Từ chàng kỹ sư nông nghiệp buôn tiền giả

Về thị trấn Nga Sơn hỏi cái tên Trần Sùng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng hạ tầng Tuấn Thành thì ai cũng biết. Họ biết bởi trước đây anh có một quá khứ “đen tối”, từng là phạm nhân.

Nhưng đến nay anh được biết đến với vai trò giám đốc của một công ty xây dựng và luôn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn...

Sinh năm 1982, nhưng nhìn anh Sùng có vẻ già hơn rất nhiều so với tuổi. Công ty của anh đang hoạt động ở 3 lĩnh vực chính đó là đá mỹ nghệ, xây dựng và bất động sản.

Anh kể, vốn sinh ra trong gia đình nghèo ở vùng quê làm chiếu cói. Lại là anh cả trong gia đình có 4 anh em, nên ngay từ nhỏ đã ý thức được việc phải học để sau này còn giúp đỡ gia đình.

{keywords}
Từ phạm nhân, anh Sùng đã trở thành một giám đốc thành đạt sau khi ra tù và tạo công ăn việc làm cho hơn 50 công nhân

Ngày đang học trung học, Sùng đã bộc lộ rõ là một người chăm ngoan, học giỏi. Ngoài thời gian trên lớp, về nhà Sùng giúp gia đình công việc đồng áng và tham gia các công tác đoàn thể ở địa phương. Chính vì vậy mà mới học lớp 11 anh đã được kết nạp Đảng và trở thành Đảng viên trẻ nhất của xã.

Năm 2003, anh thi đậu vào Trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội. Suốt 4 năm sinh viên, năm nào anh cũng là sinh viên giỏi. Ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp sắp trở thành hiện thực thì cuộc đời Sùng bước sang một ngã rẽ khác. Anh phạm phải một sai lầm “chết người” khi anh nghe bạn bè rủ đi buôn tiền giả. Kết quả Sùng bị tuyên 7 năm tù, thi hành án ở trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình).

“Lúc bị kết án tôi như sụp đổ, những ngày tháng đầu ngồi tù bị sụt hẳn 10kg, nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ chấm rứt từ đây. Nghĩ về các em nhỏ, bố mẹ ở quê khiến tôi càng chán nản, nhiều lúc chỉ muốn tìm đến cái chết…”, anh Sùng nhớ lại.

Khoảng thời gian trong tù, cũng là lúc Sùng nhìn lại bản thân. Mỗi lần bố mẹ từ Thanh Hóa ra Ninh Bình thăm con càng làm cho anh có động lực để sống, để làm lại từ đầu. Bao nhiêu câu hỏi cứ dồn dập khiến bản thân phải suy nghĩ.

{keywords}
Nghề đá mỹ nghệ được anh học từ trong tù

Rồi cơ may đến với Sùng khi trại giam liên kết với một cơ sở làm đá mỹ nghệ ở xã Ninh Khánh cho phạm nhân làm. Sùng như bị cuốn vào công việc này, và tự nhủ mình phải học bằng được cái nghề đá mỹ nghệ để sau này làm “cần câu cơm”. Cứ thế, anh cần mẫn làm, học hỏi…

Đến dạy nghề miễn phí cho những người lầm lỗi

May mắn mỉm cười với Sùng khi vào Tết Nguyên đán năm 2009, lúc đó anh mới thi hành án được 29 tháng 3 ngày thì Chủ tịch nước có quyết định đặc xá cho những người cải tạo tốt.

“Ra tù, tôi còn nhớ như in đại tá Phạm Hữu Học (Giám thị trại) căn dặn, ai cũng có lầm lỗi. Điều quan trọng là phải biết đứng dậy, sửa chữa lỗi lầm và sống lương thiện. Vấp ngã ở đâu thì đứng dậy ở đấy. Hãy dùng nghề đá mỹ nghệ học trong trại để ra kiếm sống, làm lại cuộc đời”, anh Sùng nhớ lại.

Ra tù với hai bàn tay trắng, Sùng đi từ Bắc tới Nam làm thuê, nhưng mang tiếng là thằng tù nên anh luôn bị kỳ thị. Chán nản, Sùng quay về quê. Nhớ lại ngày đại tá Học căn rặn “nếu về quê làm nghề mà chưa tự tin, cháu quay lại đây chú sẽ xin cho cháu học thêm nghề này, nếu cháu quyết tâm”.

{keywords}
Anh Sùng được nhiều cơ quan Bộ, ngành, tỉnh tặng bằng khen

Thế là Sùng quyết định quay lại trại giam. Sau mấy tháng học nghề anh đã quay về quê lập nghiệp. Nghề này đòi hỏi phải có vốn, nhưng anh lại chỉ có hai bàn tay trắng. Sẵn có cái xe máy cô em gái nhường cho để lấy phương tiện đi làm, Sùng mang đi cầm cố lấy 10 triệu đồng để mua đá khởi nghiệp.

“Ban đầu tôi phải đi khắp các xóm, làng xem nhà ai làm nhà, làm mộ thì tiếp thị. Với giá nhân công rẻ hơn, tay nghề tốt, sản phẩm đẹp nên hàng đá mỹ nghệ của tôi nhanh chóng chiếm được lòng tin của mọi người”, Sùng kể.

Đến nay xưởng đá mỹ nghệ của anh đã phát triển, duy trì gần chục thợ chính. Thu nhập mỗi thợ được hơn 10 triệu đồng/ tháng.

{keywords}
Anh Sùng đang hướng dẫn công nhân sử dụng máy cắt CNC

Không chỉ phát triển đá mỹ nghệ, anh Sùng còn làm cả nghề xây dựng tạo công ăn việc làm cho gần 50 công nhân, thu nhập 6 đến 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh mở thêm sàn giao dịch bất động sản để kiếm thêm thu nhập.

“Ngoài tạo công ăn việc làm cho hàng chục công nhân địa phương, tôi đã dạy nghề đá mỹ nghệ miễn phí cho 6 người có hoàn cảnh lầm lỗi như tôi mới ra tù, bây giờ những người này đã ổn định và thành đạt.

Từng là phạm nhân, tôi rất hiểu và chia sẻ với những người lầm lỗi. Tôi sẵn sàng đón nhận bất cứ ai mới ra tù có trí hoàn lương muốn học nghề. Tôi sẽ dạy miễn phí cho họ, mong họ sẽ hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế, xã hội”, anh Sùng chia sẻ.

Từ những việc làm nêu trên, anh Sùng đã được nhận bằng khen của Bộ Công an, Trung ương Hội Thanh niên Việt Nam và Bằng khen của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Chàng trai 9X mang niềm tự hào Việt Nam đến châu Phi

Chàng trai 9X mang niềm tự hào Việt Nam đến châu Phi

Từ một thanh niên làm nghề xây dựng, Linh đã “vẽ” nên một câu chuyện đẹp trên mảnh đất khô cằn tại châu Phi.

Lê Dương