– Ông Dương Trung Quốc – Trưởng BGK cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 vừa tiết lộ thước đo để chọn ra người chiến thắng cuộc thi, cũng như cho biết ông đã chọn ra được những ứng cử viên sáng giá cho riêng mình.
Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 đã gần kề, khán giả đã bắt đầu chọn ra những gương mặt yêu thích cho riêng mình và các thí sinh cùng BTC đều đang cố gắng chuẩn bị mọi thứ tốt nhất cho đêm đăng quang.
VietNamNet đã có buổi phỏng vấn với ông Dương Trung Quốc – Trưởng BGK cuộc thi Hoa hậu Việt Nam để trao đổi thêm về cuộc thi cũng như những ứng cử viên sáng giá ở thời điểm hiện tại.
Ông có thể cho biết về vai trò trưởng Ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 và quá trình chấm điểm của BGK là độc lập hay có hội ý, bàn bạc với nhau?
Tôi có tham gia làm giám khảo ở một số cuộc thi sắc đẹp khác, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tham gia chấm điểm ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Vì thế, tôi xem đây là một vinh dự nhưng cũng là một trách nhiệm rất lớn vì mối quan tâm của xã hội sẽ tỉ lệ thuận với trách nhiệm.
Về nguyên tắc, khi tham gia tôi đã nói rõ với BTC là phải vừa đảm bảo tính độc lập nhưng đồng thời phải phối hợp hết sức chặt chẽ với nhau. Tính độc lập thể hiện ngay ở BGK, 7 thành viên là 7 con người độc lập, có những năng lực, chuyên môn khác nhau. Và trách nhiệm lớn nhất của người trưởng ban là tìm được sự đồng thuận, thuyết phục lẫn nhau để có được tiếng nói chung.
Thước đo chung không phải là thước đo của BTC, của BGK mà là thước đo của xã hội. Đó không phải là thước đo đồng thuận giữa các thành viên BGK mà phải là sự đồng thuận của xã hội. Nếu mà sự đồng thuận của BGK càng gần với sự đồng thuận của xã hội ấy chính là thước đo thành công.
Vì thế, BGK luôn luôn lắng nghe, nhưng lắng nghe qua một kênh rất quan trọng chính là kênh của BTC. Chúng tôi luôn tôn trọng những thông tin chính thức và đặt ra những vấn đề cụ thể với BTC. Mối quan hệ giữa BGK với BTC là hết sức chặt chẽ nhưng vẫn giữ được tính độc lập và luôn tôn trọng mối quan hệ này làm nền tảng để đưa ra kết quả cuối cùng.
Hoa hậu Đặng Thu Thảo và nhà sử học Dương Trung Quốc. |
BGK cập nhật thông tin các thí sinh như thế nào khi có nhiều hoạt động mà không có sự tham gia đầy đủ của các thành viên trong BGK trong quá trình vòng chung kết diễn ra?
Vòng chung kết có rất nhiều hoạt động, có những hoạt động bắt buộc BGK phải có mặt đầy đủ nhưng cũng có những hoạt động BGK tiếp xúc với thí sinh hoàn toàn tự nhiên ở khoảng cách gần để có điều kiện hiểu thêm hoặc phát hiện ra các mặt tốt, mặt hạn chế của họ. Cuối cùng BGK phải thống nhất với nhau trên những ý kiến cá nhân độc lập.
Về việc giám khảo vắng mặt ở tất cả các hoạt động tôi cho là không nhiều. Ví dụ như các hoạt động nhân ái, BGK không thể đồng hành cùng tất cả các hoạt động của các thí sinh mà chỉ chấm dựa trên sản phẩm cuối cùng.
BGK cũng chủ động theo dõi, quan sát các thí sinh thường xuyên và khi cần thêm thông tin gì về các thí sinh thì BTC đều rất phối hợp và cung cấp đầy đủ.
Vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm nay có nhiều trường hợp thí sinh bị tố cáo, xin rút lui. Vậy với tư cách là Trưởng BGK, ông có cảm thấy tiếc cho những thí sinh đó hay không?
Đương nhiên chúng tôi cảm thấy rất tiếc và thậm chí nó đã phá vỡ 1 số ý kiến ban đầu của cá nhân tôi cũng như các thành viên còn lại trong BGK.
Tuy nhiên đó cũng là điều tất yếu vì chúng tôi phải cố gắng giữ cho cuộc thi này ‘thật sạch’. Cho nên, quyết định BGK, BTC là không giữ cơ số cứng mà giữ cơ số thực tế nên số lượng thí sinh cuối cùng ít hơn dự kiến ban đầu.
Mỗi cuộc thi đều đặt trong tiến trình của nó và biến đổi theo từng điều kiện thực tế, trước hết là tác động từ xã hội.
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đầu tiên cách đây gần 30 năm diễn ra hết sức phong trào và ‘hồn nhiên’. Giải thưởng rất là khiêm nhường nhưng sự trân trọng thì vẫn còn nguyên vẹn. Cuộc thi ngày càng chuyên nghiệp hơn, vì thế không thể không thừa nhận cuộc sống đặt ra nhiều đòi hỏi hơn, không thể tránh khỏi sự thương mại hóa.
Đó là chưa kể đến yếu tố truyền thông, tất cả các thông tin trong luồng hay ngoài luồng đều quan trọng như nhau cho nên các thông tin đến phần lớn đều bắt đầu từ bên ngoài. Đấy là một diễn đàn mà chúng ta phải lắng nghe, nhưng lắng nghe dựa trên bản lĩnh của mình để có thể chọn lọc những ý kiến giúp cuộc thi phát triển tốt hơn. Cho nên dù số lượng thí sinh rút xuống còn 30 thì tôi cho rằng vẫn chấp nhận được.
Từ khi vòng chung kết diễn ra từ ngày 10/8 tại TP.HCM đến nay, BGK đã có mấy lần họp bàn với nhau về các thí sinh?
Chúng tôi theo dõi thường xuyên các thí sinh, nhưng họp bàn chính thức có mặt đầy đủ BGK thì đã diễn ra lần đầu tại phần thi tài năng
Về việc thâm nhập các thí sinh thì chúng tôi lắng nghe rất nhiều thông tin từ phía BTC, đặc biệt là từ các bạn phụ trách quản lý các thí sinh.
Chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra đêm chung kết nhưng BGK chỉ vừa mới gặp mặt các thí sinh vào ngày hôm qua thì điều đó có gây khó khăn cho BGK trong việc tìm ra những ứng cử viên sáng giá cho ngôi vị Hoa hậu Việt Nam?
Tôi nghĩ rằng không nhất thiết phải ở cùng các bạn ấy suốt ngày, quan trọng là BGK bắt gặp được ở thời điểm nào mà chúng tôi thu thập được thông tin tốt nhất. Vì mỗi cuộc thi đều có thời điểm và nội dung của nó, như ngày 23/8, các thí sinh sẽ có một buổi gặp mặt phỏng vấn với BGK và để mặt mộc để BGK có cái nhìn khách quan hơn về các thí sinh.
Bên cạnh đó, việc BGK đồng hành với thí sinh từ vòng sơ khảo cho đến đêm chung kết thì không thể nói là tiếp xúc quá ít được. Vấn đề là năng lực nhạy cảm của mỗi BGK.
Với kinh nghiệm đã từng chấm thi ở một số cuộc thì sắc đẹp khác thì khi làm giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, có điểm gì đặc biệt mà ông muốn tìm kiếm ở các thí sinh hay không? Và với riêng ông thì một Hoa hậu Việt Nam thì phải như thế nào?
