Khi giao dịch mua bán chứng khoán qua ứng dụng này, nhà đầu tư được các môi giới của ứng dụng cam kết cho giao dịch T+0, tức có thể mua bán cổ phiếu ngay trong ngày, đặc biệt là cam kết sẽ mua được cổ phiếu giá thấp hơn nhiều so với thị trường và có thể mang lại lợi nhuận đến 600%/năm.
Mặc dù những lời quảng cáo trên khó tin, nhưng do lợi nhuận quá hấp dẫn nên hàng nghìn người đã bỏ tiền vào ứng dụng này.
Khi giao dịch mua bán chứng khoán qua StockX, nhà đầu tư được các môi giới của ứng dụng cam kết cho giao dịch T+0, đặc biệt là cam kết sẽ mua được cổ phiếu giá thấp hơn nhiều so với thị trường và có thể mang lại lợi nhuận đến 600%/năm.
Sau khi được mời chào qua điện thoại, một người đàn ông được môi giới của ứng dụng StockX gửi đường link để tải và cài đặt ứng dụng. Sau khi truy cập vào app này, anh thấy app cũng hiển thị biến động về giá của các mã chứng khoán giống như trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam, nên đã tin tưởng. Thậm chí, môi giới còn gửi cho anh 1 bản hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng cổ phiếu với tên: Công ty TNHH Sequoia và còn hào phóng tặng luôn cho anh 1 triệu đồng trong tài khoản.
"Cho tôi 1 triệu đồng vào cái tài khoản và tôi có rút trên app đó ra 1 triệu đồng, thì nó thông qua được tài khoản đấy về, tôi cũng tin", người tham gia vào ứng dụng StockX chia sẻ.
Thấy rút được tiền, anh đã mạnh dạn nạp tiền vào tài khoản trên ứng dụng StockX để đầu tư chứng khoán. Mỗi ngày môi giới chỉ được phép mua 1 mã nhất định, thậm chí còn được mua bán T+0.
"Họ cam kết T0 lợi nhuận từ 2 - 7% ngay khi mua và bán ra và có thể là mua từ chiều, từ khoảng 14h45 - 15h, thì đến đầu sáng hôm sau có thể bán được ngay", người tham gia vào ứng dụng StockX chia sẻ thêm.
Ngoài cho phép nhà đầu tư giao dịch T+0, ứng dụng StockX còn hào phóng tới mức bán cho các nhà đầu tư các mã cổ phiếu với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.
Với mã chứng khoán DDG được niêm yết tại sàn HNX, ngày 21/6, mã chứng khoán này đang được giao dịch xung quanh mức 39.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, app StockX lại cho phép nhà đầu tư được mua mã cổ phiếu này chỉ với giá 25.230 đồng một cổ phiếu, thấp hơn 60% so với giá thị trường.
"Họ nói là bên một quỹ nào đó, họ được mua, tức là được mua từ đầu nên họ có thể bán cổ phiếu với giá thấp để những nhà đầu tư như bọn mình mới được mua", một người tham gia vào ứng dụng StockX khác cho biết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quy định hiện nay của Luật Chứng khoán hiện hành chỉ cho phép các nhà đầu tư được bán cổ phiếu theo chu kỳ T+3 trên thị trường chứng khoán cơ sở, tức là sau khi mua, 3 ngày sau mới được bán. Việc mua bán T+0 của ứng dụng StockX là rất bất thường.
Thậm chí ứng dụng này cũng chưa được cấp phép hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ngoài ra, việc cho phép nhà đầu tư nhỏ lẻ mua bán cổ phiếu trực tiếp mà không qua thỏa thuận với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường là một điều hoàn toàn vô lý.
"Nếu như vậy thì tại sao họ không bán cho nhà đầu tư trên sàn mà lại bán trên 1 app với giá chiết khấu rẻ hơn trên thị trường. Khi quỹ mua phải thông qua sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. Khi thông qua như thế, tất cả thông tin của quỹ đều được minh bạch rõ ràng, lưu ký của VSD đều nắm giữ hết. Khi họ nói như thế, họ không đưa ra bằng chứng nào. Do đó, chúng ta không tin những lời như vậy", ông Lưu Chí Kháng, Công ty cổ phần chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, nhận định.
Với việc ứng dụng StockX chưa được cấp phép hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đồng nghĩa với việc ứng dụng này cũng không có kết nối gì với các sàn chứng khoán của Việt Nam, hoạt động trái pháp luật. Các nhà đầu tư bỏ tiền mua cổ phiếu thực chất lại không hề được sở hữu cổ phiếu và có rủi ro rất lớn.
"Giao dịch của nhà đầu tư không hoàn toàn sở hữu cổ phiếu, mà sở hữu cổ phiếu chỉ được hiển thị trên phần mềm của StockX, chứ trên VSD không lưu giữ bất kỳ thông tin gì về mua bán cổ phiếu của nhà đầu tư. Ở đây tiềm ẩn nhiều rủi ro khi StockX sập thì nhà đầu tư hoàn toàn mất tiền", ông Lưu Chí Kháng, Công ty cổ phần chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, nói.
Một điều bất thường khác là tất cả các nhà đầu tư khi nạp tiền vào để giao dịch thì chỉ được hướng dẫn chuyển tiền cho một vài cá nhân không quen biết, chứ không phải là một tài khoản của doanh nghiệp nào cụ thể. Theo luật sư, điều này thể hiện rõ dấu hiệu bất thường
"Nộp tiền thì phải qua công ty chứng khoán và phải xử lý qua ngân hàng trung gian. Những đơn vị không rõ lai lịch, không rõ phần mềm đứng ra tổ chức như vậy thì có dấu hiệu vi phạm pháp luật", Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cho biết.
Dù có nhiều dấu hiệu bất thường, vi phạm pháp luật, nhưng hiện nay ứng dụng StockX vẫn đang hoạt động khá rầm rộ, thu hút hàng trăm người trên mỗi nhóm Zalo, Telegram khác nhau. Theo hình ảnh về các biên nhận tiền được gửi lên các nhóm, số tiền các nhà đầu tư chuyển vào ứng dụng này có thể đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.
(Theo VTV)