Quá trình chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường được bắt đầu từ “đổi mới” năm 1986. Khi trở thành thành viên của các tổ chức thế giới như ASEAN năm 1995 và WTO năm 2007, chính sách thuế và cải cách thuế cũng được thay đổi để phù hợp hơn với các quy định và thực tiễn của thế giới.

Việc điều hành chuyên sâu nền kinh tế trong vài năm trở lại đây đã bước đầu đạt được kết quả, giảm lạm phát từ 20% xuống còn 7%, tăng trưởng kinh tế hàng năm tương ứng tăng từ 5% lên 7%, tỷ giá hối đoái được duy trì ổn định trong năm 2012, bất chấp những rủi ro bị ảnh hưởng xấu từ sự trì trệ kéo dài của nền kinh tế toàn cầu và sự giảm tốc đầu tư nước ngoài FDI.

Tuy nhiên, những khoản vay không hiệu quả, đặc biệt của các doanh nghiệp nhà nước đang là vấn đề đau đầu cho ngành ngân hàng và khiến nhiều nhà điều hành tại Việt Nam phải nỗ lực trong việc quản lý hoạt động của ngân hàng để duy trì chính sách tín dụng mở, đồng thời tái tạo nền kinh tế tốt hơn. Doanh thu thuế cũng là một công cụ, trực tiếp hay gián tiếp, trong chính sách điều hành của Chính phủ nhằm giảm thiểu các khoản vay không hiệu quả, tuy nhiên cần cân đối giữa việc tăng doanh thu để lấp các khoản nợ đã tích lũy trong một khoảng thời gian dài và giảm gánh nặng thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Thuế TNDN và các ưu đãi thuế TNDN

Thuế TNDN tại Việt Nam hiện nay đang ở mức 25%, trừ những doanh nghiệp được thành lập với mục đích thăm dò, khai thác mỏ (mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn, từ 32% đến 50%).

Các trường hợp được hưởng ưu đãi thuế: Doanh nghiệp thuộc các ngành nghề được ưu đãi đầu tư hoặc hoạt động tại vùng miền đặc biệt sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế TNDN như:

1    Mức thuế TNDN 10% trong vòng 15 năm với các dự án đầu tư mới được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế và khu công nghệ cao; và các dự án mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm của Nhà nước, và sản xuất phần mềm.

2     Mức thuế TNDN 10% trong suốt giai đoạn hoạt động được áp dụng cho các khoản doanh thu từ giáo dục đào tạo, đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, thể thao, môi trường và hoạt động xuất bản được mô tả trong Luật xuất bản.

3     Mức thuế TNDN 20% trong 10 năm với các dự án mới ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn.

4     Mức thuế TNDN 20% trong suốt giai đoạn hoạt động được áp dụng cho các hợp tác xã nông nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân và viện tài chính vi mô.

Ngoài các ưu đãi về mức thuế, các dự án hiệu quả có thể còn được miễn thuế hoặc giảm tới 50% thuế trong một số năm nhất định kể từ khi kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp không có lãi trong vòng 3 năm kể từ khi thành lập, ưu đãi này sẽ được áp dụng từ năm thứ 4. Ưu đãi thuế không được tính với các khoản “doanh thu khác” được xác định một cách chung chung.

Thuế suất thuế TNDN không còn là lợi thế của Việt Nam

Năm 2009, thuế suất thuế TNDN của Việt Nam là 25%, thấp hơn mức bình quân của châu Á (25,73%) và thế giới (25,38%). Tuy nhiên, đến năm 2013 mức thuế TNDN của Việt Nam đã cao hơn so với mức trung bình toàn Châu Á (22,49%) cũng như trên thế giới (24,08%). Với thực tế kinh tế và kinh doanh đang gặp khó khăn trong thời gian qua thì 25% là mức thuế khá cao, đồng nghĩa với việc ¼ số lãi của doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách. Hình 1 cũng chỉ ra rằng, trong khi xu thế giảm thuế TNDN của cả khu vực và thế giới hàng diễn ra hàng năm thì Việt Nam vẫn duy trì một mức thuế trong suốt giai đoạn 5 năm.

{keywords}

Hình 1: So sánh mức thuế TNDN của Việt Nam với mức trung bình của khu vực và thế giới trong 5 năm từ 2009 (Đơn vị: %). (Nguồn: KPMG)

Tăng trưởng GDP và mối quan hệ với thuế TNDN

Theo lộ trình, thuế TNDN của Việt Nam sẽ được điều chỉnh giảm xuống còn 22% từ năm 2014 và 20% từ năm 2016, tương đương với mức trung bình của các quốc gia Châu Á hiện nay. Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến số thu giảm do điều chỉnh thuế suất thuế TNDN năm 2014 sẽ là khoảng 14 nghìn tỷ đồng (trong ngắn hạn), số thu giảm có thể bù đắp thông qua sự tăng thu từ các nguồn khác do sự gia tăng về đầu tư từ ảnh hưởng của việc giảm thuế suất thuế TNDN (trong dài hạn) (số liệu công bố trong Hội thảo ““Đánh giá tác động của sửa đổi, bổ sung thuế TNDN và thuế GTGT tại Việt Nam”, tháng 2/2013).

Thống kê mức tăng trưởng GDP và thuế TNDN năm 2012 của các quốc gia trên thế giới (Hình 2) cho thấy mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa GDP và thuế TNDN, có nghĩa là tốc độ tăng GDP có xu hướng cao hơn ở các nước có thuế TNDN thấp.

{keywords}

Hình 2: Tương quan giữa tốc độ tăng trưởng GDP và thuế TNDN, 2012. (Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ số liệu của KPMG và WDI)

Có thể thấy với sự điều chỉnh này, Chính phủ đã chấp nhận giảm thu ngân sách từ thuế TNDN trong ngắn hạn để trợ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng đồng thời sẽ kích thích đầu tư, làm tăng GDP, đảm bảo tính cạnh tranh của Việt Nam với khu vực và thế giới, từ đó giúp giảm phần nào nỗi lo ngại mang tên “chuyển giá” tại các công ty đa quốc gia trong dài hạn.

Mức thuế 25% đã được áp dụng trong suốt 5 năm từ năm 2009. Một chặng đường không quá dài nhưng cũng đủ để chứng minh rằng, các doanh nghiệp liên tục hiện diện trong Bảng xếp hạng V1000 - 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam thực sự là những gương mặt điển hình của nỗ lực vượt khó và ý thức đóng góp cho sự phát triển chung của toàn xã hội. Hi vọng đây sẽ là tiền đề và động lực để các doanh nghiệp tiếp tục phấn đấu và trưởng thành hơn nữa trong những năm tới đây.

{keywords}

Nguồn: Vietnam Report

Sáng 29/11/2013, tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, TP. Hà Nội, Ban tổ chức V1000 gồm: Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Báo VietNamNet và Tạp chí Thuế - Tổng Cục Thuế sẽ chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000 năm 2013. Buổi Lễ được tổ chức nhằm mục đích khuyến khích, biểu đương và tôn vinh các doanh nghiệp có mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao, góp phần rất lớn vào sự phát triển và giàu mạnh của đất nước.

Ngô Nga – Vietnam Report