Việc chụp ảnh các món ăn, đồ uống trước khi nhấm nháp chúng và cho đăng tải trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram ... hiện đã trở thành thói quen, thậm chí "nghi lễ" hàng ngày của nhiều người. Theo nghiên cứu mới, sở thích này sẽ giúp đối tượng cải thiện đáng kể cảm nhận về những thực phẩm ấy.

{keywords}

Các nhà nghiên cứu đến từ Trường quản lý Carlson, Đại học Minnesota (Mỹ) phát hiện, việc thực hiện bất kỳ "nghi lễ" nào, kể cả nâng cốc chúc mừng, sẽ giúp món ăn hay thực phẩm có hương vị thơm ngon hơn.

Theo họ, chụp một tấm ảnh trước khi "đánh chén" sẽ tạo hứng khởi cho bạn và kích thích các giác quan. Ở mức độ nào đó, người chụp ảnh thực phẩm sẽ cảm nhận được sự khác biệt, tạo động lực để họ tiếp tục việc làm này.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành 4 thí nghiệm khác nhau nhằm tìm hiểu xem, các "nghi lễ" đôi khi có vẻ khôi hài trước khi ăn hoặc uống thứ gì đó sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cảm nhận hương vị của chúng.

Trong thí nghiệm đầu tiên, một số người tình nguyện nhận được yêu cầu ăn một thanh kẹo sôcôla với hướng dẫn: "Không bóc vỏ toàn bộ thanh sôcôla và bẻ đôi nó. Bóc vỏ một nửa và ăn hết. Sau đó mới bóc vỏ nửa còn lại để ăn". Tuy nhiên, những người tình nguyện khác đơn giản được yêu cầu thư giãn một lúc và ăn kẹo sôcôla bất kỳ khi nào họ muốn.

Kết quả cho thấy, những người thực hiện "nghi lễ" theo chỉ dẫn, đánh giá thanh kẹo sôcôla thơm ngon hơn và sẵn sàng trả thêm tiền cho nó so với nhóm còn lại.

Thí nghiệm thứ hai tái khẳng định kết quả của thí nghiệm đầu tiên, khi cho thấy các hành động bất chợt không nâng cao trải nghiệm ăn uống. Trong 2 thí nghiệm cuối cùng, nhóm nghiên cứu nhận thấy, sự trực tiếp tham gia của cá nhân vào một "nghi lễ" nào đó có tầm quan trọng bậc nhất, vì việc chứng kiến ai đó pha chế nước chanh một cách có phương pháp không làm món đồ uống này có hương vị thơm ngon hơn.

Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu còn khám phá ra rằng, "sự hứng thú từ bên trong", nguyên nhân khiến mọi người bị cuốn hút vào những "nghi lễ" của họ, tạo ra những hiệu ứng tích cực của quá trình ấy đối với trải nghiệm món ăn.

Mặc dù các "nghi lễ" như trên thường diễn ra trước bữa ăn, nhưng các nhà nghiên cứu nhận định, chúng có thể phát huy tác dụng trong những tình huống khác. Họ đang nghĩ đến việc yêu cầu các bệnh nhân tham gia nghi lễ nào đó trước một cuộc phẫu thuật và sau đó đo lường cơn đau cũng như tốc độ phục hồi tổn thương của những người này hậu phẫu.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)