Công bố nghiên cứu từ khu cách ly
Huỳnh Lưu Đức Toàn, 30 tuổi, giảng viên khoa Ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) hiện đang là nghiên cứu sinh ngành kinh tế học hành vi của Trường Quản lý Otto Beisheim (Đức). Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, anh quyết định về nước.
Xuống sân bay, Toàn được đưa vào cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới Diên Khánh (Khánh Hòa). Sau khi xét nghiệm ban đầu kết quả âm tính, Toàn được chuyển sang Trường quân sự tỉnh Khánh Hòa.
Huỳnh Lưu Đức Toàn công bố nghiên cứu về covid-19 từ khu cách ly (Ảnh: NVCC) |
Từ khu cách ly, Toàn đã có nghiên cứu Nhận thức rủi ro của người dân về Covid-19 công bố trên tạp chí Economics Bulletin (là một tạp chí khoa học truy cập mở, thành lập vào năm 2001 bởi Myrna Wooders - nhà kinh tế học người Canada, có tổng biên tập là giáo sư John P. Conley từ ĐH Vanderbilt).
Toàn quan tâm điều này vì nhận thức rủi ro sẽ định hình hành vi con người, và khi định hình hành vi một cá nhân sẽ định hình hành vi của xã hội. Toàn thực hiện nghiên cứu này trong khu cách ly, chọn mẫu ngẫu nhiên qua mạng. Phương pháp ngẫu nhiên khảo sát dành cho người từ 15 đến 47 tuổi. Với Toàn chỉ cần có internet và máy tính thì nơi nào cũng làm việc được.
“Tôi tìm ra 2 điều. Thứ nhất, về khu vực địa lý có ảnh hưởng nhận thức rủi ro thì miền Nam có nhận thức rủi ro cao hơn các miền khác. Thứ hai là hành vi sử dụng mạng xã hội và tin giả ảnh hưởng đến nhận thức rủi ro".
Khu cách ly khá yên tĩnh, ngày đầu vào mới chỉ có 4 người. Không gian thoáng đạt nên Toàn khá tập trung, dù bị giới hạn bởi không gian nghiên cứu.
Hoàn thành nghiên cứu, Toàn gửi cho tạp chí Economics Bulletin. Đón nhận nghiên cứu được công bố trong khu cách ly, Toàn nghĩ ít nhất mình đã làm được một điều nhỏ bé trong công cuộc chống Covid-19.
“Một cánh bướm nhỏ ở bờ Tây có thể tạo nên cơn bão ở bờ Đông", tôi chỉ mong mọi người ở vai trò của mình làm được một cánh bướm nhỏ để cùng lan tỏa sức mạnh thổi bay Covid-19", giảng viên trẻ ngành kinh tế chia sẻ.
Trong đại dịch mỗi người đều có thể làm việc ý nghĩa
Điều Toàn vui là nghiên cứu của mình có ý nghĩa trong đại dịch Covid-19. Việt Nam đang làm rất tốt công tác chống dịch, nhưng điều thứ hai Toàn muốn là truyền thông thế giới phải để ý đến Việt Nam, nơi đầu tiên khống chế SARS-2003.
Những dữ liệu của Toàn sau khi công bố sẽ tặng cho các nhà khoa học trên thế giới để họ so sánh, đối chiếu phạm vi toàn cầu, vì không phải nhà khoa học nào cũng nghiên cứu về Việt Nam.
(Ảnh: NVCC) |
Theo nghiên cứu của Toàn, nhận thức về thông tin chính thống của người dân chỉ được chấm điểm 5/10. Do đó, vai trò của báo chí và thông tin chính thống trong giai đoạn này cực kì quan trọng; không cần nhiều nhưng phải cô đọng và đầy đủ, trong một khung thời gian nhất định sẽ hiệu quả hơn tần suất dồn dập và liên tục cập nhật.
Điều Toàn muốn nhắn nhủ là: Dù cách ly, nhưng vai trò gì cũng có thể làm tốt việc của mình để chống dịch.
Cách ly không có gì ghê gớm hay đáng sợ
Toàn bảo điều cậu thích nhất là thông điệp: "Ở Việt Nam không ai bị bỏ lại phía sau”. Ngày may bay đáp xuống phi trường, sự xúc động đến với Toàn vì cuối cùng đã được đặt chân lên đất mẹ, được nói thứ ngôn ngữ mình nói, được gặp mọi người, được ăn món ăn Việt.
“Tôi nhớ cảm giác đi trên tàu, từ chỗ ở ra sân bay Frankfurt bị người Đức ném hột quẹt vào mình khi đeo khẩu trang, bị người ta phun nước bọt và chửi "đồ châu Á dịch bệnh”. Dù tôi nghĩ rằng ở đâu cũng có người này người kia nhưng ở Việt Nam không một đồng bào nào bị bỏ rơi trong cuộc chiến chống Covid-19”- nghiên cứu sinh kể.
Công bố của Toàn trên Economics Bulletin |
Toàn thừa nhận, ở Đức điều kiện sống và nghiên cứu rất tốt và điều ấy khiến anh đau đáu trong lòng là làm sao để tạo ra được những điều kiện ấy cho sinh viên học sinh ở Việt Nam.
Từ vài phút bỡ ngỡ ban đầu, Toàn thích nghi rất nhanh ở khu cách ly. Ở đó Toàn nhìn thấy các anh bộ đội sáng nào cũng đem thức ăn đến phòng, rồi lại phun thuốc khử trùng. Người đo nhiệt độ thì nhắc nhở nhớ uống nước nhiều. Người cả đêm đi kê giường, đi kéo hành lý..rồi người thì hỏi han...
Hay là chuyện một sư thầy từ Úc về cứ sáng sớm là ra khu cách ly quét dọn lá, quét rác, dọn nhà vệ sinh. Còn một chú sinh năm 1947 sẽ luôn nhắc nhở cả phòng nhớ vệ sinh sách sẽ. Đó là những con người xa lạ nhưng lại rất gần gũi và thương mến với nhau.
“Chúng tôi giao tiếp theo khoảng cách vật lý là cách nhau 2m, nhưng khoảng cách tinh thần thì thấy gần gũi vô cùng".
Với anh, đây là thời gian để mỗi người sống chậm lại lắng nghe bản thân hơn.
Toàn nhớ tới câu chuyện của 1 giáo sư người Anh, ông nói rằng “Nếu tôi bị cảm cúm thì có thể lây cho 1 hay 2, người và sau đó họ sẽ tiếp tục các thế hệ lây nhiễm và cùng lắm chỉ là 14 người. Tôi chỉ chịu trách nhiệm cho 14 người bị nhiễm bệnh từ tôi nhưng Covid-19 thì lây nhiễm khủng khiếp. Tôi có thể lây nhiễm cho 3 người, 3 tầng và các thế hệ vậy và có thể tôi sẽ chịu trách nhiệm cho hơn 59.000 người".
“Tôi chỉ muốn gửi thông điệp rằng, hãy sống cuộc đời chịu trách nhiệm bởi bạn có thể sẽ gây hậu quả cho 59.000 người và điều đó khủng khiếp hơn việc chịu thiệt thòi khi lưu trú tại nhà hay cách ly không thoải mái” – Toàn nói.