nghiệm đó, các nhà khoa học kết luận rằng đó chính là cách tìm đường về tổ của kiến.
Các tác giả của công trình nghiên cứu hy vọng những kết quả họ rút ra được rất có ích  cho việc thiết kế những hệ thống giao thông vận tải thế hệ mới.

Các hệ thống đó có thể được sử dụng ngay mà những người tham gia giao thông chẳng cần phải biết đến tổng sơ đồ.  Để tìm ra con đường ngắn nhất, người lái xe chỉ cần tập trung chú ý đến những tín hiệu đánh dấu đơn giản.

Bảo Châu (Theo infox.ru)