- Tết vẫn được xem là cuộc “di cư” lớn với dòng người ngoại tỉnh từ các thành phố đổ về quê. Nhưng háo hức về quê đón Tết bao nhiêu thì những người dân ngoại tỉnh cũng “ngao ngán” bấy nhiêu khi nhìn thấy đường về quê ăn Tết “sao còn lắm gian nan”…
Đau đầu giữ của
Về quê nghỉ Tết trong thời gian tương đối dài (khoảng 2 tuần) nên nhiều sinh viên “sốt ruột” về nhà cũng phải chạy vạy cuống cuồng tìm cách đi gửi đồ.
Tiến Thành (ĐH Mỏ Hà Nội) đang trọ học dưới Nhổn (huyện Từ Liêm) tâm sự: “Cả khu nhà trọ có 8 phòng biệt lập mà an ninh lại không đảm bảo. Về nghỉ tết dài nên ai cũng lo đi gửi đồ ở nhà người thân hoặc bạn bè ở Hà Nội.
Vừa chăng buộc cả đống đồ lỉnh kỉnh vào chiếc xe máy, Trần Hường (ĐH Thương mại) vừa chỉ vào chiếc máy tính bảo: “Về Tết mình cố gắng mang ít đồ thôi để còn có chỗ chở chiếc máy tính này về. Bố mẹ dành dụm cả năm mới mua được cho mình chiếc máy tính nên bảo để lại nhà trọ bố mẹ không yên tâm, bắt mình chở về bằng được. Ở ngay Hà Nam nên mình cũng không ngại”.
Tàu xe tết là nỗi sợ kinh niên |
Được sắp xếp ở tại ký túc xá tuy không phải lo chuyện nhà cửa, hay đồ đạc ngày về Tết thì Thu Hương (HV Báo chí và Tuyên truyền) cũng “lạnh gáy”: “Đồ đạc được xếp gọn trong phòng chỉ sợ chuột cắn đến chăn màn, quần áo. Tha lôi hết về quê cũng quá tội!”.
Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Yên Nghĩa mặc dù vẫn chưa được nghỉ Tết nhưng nhiều công nhân cũng lên phương án gửi đồ.
“Hai năm nay mình đều gửi đồ ở chỗ đứa em trên Cầu Giấy. Nó là sinh viên được nghỉ sớm nên mình cũng phải dọn dẹp sớm để gửi cùng. Cũng chỉ có chiếc ti vi và mấy đồ điện gia dụng thôi” – chị Trần Thị Hương (Công nhân khu công nghiệp Nam Thăng Long) nói.
Tắc nghẽn đường xe
Chuyện tàu, chuyện xe là một trong những nỗi sợ, nỗi lo kinh niên của những người tỉnh xa từ các thành phố lớn về quê ăn Tết. Đến hẹn lại lên, năm nào cũng thế, nhưng vẫn làm cho nhiều người “phát sốt”.
Đứng chờ từ sáng tại Bến xe khách Mỹ Đình, Phạm Văn Dũng (ĐH Xây dựng) mệt mỏi: “Cũng biết xe khách ngày Tết khó khăn vất vả nên trước đấy mình đã gọi điện trước đặt vé. Nhưng hôm nay đến đây vẫn cháy vé. Họ bảo ai nhanh thì được chứ tết nhất biết ai với ai mà đặt trước với đặt sau”.
Mệt mỏi chờ xe tết |
Cũng đang đứng chờ xe khách tới, một nhóm bạn quê Thanh Hóa tâm sự: “Chúng mình đã đăng ký vé tàu về nhà nhưng không được mới phải đi xe khách. Chuyến tới xe chạy lúc 9h nhưng 8h cả bọn đã tập hợp ở đây đợi xe mong có được một chút ghế ngồi”.
May mắn có được một suất ngồi chen chúc trên chiếc xe khách Đoàn Hạnh (ĐH Bách khoa) cười: “Bây giờ chỉ chờ xe chạy về đến nhà là Tết. Xe khách ngày Tết cứ “tập xác định” là “nhồi” và “hét”. Càng về sớm “nhồi càng ít’ mà nhà xe “hét cũng bé”, nên vừa được nghỉ học là mình về ngay.
Mất gần 1 tiếng đồng hồ để thoát khỏi đường Thụy Khuê ra đến bến xe thì chuyến xe cũng vừa chạy, chị Dương ngao ngán: “Đường Hà Nội những ngày này khiếp vì tắc. Xe máy ô tô ở đâu mà nhiều thế. Muộn chuyến xe sáng cũng may còn chuyến chiều. Cũng ở bến xe chờ luôn chứ không về nhà nữa rồi lại tắc đường thì đến bao giờ mới về quê được”.
Lận đận “bão giá”
Những siêu thị lớn, chợ đêm Đồng Xuân, chợ sinh viên, khu vực chùa Bộc, chợ Đông Tác… những ngày giáp Tết lúc nào cũng đông đúc. Khách đến đây chủ yếu là sinh viên, công nhân, người lao động.
Tay xách mấy túi đồ vừa mua trong siêu thị, chị Trịnh Hồng Vân chia sẻ: “Tranh thủ ngày nghỉ ca mình phải đi mua đồ Tết về nhà. Năm nay cái gì cũng đắt đỏ nên cũng không dám mua nhiều mà cũng không mua được nhiều. Cũng chỉ gọi là làm quà về Tết thôi”.
Quyết định ở lại làm thêm trong dịp Tết này, Ngọc Hà (ĐH Hòa Bình) bật mí: “Vừa ra tết dương giá cả cái gì cũng tăng. Khu trọ của mình còn tăng cả tiền nhà tiền nước nên được nghỉ Tết là mình tìm việc làm thêm luôn. Bán bánh kẹo thế này phải đến 28 – 29 tết mới được về, nhưng làm thêm những ngày này lương cũng cao nên mình ở lại kiếm tiền vừa là tiêu Tết may ra cũng đủ tiền nhà cho tháng sau lên học tiếp”.
“Cả năm lao động chuẩn bị cho Tết. Giá cả lên xuống đắt rẻ thì cũng phải chịu, nhưng Tết vẫn là Tết. Được về nhà đón Tết thế là vui rồi…” - chị Tuyết (công nhân Công ty may Chiến Thắng) vừa nói vừa cầm đôi giày lên thử. Chợ đêm Đồng Xuân vẫn tấp nập, hàng giầy dép chị mua với bảng giá từ 35 – 50 nghìn cũng ngày càng đông.
Hồng Khanh