- Góp ý về luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng lộ trình giảm thuế cần đi đôi với cải cách hành chính bởi chi phí thực của DN không nằm ở bao nhiêu phần trăm nộp thuế mà ở cnhững khoản bôi trơn tốn kém.

>> 'Là Bộ trưởng, tôi sẽ giảm thuế xuống 20%' 

Hôm nay (11/4), tạp chí Nghiên cứu lập pháp (Văn phòng QH), Hội doanh nhân trẻ VN và trường ĐH Kinh tế - Luật phối hợp tổ chức hội thảo vluật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thuế suất:  23% hay 20%

TS Nguyễn Thị Minh Hằng (Học viện Tài chính) bình luận, trong giai đoạn hiện nay, các DN trong nước đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía nhà nước. Bởi vậy, chỉ giảm 2% thuế cũng chưa thể đáp ứng được mong đợi của DN.

{keywords}
Thuế suất cho DN tới đây dự kiến sẽ giảm còn 23%. Ảnh minh họa: LN

Cũng theo bà Hằng, một số nước trong khu vực đã có mức thuế suất  thấp hơn. Do đó, có thể giảm thêm xuống mức 20% để Việt Nam có thể cạnh tranh hơn trong việc thu hút đầu tư, nhờ đó có thể bù đắp được khoản hụt thu trong dài hạn. Lý do chính đáng khác, đó là nếu cùng lúc vừa áp dụng thuế suất 23% cùng với thuế suất 20% sẽ làm cho chính sách thuế thêm phần phức tạp.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia phản đối đề xuất này.

Như phân tích của ông Nguyễn Văn Phụng (chuyên gia cao cấp Bộ Tài chính), trước mắt chỉ cần giảm thuế suất xuống 23%. Cùng lúc, Chính phủ nên mạnh dạn đề xuất với QH quy định rõ lộ trình áp dụng thuế suất phổ thông 20% từ năm 2016. Đồng thời, giữ nguyên các mức thuế suất ưu đãi là 20% và 10% tùy theo lĩnh vực, địa bàn. Đây là phương án hợp lý để cân đối được giữa nhu cầu ngắn hạn với mục tiêu trung và dài hạn mà vẫn tạo thêm động lực đầu tư.

"Để khích lệ DN hiện nay họ tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất vì tương lai một vài năm tới sẽ được giảm thuế", ông Phụng nói.

Trong tham luận đóng góp tại hội thảo, ông Đinh Dũng Sỹ (Văn phòng Chính phủ) cũng thận trọng, nên hết sức cân nhắc các tác động tới ngân sách quốc gia nếu giảm thuế xuống còn 20% ngay lập tức. "Ưu điểm là tăng mức độ hấp dẫn thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên phương án này có tác động quá lớn tới thu ngân sách 2 năm tới", ông Sỹ nói.

Ông Sỹ do đó ủng hộ phương án đang được nhiều người đề xuất là chỉ giảm 2% và công bố lộ trình giảm thuế vào năm 2016.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, lộ trình giảm thuế suất cần đi đôi với cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh mới tính đến thu hút đầu tư. Như ông Nguyễn Văn Phụng phân tích, thuế suất thực không dừng ở 25%. Bởi DN còn tốn kém bởi những chi phí không chính thức.

Ưu đãi thuế có tạo bất bình đẳng?

Liên quan đến quy định dành mức ưu đãi 20% cho DN vừa và nhỏ, TS Nguyễn Thị Hồng Nhung (ĐH Luật - Kinh tế, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, quy định như vậy là tạo ra một sự phân biệt đối xử không cần thiết và không hẳn sẽ tạo ra chuyển biến tích cực cho nền kinh tế như kỳ vọng.

Theo bà Nhung, với các phân biệt như vậy vô hình trung đã khuyến khích việc phát triển các DN nhỏ và vừa, tạo ra một nền kinh tế nhỏ lẻ, sức cạnh tranh kém. "Để hưởng lợi chính sách, DN sẽ chia  tách ra thành nhiều DN với quy mô vốn nhỏ, số lượng lao động ít, hoạt động manh mún không tập trung. Do vậy khó mà cạnh tranh được với các tập đoàn lớn trên thế giới, nơi đòi hỏi phương thức quản trị hiện đại, nguồn lực dồi dào", bà Nhung nói.

Vì vậy, bà Nhung đề xuất áp dụng đồng loạt thuế suất 20% không phân biệt loại hình DN. Để vừa khắc phục được hiện tượng chuyển giá ở các DN đầu tư nước ngoài, vừa hạn chế khả năng chia tách DN.

TS Lê Vũ Nam (ĐH Quốc gia TP.HCM) phân tích, về vấn đề ưu đãi thuế 20% hiện vẫn đang có hai luồng ý kiến khác nhau.

Luồng ý kiến thứ nhất đồng ý áp dụng mức thuế suất 20% cho các DN có quy mô nhỏ để đảm bảo cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Ý kiến này còn đề xuất lộ trình cụ thể về việc áp dụng và cắt giảm mức lãi suất ưu đãi cho đối tượng này trong từng giai đoạn.

Luồng ý kiến phản đối việc áp dụng mức thuế suất ưu đãi nói trên thì lập luận rằng mặc dù chính sách này là đáng hoan nghênh và phù hợp thông lệ quốc tế nhưng trong điều kiện của nước ta hiện nay thì việc áp dụng mức ưu đãi này với DN vừa và nhỏ sẽ gây tình trạng bất bình đẳng hoặc lách luật trốn thuế khiến ngân sách thất thu. Như vậy chính sách sẽ không được phát huy mà còn mang tính khuyến khích ngược.

TS Lê Vũ Nam cho rằng cần nghiên cứu kỹ quy định trên để có một góc tiếp cận thấu đáo hơn nhằm đảm bảo tính hiệu quả của pháp luật.

Dự thảo luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được bàn tiếp tại Ủy ban Thường vụ QH tuần tới và sẽ trình ra Quốc hội vào tháng 5.

  • Lê Nhung