Để thu hút thêm nguồn vốn xã hội hóa, TP.HCM đã đề ra nhiều giải pháp, cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh, tăng cường thu hút vốn thông qua các hình thức đầu tư như PPP, đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước.
Đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM chia sẻ tại Hội nghị kết nối nhà đầu tư với ngân hàng (NH) được tổ chức tại TP.HCM mới đây.
Nhiều khó khăn, vướng mắc trong cho vay vốn
Tính đến tháng 9/2017 TP.HCM có 23 dự án đầu tư theo hình thức PPP đã hoàn tất ký kết hợp đồng với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 71.127 tỷ đồng. 130 dự án khác đang được TP.HCM tiếp tục triển khai với tổng mức đầu tư dự kiến là 395.847 tỷ đồng.
Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư cần đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu khi triển khai thực hiện dự án từ khoảng 15 - 20%, nguồn vốn cần huy động từ các NH, TCTD ước cần khoảng từ 80 - 85% tổng vốn đầu tư dự án.
Ảnh minh họa
Trong khi đó, theo đánh giá chung từ phía NH, TCTD, tài sản đảm bảo dự án chủ yếu là vốn vay dẫn đến khó định giá, mất thanh khoản, tiềm ẩn rủi ro chuyển thành nợ xấu. Các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT thường có vòng đời dự án trung bình khoảng từ 15 - 20 năm, chưa phù hợp với chính sách cho vay thường là vốn ngắn hạn.
Việc thiếu cơ chế giám sát, phối hợp 3 bên giữa Nhà đầu tư, các NH - TCTD và cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến không đảm bảo Bên cho vay kiểm soát được tính xác thực, khả thi trong quá trình vận hành dự án như kiểm soát doanh thu, chi phí, lợi nhuận, nhằm kịp thời đưa ra các phương án điều chỉnh liên quan đến kế hoạch cho vay dự án.
Lãi suất cho vay trung bình đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP từ phía các NH, TCTD cũng cao hơn so với lãi suất vốn vay của Bộ Tài chính, dẫn đến khó khăn cho Nhà đầu tư trong việc xác định phương án tài chính dự án, tính khả thi triển khai dự án.
Giải pháp thu hút vốn thông qua hình thức PPP
Theo đại diện Sở KH&ĐT, để thu hút đầu tư tư nhân trong phát triển hạ tầng đô thị và cung cấp dịch vụ công, cần đẩy mạnh, tăng cường hợp tác 3 bên giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư và các NH, TCTD; xây dựng chính sách phù hợp, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các ngành dịch vụ chủ yếu.
Đại diện Vietcombank, ông Phạm Mạnh Thắng - Phó Tổng Giám đốc (bên trái) ký kết thoả thuận hợp tác toàn diện với Sở KH & ĐT TP.HCM để hỗ trợ thẩm định chuyên sâu về phương án tài chính đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP
Bên cạnh đó, cần tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư theo hình thức PPP bằng nhiều biện pháp.
Vietcombank hiện là NH đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Sở KH&ĐT TP.HCM để hỗ trợ thẩm định chuyên sâu về phương án tài chính đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Theo ông Phạm Mạnh Thắng - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, ngoài vướng mắc về pháp lý do các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hình thức đầu tư PPP hiện chỉ dừng lại ở mức nghị định, các vướng mắc còn lại liên quan đến nguồn vốn và năng lực của chủ đầu tư.
“Để thành công trong các dự án PPP, bên cạnh sự nỗ lực của nhà đầu tư, rất cần sự chung tay tháo gỡ của các cơ quan chức năng để cùng vượt qua khó khăn, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tích cực tham gia các dự án PPP - những lĩnh vực đầy tiềm năng ở Việt Nam”, ông Phạm Mạnh Thắng nhấn mạnh.
Ông Phạm Mạnh Thắng - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank: |
L.H