|
Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp. Ảnh: Văn Chung |
Hơn nữa, trong quá trình chấm thi, nhiều giáo viên khẳng định với báo Thanh Niên rằng họ chỉ chấm theo bản hướng dẫn chứ không chấm theo đáp án của Bộ. Thầy L. một giáo viên văn ở tỉnh Sóc Trăng cho biết, trước khi chấm thi, các giáo viên được tổ trưởng tổ chấm thi của tỉnh đọc hướng dẫn để các thầy cô ghi vào sổ và không giao biên bản.
"Bản hướng dẫn của 11 tỉnh trong khu vực đã thống nhất thì quá thoáng, mở hết cỡ. Biên bản chấm thi môn văn còn lưu ý: “Học sinh nêu dư ý trong bài làm không trừ điểm, không tính lỗi chính tả, không yêu cầu viết thành đoạn văn”. Chính sự nới lỏng này mà nhiều thí sinh dù bài làm có qua loa cũng đạt từ 7 - 8 điểm”- một giáo viên khác trao đổi với báo Thanh Niên.
Trên báo Tuổi Trẻ, một số giáo viên còn phản ánh, kiểu 'gắp chữ' cho điểm này còn tệ đến mức, học sinh viết rất lan man nhưng chỉ cần có vài câu chữ liên quan trong đáp án cũng cho điểm.
Cô Bùi Thị Hòa, tổ trưởng bộ môn văn Trường THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (Kiên Giang) phân tích: "Trong đề thi môn văn, ở câu 2 điểm, hướng dẫn của bộ yêu cầu thí sinh phải nêu được hai ý chính nhưng khi chấm phải chấm theo hướng mở, tức là thí sinh viết cái gì cũng có điểm. Đáp án của bộ yêu cầu phải trình bày đủ ý thì được tròn điểm, còn đáp án của ĐBSCL thiếu ý vẫn cho điểm tối đa nếu không sai kiến thức. Chẳng hạn ý 1 có hình ảnh người đàn bà thì cứ hễ có người đàn bà là cho điểm mà không kể người đàn bà đó là người đàn bà như thế nào. Vậy là sai so với đáp án."
Với môn Toán, thầy T. giáo viên toán một trường THPT tại huyện Đầm Dơi (Cà Mau) cũng cho biết, có những ý thí sinh làm sai kết quả nhưng quá trình làm đúng vẫn được các giám khảo cho phân nửa số điểm, trong khi đáp án của bộ chỉ nêu ý kết quả để cho điểm mà không có điểm cho quá trình làm.
Học sinh "ngã ngửa" vì kết quả
Với cách chấm như trên, nhiều học sinh của 11 tỉnh ĐBSCL phải "ngã ngửa" khi biết kết quả thi tốt nghiệp của mình. Trên báo Thanh Niên, thí sinh Lê Thanh Toàn (Cà Mau) cho biết: “Thi xong, em cũng không tự tin là mình đậu tốt nghiệp, chứ đừng nói với số điểm 38."
Thông tin trên Tuổi Trẻ cũng cho thấy, kết quả từ trên trời rơi xuống cũng xảy ra tại Kiên Giang, đúng lớp của cô Bùi Thị Hòa khi một học sinh thi Quốc gia của cô tự thú : So với đáp án của bộ em làm lạc đề câu 3 điểm, còn phần phân tích câu 2 điểm thì nêu không đủ ý nên nghĩ bài làm của mình không được 6 điểm, nhưng kết quả đạt 8,5 điểm. Nhiều học sinh khác của cô cũng bật ngửa khi thấy mình được những 7 điểm, trong khi sau lúc làm bài xong, đối chiếu đáp án của bộ, các em nghĩ mình chỉ được 3 điểm.
Một cô giáo khác đi chấm thi cũng buồn bã, thất vọng chia sẻ với báo Thanh Niên: Với hướng dẫn chấm thi môn văn của 11 tỉnh ĐBSCL, thí sinh chỉ cần có viết chữ là có điểm. Môn văn mà điểm 8, điểm 9 đầy cả ra. Nhìn kết quả điểm thi của lớp tôi dạy, tôi thấy nhiều em đậu... oan”.
Vì vậy sau khi sự việc ở 11 tỉnh ĐBSCL được phản ánh, nhiều phụ huynh, học sinh dở khóc dở cười, đứng ngồi không yên vì kỳ thi ĐH đã gần kề. Chị Nguyễn Anh Thư, một phụ huynh ở Cà Mau bày tỏ sự lo lắng với báo này không biết có chuyện chấm thi lại hay không. Trong khi ngày thi ĐH cũng gần kề. Con tôi đang đi ôn thi ở Cần Thơ, điện thoại về cháu rất lo lắng, bởi môn văn và toán cháu làm không được tốt lắm”.
Em Lê Thanh Toàn (Cà Mau), một thí sinh tự nhận mình làm bài không được tốt lắm cũng mếu máo: "Giờ mà chấm lại, thì đúng là “bi kịch” cho em, mà ngày thi đại học lại sắp đến. Bạn bè em đứa nào cũng đang lo lắng, có hay không chuyện chấm thi lại”.
Hôm nay, 21/6 là hạn cuối để các tỉnh ĐBSCL báo cáo về Bộ GD-ĐT về sự việc thống nhất chấm thi này.
Phụ huynh, học sinh như ngồi trên đống lửa vì chỉ còn hai tuần nữa là kỳ thi ĐH sẽ bắt đầu.
Có hay không việc chấm lại, kết quả những bài thi chấm theo kiểu lạ đời như thế này sẽ được xử lý như thế nào đang là nỗi băn khoăn của tất cả các em và tất cả những băn khoăn này chưa có một câu trả lời rõ ràng, ổn thỏa.
Thời gian diễn ra kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã rất gần. Liệu với cách xử lý như hiện nay, các thí sinh có bị thiệt thòi gì không? Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT: Kết luận ngay bây giờ thì có thể nói là rất vội vàng. Không thể bảo hội đồng thi sai, cũng không thể bảo giám khảo sai. Như tôi đã nói, xử lý vụ việc này gồm có mấy bước, đầu tiên là thu thập thông tin, bộ đã yêu cầu các sở báo cáo rồi; sau đó là kiểm tra xác minh, phân tích, đánh giá rồi đi đến kết luận. Bây giờ mới đang ở bước đầu tiên là thu thập thông tin nhưng có thể nói bộ đang rất khẩn trương. Khi sự việc chưa được kết luận thì không nên gây hoang mang, nghi ngờ. Từ khi tiến hành chấm chéo thì năm nào khu vực ĐBSCL cũng có “vấn đề”. Có hướng giải quyết nào cho khu vực này không? Ông Bùi Anh Tuấn: Sẽ không có giải pháp riêng cho khu vực này. Đổi mới phương pháp thi cử và đánh giá là cả một quá trình lâu dài. Chủ trương thi và học, học và thi đang làm từng bước một, làm sao thi tác động tốt tới việc học, học tác động đến thi. |
- Nguyễn Hường (tổng hợp từ các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động)