7 năm trước, Giang Trang cho ra mắt CD Lênh đênh nhớ phố - sản phẩm phòng thu đầu tiên, mở ra một hành trình dài 7 năm thử nghiệm âm nhạc Trịnh Công Sơn. 

7 năm sau, Giang Trang cũng ra mắt Lênh đênh nhớ phố nhưng bản đĩa than. Lênh đênh nhớ phố một lần nữa được “tái sinh” qua phiên bản đĩa than, tái hiện sống động chất phóng túng và ngẫu hứng phố của 3 người nghệ sĩ đàn hát rất đỗi ngây ngô, lãng mạn một cách xuất thần trên căn gác nhỏ. Với 9 ca khúc và 1 bản hoà tấu, Lênh đênh nhớ phố tìm tòi về hình thức biểu đạt nguyên sơ, đằm thắm qua tiếng vỹ cầm bay bổng của Anh Tú và tiếng guitar tinh tế của Anh Hoàng đã nâng niu tiếng hát của Giang Trang bay lên tinh khôi, dịu vợi.

 

{keywords}
Sau 7 năm, Giang Trang cùng ekip của mình đã 'tái sinh' Lênh đênh nhớ phố bản đĩa than đầy sống động và ngẫu hứng.

Trong lần "tái sinh" của Lênh đênh nhớ phố còn là sự gặp gỡ liên tài giữa tiếng hát Giang Trang trong đĩa nhạc đầu tiên - hoạ sĩ Lê Thiết Cương trong vai trò Giám đốc nghệ thuật, người có bản thiết kế đầu tiên - nhà sản xuất Trần Đức với sản phẩm đĩa than đầu tiên. Cuộc gặp gỡ đầu tiên nhưng chính ở sự khởi đầu ấy đã khởi lộ mối duyên và sự ăn rơ đồng điệu giữa họ. Đó chính là vẻ đẹp tĩnh lặng, tối giản trong hình thức biểu đạt nghệ thuật cũng như quy chuẩn của một quy trình sản xuất sản phẩm âm nhạc.

Chia sẻ về quyết định "tái sinh" Lênh đênh nhớ phố với phiên bản đĩa than, Trần Đức cho biết: "Khi nghe CD này tôi rất ngạc nhiên, Lênh đênh nhớ phố là bản thu rất tốt. Ở đó, sự hồn nhiên, thăng hoa, mới mẻ và rất bản năng trong cách hát nhạc Trịnh của "một người hát nhạc Trịnh" đã gieo cho tôi ý nghĩ: "Nếu vẫn giọng hát này nhưng được nghe qua LP thì sẽ thế nào?", rồi từ ý tưởng thêm một chút tình cờ, một chút duyên, tôi đã được gặp trực tiếp Giang Trang và gần như ngay lập tức chúng tôi đã nhận được sự đồng ý của nghệ sĩ cho dự định của mình". 

{keywords}
Để khám phá vẻ đẹp tĩnh lặng của âm nhạc Trịnh Công Sơn, thay vì tự sự Giang Trang luôn cố gắng khi hát để chừa ra nhiều khoảng trống.

 

Dù khởi đầu chỉ nhận mình là "một amateur chơi nhạc" nhưng với tư duy của một người chơi nhạc hơn là một ca sĩ, Giang Trang đã có một con đường âm nhạc mà bất cứ người nghệ sĩ chuyên nghiệp nào cũng phải muốn vươn tới với một vệt dài thử nghiệm âm nhạc Trịnh Công Sơn. Hơn cả một người hát, ở mỗi cuộc chơi khác nhau, Giang Trang như là người kết nối liên tài trong giới văn nghệ để từ đó đồng sáng tạo cùng họ, tìm tòi một hình thức biểu đạt khác, một vẻ đẹp khác ngoài ca từ khám phá sức sống của âm nhạc Trịnh Công Sơn trong đời sống hôm nay qua những không gian âm nhạc không lặp lại.

Sở hữu giọng hát trong trẻo, thản nhiên cùng phong cách giản dị, Giang Trang đã mang đến một giọng điệu riêng trong các cuộc chơi âm nhạc của mình. Mà như cách nói của Giang Trang, để khám phá vẻ đẹp tĩnh lặng của âm nhạc Trịnh Công Sơn, thay vì tự sự cô luôn cố gắng khi hát để chừa ra nhiều khoảng trống.

Có lẽ vì thế, khi Giang Trang hát Trịnh Công Sơn người nghe, đặc biệt lớp công chúng trẻ ngày hôm nay không thấy u uất, nặng trĩu nỗi buồn. Thay vào đó họ thấy được chia sẻ, an ủi qua tiếng hát dịu dàng, nũng nịu trẻ thơ và lấp lánh cả niềm hy vọng, đối diện hiện thực bằng tình yêu tha thiết cuộc đời.

Tình Lê

 

Giang Trang sẽ chơi nhạc Trịnh theo tinh thần Jazz

Giang Trang sẽ chơi nhạc Trịnh theo tinh thần Jazz

Giang Trang khẳng định, đêm "Nguyệt Hạ 2" sẽ mang đến tinh thần tự nhiên và tự do nhất như những gì họ có thể cảm nhận trong âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.