Tôi nghĩ khi chấm hoa hậu thì phải dựa vào quy trình của nó. Ví dụ như khi chấm vòng sơ khảo chỉ có thể chấm dựa trên vẻ đẹp bề ngoài. Khi đến vòng chung kết, BGK có thể nhờ các cơ quan chức năng tìm hiểu thêm nhiều thông tin về các thí sinh, cộng với thời gian BGK tích lũy trong quá trình nhận thức ấy thì nó giúp mỗi giám khảo có thể thực hiện được trách nhiệm của mình dựa trên các căn cứ, cơ sở và dần dần sẽ mất đi yếu tố cảm tính. Nhưng đồng thời, ý kiến mỗi mỗi giám khảo đều cộng lại dựa trên phương thức hoạt động của nó, nhưng dù sao vẫn có thể có những sai lầm, khác biệt đối với quan điểm của nhiều người khác.
Nên tôi cho rằng mỗi cuộc thi ngoài danh hiệu chung của cuộc thi đó thì người ta luôn quan tâm BGK đó là ai, người đó có thể được khen, có thể bị chê là vì kết quả. Thậm chí, đến mỗi công dân đều có quyền có quan điểm khác nhau thì điều đó phải chấp nhận. Nhưng BTC thì phải nhìn nhận những điều đó để giúp cuộc thi ngày càng phát triển.
Trưởng BGK đã chọn ra được một vài gương mặt sáng giá cho riêng mình. |
Hiện nay, với vai trò Trưởng BGK, ông chắc đã có những thí sinh được cho là sáng giá của cuộc thi năm nay rồi chứ?
Đương nhiên, cá nhân tôi và những thành viên BGK đều đã có những ứng cử viên khác nhau và đã có sự trao đổi, hội ý. Nhưng nói chung mỗi người đều giữ cho mình một nhận thức riêng và hi vọng rằng, càng qua các hoạt động thì chúng tôi sẽ tìm thấy được tiếng nói đồng thuận.
Thường ở mỗi cuộc thi sẽ có khoảng 3 thí sinh sáng giá nhất cho ngôi vị Hoa hậu và vòng thi ứng xử, phỏng vấn là cực kỳ quan trọng. Phần thi ấy như giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Giây phút căng thẳng của BGK là những thời khắc cuối cùng. Sau điều đó, dù chỉ có một thời lượng rất ngắn thôi đã tìm ra được hoa hậu. Vì phần thi này có rủi ro rất lớn.
Có thể số đông khán giả khó có thể tiếp xúc được với các thí sinh nhưng phần thi ứng xử thì tất cả mọi người đều nghe được, vì thế nó sẽ làm kết quả cuối cùng phụ thuộc khá nhiều vào phần thi ứng xử. Nên tôi luôn nhắc các thí sinh đừng coi thường phần thi ứng xử. Chỉ cần các bạn lỡ lời một chút hay nói ngọng một từ thôi; trước đó đã có trường hợp này, khi một người mình đặt tin tưởng phút cuối cùng nói ngọng một chữ thôi thì cái phản cảm đó khiến mình không thể cứu vớt được.
Vì thế, nó mới tạo nên sự hồi hộp đến giây phút cuối cùng, không chỉ với người xem mà còn với chính BGK nữa.
Mặc dù không nằm trong thành phần BGK, nhưng Trưởng BTC – ông Lê Xuân Sơn có những tham mưu cũng như thông tin đầy đủ đến BGK cuộc thi năm nay phải không?
Tôi làm việc với ông Lê Xuân Sơn là lần đầu tiên, và đối với Trưởng BTC trước đây là ông Dương Kỳ Anh thì tôi biết được đây như một truyền thống của cuộc thi. Và các anh cũng phải chịu một trách nhiệm rất lớn, gánh vác trọng trách rất lớn. Nên tôi thấy đúng là ‘trăm dâu đổ đầu tằm’. Nhưng tôi nghĩ ông Lê Xuân Sơn có năng lực lắng nghe và rất chân thành trong việc xử lý các rắc rối của cuộc thi.
Bảo Bảo - Duy Trường