Michael Shell, nhà kinh tế học của Văn phòng Giao thông và Chất lượng Không khí (OTAQ) thuộc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, ngày 26/4 đã tới dự và phát biểu tại Tọa đàm nhân Tuần lễ Nâng cao nhận thức về Chất lượng không khí do Đại sứ quán Mỹ tổ chức.

Theo ông Shell, việc người dân sử dụng quá nhiều xe máy, thay vì phương tiện giao thông công cộng, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tắc đường và gây ô nhiễm không khí hiện nay. Chuyên gia Mỹ cũng đề cập tới việc tại Việt Nam đã có một số đề xuất cấm xe máy lưu thông để giảm thiểu tắc đường và nâng cao chất lượng không khí.

{keywords}
Nhà kinh tế Michael Shell diễn thuyết tại Tọa đàm nhân Tuần lễ Nâng cao nhận thức về Chất lượng không khí ngày 26/4. (Ảnh: Thành Đạt)

Ông Shell nhận định lý do xe máy được sử dụng nhiều tại Việt Nam vì đây là phương tiện được vận hành đơn giản, nhanh chóng và dễ luồn lách. Theo ông, trên thực tế, đi xe máy hiệu quả hơn về mặt không gian vì nếu trên cùng một đoạn đường, tất cả những người đi xe máy chuyển sang đi ô tô thì diện tích mặt đường bị sử dụng sẽ lớn hơn rất nhiều.

Chuyên gia Mỹ đặt câu hỏi: Vậy nếu cấm xem máy thì người dân sẽ sử dụng phương tiện gì?

Theo ông Shell, trong trường hợp của Việt Nam, người dân ngày càng có xu hướng sử dụng ô tô nhiều hơn. Ông Shell dẫn con số thống kê cho thấy trong số 1.000 người dân Việt Nam, hiện mới chỉ 23 người có ô tô, trong khi đó tại Mỹ cứ 1000 người thì sẽ có 790 có ô tô. Tuy nhiên, con số này tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên trong tương lai.

“Kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, tăng trưởng 7%/năm, đời sống người dân ngày càng nâng cao dẫn tới nhu cầu mua sắm nhiều hơn. Việc người dân có mong muốn mua ô tô nhiều hơn sẽ tạo áp lực lớn hơn đối với môi trường”, ông Shell cho biết.

Chuyên gia Mỹ nói rằng, một bài toán đặt ra cho Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác là làm sao để vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ được môi trường và đảm bảo sức khỏe của người dân.

Ông Shell đề cập tới chiến lược “kiềng 3 chân” để giải quyết vấn đề sử dụng phương tiện giao thông hiện nay.

Trụ cột thứ nhất: Nhiên liệu sạch hơn. Theo đó, các phương tiện có thể sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường trong quá trình đốt cháy, từ đó giảm phát thải khí CO2.

Trụ cột thứ hai: Công nghệ mới. Theo đó, các phương tiện sẽ sử dụng động cơ tiết kiệm nhiên liệu. Tại Mỹ, nước này đã tăng tiêu chuẩn đối với động cơ xe cơ giới và yêu cầu bất kỳ xe nào lưu thông trên đường cũng phải đạt yêu cầu về phát thải khí CO2.

Trụ cột thứ ba: Hành vi của người tham gia giao thông. Để thay đổi hành vi, cách hiệu quả nhất là khuyến khích hành vi tốt bằng cách tạo điều kiện làm cho nó dễ dàng thực hiện hơn, đồng thời hạn chế hành vi xấu bằng cách làm cho nó khó khăn và đắt đỏ hơn.

{keywords}
Chuyên gia Shell phân tích hình ảnh xe máy dày đặc trên đường phố Việt Nam. (Ảnh: Thành Đạt)

Theo chuyên gia Shell, để người dân Việt Nam có thể thay đổi hành vi sử dụng xe máy thường xuyên khi tham gia giao thông, cần có những loại phương tiện công cộng với giá cả hợp lý và đi lại thuận tiện, chẳng hạn tàu điện ngầm hay xe buýt như các đô thị lớn trên thế giới vẫn đang thực hiện.

“Nếu đưa ra một phương án đi lại đơn giản hơn, dễ dàng hơn, tiết kiệm hơn, người dân sẽ lựa chọn phương án đó. Điều này không chỉ giúp cải thiện kinh tế, giao lưu giữa người dân với nhau mà còn nâng cao chất lượng không khí”, ông Shell nhận định.

Ông Shell lấy dẫn chứng ở thủ đô Washington, sau khi xây dựng tuyến đường riêng và thuận tiện cho xe đạp, đã có rất nhiều người dân chọn phương tiện này để di chuyển. Số người sử dụng xe đạp tại Washington cao nhất so với các đô thị và bang khác tại Mỹ.

Chuyên gia Mỹ cũng đề cập đến giải pháp mà nhiều thành phố trên thế giới đã áp dụng, đó là làm cho các hành vi không được khuyến khích trở nên đắt đỏ hơn.

Tại thủ đô London, Anh, chính quyền quy định các phương tiện đi vào khu vực trung tâm phải là phương tiện công nghệ cao, từ đó hạn chế phát thải khí CO2, nếu không phải trả phí rất đắt. Thủ đô Stockholm, Thụy Điển cũng áp dụng quy định này.

Trong khi đó, thành phố New York, Mỹ áp dụng thu phí tắc đường tại một số khu vực, đặc biệt là những nơi có mật độ giao thông cao vào giờ cao điểm. New York là thành phố duy nhất tại Mỹ áp dụng biện pháp thu phí tắc đường. Theo đó, các phương tiện đi vào khu vực này sẽ phải trả phí cao (11 USD). Mục đích của biện pháp này là không khuyến khích người dân đi các phương tiện vào thành phố giờ cao điểm, thay vào đó phải sử dụng phương tiện công cộng.

Thủ đô Paris, Pháp cũng đang gặp vấn đề về chất lượng không khí với số lượng xe lưu thông lớn. Tương tự một số nước như Colombia, Mexico, Paris cũng áp dụng phương pháp biển chẵn, biển lẻ, trong đó dựa vào số trên biển để cho phép phương tiện đi vào thành phố theo ngày chẵn hay lẻ. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp ngắn hạn vì nếu không có giải pháp toàn diện, có khả năng người dân sẽ mua thêm hai, thậm chí ba xe mới để có cả biển chẵn và biển lẻ do nhu cầu sử dụng vẫn rất lớn.

Chuyên gia Mỹ nhấn mạnh bên cạnh việc hạn chế phương tiện cá nhân, Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng mạng lưới phương tiện công cộng để đảm bảo nhu cầu của người dân.

(Theo Dân trí)