Lược sử một chính sách
Ban đầu, việc cấp phép đầu tư cho các dự án FDI được tập trung về một mối là Ủy ban nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI), một cơ quan được thành lập vào năm 1989. Chính sách này đã kéo dài cho tới năm 1996, khi những thử nghiệm đầu tiên về phân cấp đã được tiến hành.
Trong vòng 10 năm, từ 1996-2006, Chính phủ đã phân cấp cho chính quyền tỉnh, thành phố thẩm định và cấp giấy phép các dự án FDI được giới hạn bởi quy mô vốn và lĩnh vực đầu tư. Trừ một số dự án FDI về dầu khí, bảo hiểm, ngân hàng, kiểm toán do các bộ cấp phép, UBND TP Hà Nội và TPHCM được cấp phép các dự án FDI có vốn đăng ký đến 10 triệu USD, các địa phương khác đến 5 triệu USD, Ban quản lý KKT, KCN, KCX và KCNC (gọi tắt là Ban quản lý) được cấp phép các dự án FDI có vốn đăng ký đến 30 triệu USD.
Tình hình thay đổi căn bản kể từ quý IV/2006, khi nghị định 108 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2005 được ban hành, theo đó loại trừ một số dự án chuyên ngành, Chính phủ đã giao cho chính quyền địa phương và Ban quản lý cấp phép các dự án FDI không hạn chế quy mô.
Chứng kiến toàn bộ quá trình thay đổi chính sách đó, Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói rằng chủ trương phân cấp quản lý nhà nước đối với FDI là “nhằm mục đích phát huy tính sáng tạo, ý tưởng mới của lãnh đạo tỉnh, thành phố khai thác tốt hơn lợi thế so sánh của từng địa phương trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, kể cả thu hút FDI”.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, chủ trương phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương có tác động tích cực đến tính chủ động của chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạt động XTĐT, cải thiện môi trường đầu tư, giảm thiểu phiền hà, tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư. Báo cáo “ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2011” của VCCI cho thấy, năm 2009 doanh nghiệp FDI phải chờ hai tháng để gia nhập thị trường thì năm 2011 còn 43 ngày, thời gian cấp phép từ 60,9 ngày còn 49,5 ngày, đăng ký kinh doanh từ 48 ngày còn 20,8 ngày.
Tuy vậy, vẫn theo ông Nguyễn Mại, một số địa phương đã ban hành và thực hiện các quy định về ưu đãi đầu tư trái pháp luật làm tổn hại lợi ích chung của đất nước. Việc tiếp xúc, lựa chọn nhà đầu tư chưa thận trọng, đã có tình trạng một số nhà đầu tư “rởm” được cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án FDI hàng trăm triệu USD để bán lại, khi không thực hiện được thì buộc phải trả lại Giấy chứng nhận.
Mặt khác, năng lực thẩm định của cán bộ một số địa phương đối với dự án FDI lớn rất hạn chế, nên đã xảy ra tình trạng cấp phép mà không đảm bảo các điều kiện cần thiết, thậm chí cùng thời gian đã có các dự án xi măng, sắt thép quy mô lớn được nhiều địa phương cấp phép không phù hợp với quy hoạch ngành và vùng lãnh thổ. Về phía các bộ ngành, sự thiếu công khai quy hoạch phát triển ngành trên từng vùng lãnh thổ và địa phương... cũng khiến cho phân cấp không đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
Mở ra hay co lại?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Thu thừa nhận việc thực hiện phân cấp đầu tư trong thời gian qua là “chưa phù hợp với tình hình thực tế”. “Phân cấp đầu tư “đại trà, dàn đều” chưa tính đầy đủ đến đặc thù của địa phương về năng lực quản lý, trình độ cán bộ, quy mô nền kinh tế địa phương…Tình trạng cạnh tranh trong thu hút FDI dẫn đến một số địa phương cấp phép cho các dự án tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng sử dụng và khai thác tài nguyên không hiệu quả, chưa chú ý đầy đủ tới an ninh quốc phòng, không tính đến chất lượng, lợi ích quốc gia”, ông Thu nhấn mạnh.
Tuy thừa nhận những bất cập của phân cấp, song theo ông Nguyễn Mại, thật khó để thay đổi một vấn đề đã được chính các lãnh đạo tỉnh thành chấp nhận và ủng hộ. “Về tâm lý lãnh đạo địa phương muốn mở rộng phân cấp, không muốn “ trả lại” Chính phủ quyền hạn và trách nhiệm đã được giao từ năm 2006, thậm chí có cán bộ phát biểu “ làm mình, làm mẩy” tùy trung ương, muốn thế nào cũng được; bởi vì trên thực tế, từ khi được phân cấp mặc dù đã xảy ra nhiều vụ vi phạm pháp luật của một số địa phương do vượt quá thẩm quyền, nhưng chỉ được “ nhắc nhở”, chưa có cá nhân nào bị xử lý”, ông Mại nói.
Ở chiều ngược lại, lãnh đạo trung ương ở nước ta thường “chiều lòng các tỉnh, thành phố, nhất là trong dịp đi thăm các địa phương, dễ chấp nhận và quyết định tại chổ kiến nghị về xin thêm vốn, kinh phí, quyền hạn mà không cân nhắc lợi ích toàn cục, kết quả là “lạm phát” cảng hàng không, cảng biển, trường đại học và cao đẳng, dẫn tới đầu tư dàn trải kém hiệu quả.
Vị chuyên gia này đề nghị rằng trong thời gian tới cần điều chỉnh một phần quy định phân cấp cho chính quyền địa phương, thậm chí có cơ chế đặc thù đối với Hà Nội và TP.HCM theo hướng giữ nguyên quy định phân cấp hiện tại; các tỉnh, thành phố thì thực hiện thì hạn chế về quy mô vốn.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận cách làm này có thể gặp phải phản ứng tiêu cực của các địa phương.
Lo lắng của ông Mại là có cơ sở khi mới đây, lãnh đạo hàng loạt tỉnh thành đã lên tiếng phản đối về một đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo đó sẽ chỉ phân cấp cho tỉnh thành được cấp phép các dự án quy mô dưới 100 triệu USD. Không dễ để các tỉnh thành chấp nhận đề xuất này: thay vì chủ động hoàn toàn trong cấp phép, các tỉnh thành khó chấp nhận việc quyền cấp phép những dự án lớn (trên 100 triệu USD) lại thuộc về cơ quan khác.
Đa phần ý kiến cho rằng cần thiết phải có quá trình đánh giá lại 6 năm phân cấp vừa qua để quyết định, thay vì đột ngột thay đổi chính sách như đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các tin liên quan |
Yến Thanh