- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay mục tiêu phải giải quyết dứt điểm trên 90% các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh, tính đến 31/12/2013, cả nước rà soát toàn bộ 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo (KN, TC) và có phương án giải quyết triệt để 475 vụ việc. Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các bộ ngành thành lập 28 tổ công tác phối hợp với UBND 47 tỉnh, thành phố có vụ việc để kiểm tra, rà soát nội dung vụ việc, quá trình giải quyết, làm rõ nguyên nhân và xác định phương án giải quyết dứt điểm.

{keywords}
 Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh

 Đánh giá kết quả, ông Hạnh cho rằng, riêng năm 2013 tỉ lệ vụ việc KN,TC được giải quyết cao hơn so với năm 2012 (đạt 88,8%); việc thi hành quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý TC được quan tâm hơn (đạt 82,69%).

Số vụ việc KN,TC tồn đọng kéo dài là rất lớn (tính đến cuối năm 2012 có khoảng gần 2.000 vụ việc). Nguyên nhân của thực trạng này là gì, thưa ông?

Qua phân tích xử lý đơn thư, có tới 70% - 80% vụ việc KN,TC liên quan đến đất đai, mà trọng tâm là việc thu hồi đất, giao đất, phương án đền bù thiệt hại cho người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi. Thực tế hiện nay, cơ chế, chính sách, pháp luật nói chung và lĩnh vực đất đai nói riêng còn có những điểm bất cập; cơ chế giải quyết KN,TC của công dân còn thiếu đồng bộ, thiếu chế tài xử lý trách nhiệm. Mặc dù chúng ta đã quan tâm, từng bước sửa đổi bổ sung Luật KN và giải quyết KN, Luật TC và giải quyết TC. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm luật chưa phù hợp với thực tiễn phát sinh của xã hội nên chưa điều chỉnh được các nhóm hành vi để có kết luận giải quyết thấu đáo…

Một nguyên nhân quan trọng nữa là công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực ở một số địa phương, bộ, ngành còn yếu kém. Trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ và thiếu khách quan, công tâm trong thực thi công vụ dẫn tới vi phạm chế độ, chính sách, pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và quyền lợi của Nhà nước.

Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người KN còn hạn chế nên tỉ lệ KN,TC sai còn khá nhiều. Có những vụ việc đã được giải quyết nhiều lần, cơ bản là đúng chính sách, pháp luật, bảo đảm có lý, có tình nhưng người KN vẫn không chấp nhận mà cố tình KN kéo dài, thậm chí có những phản ứng tiêu cực, cố chấp, gây rối trật tự hoặc bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, kích động tham gia khiếu kiện đông người, vu khống, hạ thấp uy tín của người giải quyết KN khi nội dung KN không đạt mong muốn.

Hạn chế thấp nhất tỉ lệ dân tiếp khiếu

Ông có thể cho biết thêm các hoạt động triển khai giải quyết?

Giữa tháng 9 năm ngoái, Thanh tra Chính phủ đã có Kế hoạch 2100/KH-TTCP về việc tiếp tục kiểm tra, rà soát và tập trung cao độ để hạn chế đến mức tối đa các tình huống phức tạp phát sinh, góp phần đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Công việc này được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của các cấp, các ngành; phấn đấu hàng năm giải quyết dứt điểm trên 90% các vụ việc KN,TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Quá trình triển khai có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành và các địa phương, thống nhất biện pháp giải quyết. Đồng thời, tăng cường phối hợp các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình giải quyết.

Phương châm là chủ động, nắm chắc tình hình KN,TC, kịp thời giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra phức tạp, đông người ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự xã hội. Tập trung giải quyết các vụ việc KN,TC phát sinh, phấn đấu đạt tỉ lệ trên 85%; chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại, vi phạm trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KN,TC. Nâng cao chất lượng các quyết định, kết luận giải quyết KN,TC; chú trọng việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý TC đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%. Hạn chế thấp nhất tỷ lệ dân tiếp khiếu.

Quá trình thực hiện nếu phát hiện vi phạm pháp luật thì xử lý kịp thời, nghiêm minh, nếu có sai sót, bất hợp lý, thì điều chỉnh sửa đổi hoặc có phương án giải quyết phù hợp...Bên cạnh đó là xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ, công chức có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết KN,TC trong thi hành công vụ không làm đúng chính sách, pháp luật

Điều quan trọng cần chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực dễ phát sinh KN,TC (quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư, xây dựng, quản lý tài sản công, tổ chức cán bộ và an sinh xã hội...) và công khai, minh bạch quá trình xây dựng, ban hành, thực hiện chính sách, pháp luật nhằm hạn chế phát sinh KN,TC.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về KN,TC cũng cần được quan tâm hơn. Chú trọng việc thông tin, tuyên truyền về các vụ việc KN,TC cụ thể, đảm bảo chính xác, khách quan, trung thực; kịp thời phê phán những hành vi vi phạm pháp luật và những biểu hiện lệch lạc trong lĩnh vực KN,TC.

Theo ông, để giải bài toán khiếu nại, tố cáo hiệu quả gì?

Bác Hồ đã nói "đồng bào có oan ức mới KN hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà KN. Ta giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng cho quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn...". Chính vì vậy, người cán bộ của Đảng, của dân phải gần dân hơn, phải đặt lợi ích của người dân như chính quyền lợi của mình. Người cán bộ tiếp dân, giải quyết KN,TC phải thực sự có tâm trong sáng và nhân hậu.

PV